Thực hiện các giải pháp nâng cao giá trị xuất khẩu nông sản

Tỉnh ta đã lựa chọn và phát triển 19 sản phẩm nông nghiệp chủ lực thuộc các lĩnh vực trồng trọt, chăn nuôi và nuôi trồng thủy sản làm tiền đề để thu hút nguồn lực đầu tư vào lĩnh vực nông nghiệp, hỗ trợ người dân nâng cao chất lượng, xây dựng thương hiệu cho sản phẩm nông sản, hướng tới xuất khẩu. Tuy nhiên, sản xuất nông nghiệp trên địa bàn tỉnh còn bộc lộ nhiều hạn chế dẫn đến việc xuất khẩu những năm qua chưa đạt được như kỳ vọng. Trước thực tế đó, các cấp chính quyền và các sở, ban, ngành trong tỉnh đã tập trung thực hiện nhiều giải pháp nhằm nâng cao hiệu quả kinh tế của ngành nông nghiệp nói chung và nâng cao giá trị xuất khẩu nông sản nói riêng.

Sản xuất tinh bột sắn xuất khẩu tại nhà máy chế biến tinh bột sắn Phúc Thịnh, xã Phúc Thịnh (Ngọc Lặc).

Theo phân tích, đánh giá của ngành chuyên môn, nền nông nghiệp tỉnh ta chủ yếu là sản xuất nhỏ, phân tán nên chưa đáp ứng được yêu cầu về sản xuất hàng hóa quy mô lớn, nhất là tiêu chuẩn cao từ thị trường quốc tế. Bên cạnh đó, thách thức, nguy cơ từ tác động của biến đổi khí hậu, môi trường, dịch bệnh trên cây trồng, vật nuôi ảnh hưởng trực tiếp đến sản xuất và tình hình cung cầu nông sản. Một hạn chế lớn nhất khiến sản phẩm nông sản của tỉnh khó tiếp cận với thị trường xuất khẩu chính là hạn chế về năng lực chế biến chuyên sâu, chưa phát triển thương hiệu nên chủ yếu xuất khẩu qua các khâu trung gian, giá trị kinh tế không cao. Trong đó, một số nông sản được bán ra thị trường thế giới nhưng không có thương hiệu, nhãn mác, phải sử dụng thương hiệu nước ngoài. Tại Công ty CP Chế biến nông sản Trung Thành, xã Trung Thành (Nông Cống), hằng năm sản xuất, chế biến khoảng 15.000-17.000 tấn sản phẩm dứa và ngô đóng hộp. Trong đó, sản phẩm dứa đóng hộp của công ty đã có mặt tại thị trường một số nước, như: Nga, Séc. Tuy nhiên, vì chưa xây dựng được thương hiệu độc quyền mang tính quốc tế nên sản phẩm của công ty phải xuất khẩu qua công ty trung gian và sử dụng thương hiệu nước ngoài. Ông Hoàng Ngọc Hà, giám đốc công ty, cho biết: Do nhiều hạn chế về khả năng tiếp cận thị trường và nhiều thủ tục chứng nhận chất lượng để đáp ứng về mặt pháp lý... nên công ty hiện đang liên kết với một số công ty tại các nước sở tại để tiêu thụ sản phẩm dứa đóng hộp. Thực tế, việc xuất khẩu sản phẩm nông sản qua khâu trung gian khiến cho giá trị kinh tế không cao song chính là “cứu cánh” cho các công ty xuất khẩu quy mô nhỏ.

Với những tiềm năng và lợi thế sẵn có về các loại sản phẩm nông nghiệp chủ lực, năm 2019, tỉnh ta đặt mục tiêu xuất khẩu các mặt hàng nông sản đạt 13,75 triệu USD. Do đó, ngay từ đầu năm, các sở, ngành liên quan và các địa phương đã triển khai thực hiện đồng bộ nhiều giải pháp để thúc đẩy, xúc tiến và nâng cao giá trị xuất khẩu nông sản. Trong đó, 5 tháng đầu năm, những sản phẩm xuất khẩu chủ lực tăng cao, như: Tinh bột sắn đạt 18.244 tấn, bằng 152,6% so với cùng kỳ (CK) năm 2018; dưa chuột đóng hộp 212 tấn, bằng 207% so với CK; thịt súc sản đạt 409 tấn, bằng 142,5% so với CK, tăm từ tinh bột ngô đạt 145.000 USD... Tuy nhiên, một số mặt hàng nông sản của tỉnh có diện tích sản xuất và sản lượng lớn như lúa gạo, thực phẩm lại chưa thực hiện xuất khẩu.

Trao đổi với chúng tôi về vấn đề này, đại diện Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, cho biết: Tỉnh ta có nhiều tiềm năng, lợi thế về các sản phẩm nông nghiệp, với 26 đơn vị tham gia chế biến, kinh doanh nông sản, thực phẩm. Tuy nhiên, các doanh nghiệp đầu tư chế biến và kinh doanh sản phẩm nông nghiệp đa phần dừng ở quy mô vừa và nhỏ, công nghệ chế biến sâu còn ít, do đó việc thực hiện xuất khẩu chưa cao, giá trị kinh tế thấp. Để thúc đẩy và nâng cao giá trị xuất khẩu nông sản, trên cơ sở xác định các mặt hàng có tiềm năng xuất khẩu và một số thị trường ưu tiên thì ngành nông nghiệp, chính quyền địa phương và doanh nghiệp đã và đang tổ chức lại sản xuất các mặt hàng nông sản có trọng tâm, hình thành vùng nguyên liệu quy mô lớn và chú trọng bảo đảm chất lượng gắn với truy xuất nguồn gốc. Nâng cao năng lực chế biến nông sản, bảo quản, đóng gói, bao bì, nhãn mác để nâng cao giá trị sản phẩm; hướng tới xây dựng nhiều sản phẩm đạt tiêu chuẩn, quy chuẩn quốc gia, dần tiếp cận với các quy định của các thị trường nhập khẩu khu vực và trên thế giới. Đồng thời, cần thêm những cơ chế khuyến khích, hỗ trợ để các doanh nghiệp xuất khẩu chủ động nghiên cứu thị trường, thay đổi tư duy tiếp cận thị trường, thay đổi phương thức giao dịch từ tiểu ngạch, sang thương mại chính quy. Ngoài ra, sự ra đời của phần mềm kết nối cung cầu sản phẩm nông sản của tỉnh, chính là cơ hội để các doanh nghiệp xuất khẩu trên địa bàn tỉnh giao thương, kết nối với các doanh nghiệp nước ngoài có nhu cầu nhập khẩu hàng hóa.

Bài và ảnh: Lê Hòa

Nguồn Thanh Hóa: http://baothanhhoa.vn/doanh-nghiep/thuc-hien-cac-giai-phap-nang-cao-gia-tri-xuat-khau-nong-san/101647.htm