Thực hiện các giải pháp đẩy mạnh tiêu thụ thịt lợn

Sau thời gian dài trầm lắng do ảnh hưởng của bệnh dịch tả lợn Châu Phi, thời điểm này, thị trường tiêu thụ thịt lợn đã bắt đầu sôi động trở lại.

Sản phẩm thịt lợn tại chợ Vạn Hà (Thiệu Hóa) được kiểm dịch và lăn dấu kiểm soát giết mổ.

Thị trường tiêu thụ sôi động trở lại

Sau thời gian dài trầm lắng do ảnh hưởng của bệnh dịch tả lợn Châu Phi, thời điểm này, thị trường tiêu thụ thịt lợn đã bắt đầu sôi động trở lại.

Ghi nhận tại chợ Tây Thành (TP Thanh Hóa), thời điểm này, việc tiêu thụ thịt lợn tại chợ khá ổn định. Chị Nguyễn Thị Nga, tiểu thương kinh doanh mặt hàng này, cho biết: Khoảng một tuần trở lại đây, quầy của tôi bán được khoảng 80 đến 90 kg thịt các loại/ngày, cao gấp 4 lần so với tháng trước và gần bằng so với thời điểm chưa xuất hiện bệnh dịch tả lợn Châu Phi trên địa bàn. Giá thịt cũng tăng lên từ 5.000 đến 7.000 đồng/kg so với 15 ngày trước.

Ông Lê Viết Đang, Phó Giám đốc Ban Quản lý chợ Tây Thành, cho biết thêm: Thời điểm xuất hiện bệnh dịch tả lợn Châu Phi, ngoài quầy thịt lợn của cửa hàng thực phẩm an toàn vẫn tiếp tục bán, còn các quầy bán thịt lợn khác đều nghỉ bán do không có người mua. Tuy nhiên, nhờ chú trọng thực hiện công tác tuyên truyền, nên thị trường tiêu thụ thịt lợn dần được đẩy mạnh. Hiện, việc tiêu thụ thịt lợn tại chợ đang dần đi vào ổn định, bình quân mỗi ngày các quầy bán thịt lợn ở chợ tiêu thụ khoảng 300-400 kg, bằng 80% lượng thịt tiêu thụ so với thời điểm trước khi có dịch.

Tại các siêu thị trên địa bàn TP Thanh Hóa, việc tiêu thụ thịt lợn sôi động hơn. Ghi nhận tại một số siêu thị Vinmart cho thấy, từ khi xuất hiện dịch, việc tiêu thụ thịt lợn tại các siêu thị không hề có dấu hiệu giảm sút, mà ngược lại, mức tiêu thụ còn tăng hơn so với bình thường. Theo bà Nguyễn Thị Quyên, Quản lý vùng, hệ thống siêu thị Vinmart, cho biết: Hệ thống siêu thị Vinmart hiện có 29 cửa hàng trên địa bàn tỉnh Thanh Hóa. Thời điểm chưa có dịch tả lợn Châu Phi, mức tiêu thụ thịt lợn tại các siêu thị bình quân đạt từ 1 đến 1,2 tấn/tuần/1 siêu thị. Nhưng từ sau khi có thông tin xảy ra dịch tả lợn Châu Phi, mức tiêu thụ thịt lợn tăng đột biến, bình quân đạt 2-2,6 tấn/tuần/1 siêu thị, tăng 100 đến 160% so với thời điểm trước khi chưa có dịch.

Tại chợ Vạn Hà, huyện Thiệu Hóa. Tuy là địa phương nằm trong vùng dịch, song việc tiêu thụ nơi đây cũng đã khá nhộn nhịp. Theo ông Hoàng Văn Khanh, Trưởng Ban Quản lý chợ Vạn Hà, cho biết: Việc tiêu thụ thịt lợn đã bắt đầu sôi động trở lại từ khoảng 2 tuần trở lại đây. So với thời điểm trước khi có dịch, thì lượng tiêu thụ thời điểm hiện nay tại chợ đã đạt khoảng 70%. Tuy nhiên, khách hàng mua thịt cẩn trọng hơn, chỉ chọn mua thịt có hồ sơ kiểm dịch và có dấu lăn kiểm soát giết mổ.

Tiếp tục triển khai các giải pháp kích cầu

Theo tìm hiểu của chúng tôi, sở dĩ thị trường tiêu thụ thịt lợn tại các siêu thị, chợ sôi động trở lại là bởi, thời gian qua, công tác tuyên truyền của các sở, ngành, đơn vị có liên quan và chính quyền các địa phương đã phát huy hiệu quả, từ đó giúp người dân nhận thức đúng về bệnh dịch tả lợn Châu Phi và hiểu được bản chất căn cơ của bệnh dịch này không lây sang người và dễ bị tiêu diệt ở nhiệt độ cao, nên người dân có thể yên tâm sử dụng thịt lợn khi được chế biến chín. Bên cạnh đó, thông qua công tác tuyên truyền, người tiêu dùng cũng được nâng cao nhận thức trong việc chọn mua nguồn thịt lợn ở những cơ sở bảo đảm an toàn thực phẩm, có hồ sơ, dấu kiểm dịch giết mổ.

Ông Lữ Minh Thư, Phó Giám đốc Sở Công Thương, khẳng định: Nhờ đẩy mạnh thực hiện các giải pháp tuyên truyền nên việc tiêu thụ thịt lợn trên địa bàn tỉnh những tuần qua đã tăng lên đáng kể, nhất là tại các siêu thị, cửa hàng thực phẩm an toàn. Tính đến trung tuần tháng 4, số lượng thịt lợn được tiêu thụ tại các chợ, cửa hàng an toàn thực phẩm được khảo sát đạt 70%, tăng 40 đến 50% so với thời điểm vừa xuất hiện bệnh dịch tả lợn Châu Phi. Giá lợn hơi cũng đã đạt 40.000 đồng/kg, tăng 10.000 đồng/kg so với thời điểm trung tuần tháng 3.

Cùng với đó, việc tạo niềm tin để người tiêu dùng yên tâm sử dụng thịt lợn là điều kiện tiên quyết để đẩy mạnh tiêu thụ thịt lợn. Vì vậy, từ khi dịch bệnh bùng phát và diễn biến phức tạp, ngành nông nghiệp đã phối hợp chặt chẽ với chính quyền các địa phương tăng cường công tác kiểm soát giết mổ. Theo đó, các sản phẩm thịt lợn muốn được tiêu thụ tại các chợ phải có hồ sơ kiểm soát giết mổ của cơ quan thú y. Trong quá trình thực hiện lăn dấu kiểm soát giết mổ, cán bộ thú y đều kiểm tra chặt chẽ hồ sơ truy xuất nguồn gốc của sản phẩm. Đồng thời, tuyên truyền để người dân biết và chỉ sử dụng thịt lợn khi có hồ sơ kiểm soát giết mổ.

Để lựa chọn được sản phẩm thịt lợn bảo đảm chất lượng và bảo đảm an toàn trong quá trình chế biến, Chi cục An toàn vệ sinh thực phẩm tỉnh khuyến cáo người tiêu dùng ngoài việc mua thịt lợn được chứng minh rõ nguồn gốc, xuất xứ ở những địa chỉ uy tín, thì có thể nhận biết thông qua trực quan, như: Thịt có màu đỏ tươi, mỡ sáng, độ đàn hồi tốt khi dùng tay nhấn vào miếng thịt, không bị nhão, không bị rỉ nước thì đó là loại thịt lợn khỏe, an toàn. Khuyến cáo người tiêu dùng tuân thủ ăn chín, uống sôi, không ăn tiết canh hay các loại thực phẩm từ thịt lợn chưa được chế biến kỹ. Khi chế biến thịt lợn, người tiêu dùng cần rửa thịt bằng nước muối loãng trước khi nấu, không nên chế biến thịt chín tái, không nên để thịt lợn đã qua chế biến trong hơn hai tiếng đồng hồ ở nhiệt độ phòng. Lưu ý, trong quá trình chế biến không bỏ thịt vào nước đang sôi vì sẽ khiến các chất hóa học không thể đào thải ra ngoài mà dễ dàng bị hấp thụ ngược lại vào bên trong miếng thịt.

Virus dịch tả lợn Châu Phi không lây sang người. Virus này chịu nhiệt kém, bị tiêu diệt khi nấu 20 phút trong nhiệt độ 60 độ C, 2 phút ở nhiệt độ 90 độ C và 1 phút khi đun sôi ở 100 độ C. Vì vậy, người dân có thể yên tâm sử dụng thịt lợn trong điều kiện chế biến chín. Đó là khẳng định của Chi cục Thú Y tỉnh.

Bài và ảnh: Hương Thơm

Nguồn Thanh Hóa: http://baothanhhoa.vn/kinh-te-thi-truong/thuc-hien-cac-giai-phap-day-manh-tieu-thu-thit-lon/99455.htm