Thực hiện bình đẳng giới- giải pháp giảm thiểu mất cân bằng giới tính khi sinh

Ở nhiều địa phương, bất bình đẳng giới là một trong những nguyên nhân gây ra tình trạng mất cân bằng giới tính khi sinh. Nhận thức được vấn đề này, Nghị quyết số 21-NQ/TW nêu rõ, cần nâng cao nhận thức, thực hành về bình đẳng giới, đẩy mạnh truyền thông nhằm giảm thiểu mất cân bằng giới tính khi sinh.

Vì sao bất bình đẳng giới ảnh hưởng đến mất cân bằng giới tính khi sinh?

Thực hiện bình đẳng giới trong gia đình là vợ chồng có quyền lợi và nghĩa vụ ngang nhau trong các hoạt động của gia đình, có ý thức trách nhiệm thực hiện các quyền và nghĩa vụ một cách công bằng như quyền quyết định số con, khoảng cách sinh, việc chăm sóc và nuôi dạy con cái… trên cơ sở chia sẻ, giúp đỡ lẫn nhau, tạo tiền đề cho sự phát triển của gia đình được ổn định và bền vững. Tuy nhiên, tại một số địa phương, bất bình đẳng giới vẫn diễn ra, thể hiện qua việc phụ nữ vẫn phải làm những công việc nội trợ là chủ yếu, vẫn còn tư tưởng trọng nam khinh nữ trong quá trình sinh con, nuôi con, chăm sóc con cái, kế hoạch hóa gia đình, tình trạng bạo lực trong gia đình vẫn còn tồn tại và xảy ra ở một số nơi…

Theo TS. Khuất Thu Hồng, Viện trưởng Viện Nghiên cứu phát triển xã hội – người đã có nhiều năm nghiên cứu về bình đẳng giới cho biết: Quỹ Dân số Liên hợp quốc coi việc lựa chọn giới tính thai nhi khi sinh là một trong những dạng bạo lực giới rất nghiêm trọng. Tuy nhiên, trên thực tế, rất nhiều cặp vợ chồng vẫn tìm mọi cách để đẻ con trai cho bằng được và vấn đề nạo phá thai để lựa chọn giới tính thai nhi vẫn đang tiếp tục xảy ra.

Bằng chứng cụ thể, đến hết năm 2017, tỷ số giới tính khi sinh ở Việt Nam vẫn ở mức 112,2 trẻ trai/100 trẻ gái. Có những nơi tỷ số giới tính khi sinh rất cao, lên đến trên 120 trẻ trai/100 trẻ gái. Thậm chí có những xã, số bé trai sinh ra gấp đôi so với số bé gái. Điều này dẫn đến rất nhiều hệ lụy đáng tiếc về sau.

Hiện tại, dù Chính phủ, các cơ quan, ban ngành đã có những chương trình, dự án, hoạt động truyền thông để thay đổi nhận thức của người dân cũng như việc cấm và sẽ xử phạt hành chính đối với các cá nhân, tổ chức thông báo giới tính của thai nhi trong quá trình khám thai, tuy nhiên, thực trạng MCBGTKS vẫn đang có xu hướng gia tăng. Theo TS Khuất Thu Hồng, vướng trong quan niệm, nhận thức biểu hiện ở chỗ, nhiều gia đình luôn nghĩ: “Chỉ có con trai mới là người được thờ cúng tổ tiên, nối dõi tông đường”; “Phải có con trai mới là người thành đạt”; “Con gái là con người ta”...

Chính những quan niệm như vậy đã “thôi thúc” nhiều gia đình phải cố đẻ con trai cho bằng được. Bên cạnh đó, luật pháp, chính sách an sinh xã hội của nước ta vẫn còn dựa rất nhiều trên những thực hành truyền thống như bố mẹ già phải sống với con trai cả. Mặt khác, những hỗ trợ cho người già vẫn còn hạn chế, dẫn đến việc họ phải sống phụ thuộc vào con trai. Một vấn đề nữa, việc xử phạt những cá nhân, đơn vị tiết lộ giới tính thai nhi cũng còn nan giải, bởi lẽ, họ có rất nhiều cách “lách luật” để thông báo “ngầm” về giới tính thai nhi mà cơ quan chức năng rất khó có thể kiểm tra và xử phạt.

Một buổi nói chuyện về bình đẳng giới với các em học sinh.

Nghị quyết dân số mới và vấn đề bình đẳng giới

Nguyên nhân chính dẫn đến bất bình đẳng giới trong gia đình ở nước ta là do ảnh hưởng của tư tưởng phong kiến gia trưởng cùng với sự thay đổi chậm chạp của ý thức xã hội và hầu như nam giới chưa thay đổi quan niệm trụ cột của mình với gia đình. Phụ nữ thì còn tự ti, luôn nghĩ mình là người hỗ trợ cho vai trò trụ cột của chồng.

Do đó, Nghị quyết số 21-NQ/TW về công tác dân số trong tình hình mới đã nêu quan điểm giải quyết toàn diện, đồng bộ các vấn đề về quy mô, cơ cấu, phân bổ, chất lượng dân số và đặt trong mối quan hệ tác động qua lại với phát triển kinh tế - xã hội, duy trì vững chắc mức sinh thay thế; đưa tỉ số giới tính khi sinh về mức cân bằng tự nhiên thì cần nâng cao nhận thức, thực hành về bình đẳng giới; giảm 50% số cặp tảo hôn; đẩy mạnh truyền thông giáo dục chuyển đổi hành vi nhằm giảm thiểu mất cân bằng giới tính khi sinh, đạt mục tiêu tỉ số giới tính khi sinh dưới 109 bé trai/100 bé gái sinh ra sống. Tạo chuyển biến rõ nét ở những vùng có tỷ số giới tính khi sinh cao. Một số địa phương có tỷ số giới tính khi sinh chênh lệch cao là Hưng Yên, Hải Dương, Bắc Ninh, Bắc Giang, Nam Định, Hòa Bình, Hải Phòng, Vĩnh Phúc…

TS Khuất Thu Hồng cho biết: “Mỗi cá nhân chưa ý thức được rằng, hành động lựa chọn giới tính thai nhi của mình sẽ tạo nên những hiểm họa cho cả quốc gia, dân tộc lớn như thế nào. Chính điều này khiến câu chuyện về vài triệu đàn ông không có khả năng tìm bạn đời, rồi câu chuyện về bạo lực tình dục, mại dâm sẽ trở nên ngày càng khó đối phó hơn trong một xã hội thừa ra một lượng nam giới trong độ tuổi sinh đẻ lớn đến như vậy”.

Trên thực tế, những câu chuyện về việc phụ nữ và trẻ em gái Việt Nam bị bắt cóc, bị bán sang Trung Quốc chính là những cảnh báo nhãn tiền về hệ lụy của tình trạng MCBGTKS. Bên cạnh đó, những vụ bạo lực trong mỗi gia đình liên quan đến việc phải đẻ con trai vẫn đang diễn ra hàng ngày, hàng giờ tại nhiều nơi trên khắp cả nước.

Theo đó, nhiều ông chồng suốt ngày chửi bới, mỉa mai, đánh đập vợ về việc không sinh được con trai. Rồi những người vợ phải chịu muôn vàn áp lực từ phía chồng cũng như gia đình nhà chồng, nào là áp lực khiến cho người vợ phải đồng ý cho người chồng đi “tìm kiếm” con trai chỗ này, chỗ kia; áp lực khiến người phụ nữ phải bỏ đi để cho anh chồng đi lấy người vợ khác cho đến việc phải chịu đựng để chồng ngang nhiên đi cặp bồ để có con trai.

Để nâng cao vị thế của phụ nữ và trẻ em gái, TS Khuất Thu Hồng cho rằng, các cơ quan, tổ chức, ban ngành cần quyết liệt hơn nữa trong việc thay đổi nhận thức của người dân, làm cho họ hiểu con gái cũng có thể thờ cúng tổ tiên, nối dõi tông đường. Bên cạnh đó, tạo điều kiện để phụ nữ tham gia vào các hoạt động của xã hội nhiều hơn để các gia đình thấy được đẻ con gái cũng vẻ vang, tuyệt vời như đẻ con trai, thậm chí còn hơn đẻ con trai. Ngoài ra, cần xây dựng các chương trình truyền thông, khung pháp lý thực sự đi sâu vào cuộc sống của người dân. Điều này đòi hỏi một sự thay đổi khá toàn diện chứ không phải là thay đổi một lĩnh vực. Đây không phải là chuyện của cá nhân mà của cả cộng đồng.

Mai Hạnh

Nguồn PL&XH: https://phapluatxahoi.vn/thuc-hien-binh-dang-gioi-giai-phap-giam-thieu-mat-can-bang-gioi-tinh-khi-sinh-129558.html