Thực hiện 03 cải cách trong năm 2018

Con số trên được thể hiện trong Báo cáo Môi trường Kinh doanh 2019 của Ngân hàng Thế giới (WB) vừa được công bố ngày 31/10/2018.

Việt Nam có 03 cải cách giúp thuận tiện hơn trong thực thi hợp đồng, trả thuế và thành lập doanh nghiệp. Ảnh: TQ

Báo cáo Môi trường Kinh doanh 2019 ghi nhận các nền kinh tế khu vực Đông Á - Thái Bình Dương tiếp tục chương trình nghị sự cải cách mạnh mẽ, thực hiện 43 cải cách trong năm qua để tăng cường sự thuận tiện trong kinh doanh cho các doanh nghiệp vừa và nhỏ trong nước.

Việt Nam và In-đô-nê-xi-a đều thực hiện 3 cải cách trong năm qua. Ở Việt Nam, các cải cách giúp thuận tiện hơn trong thực thi hợp đồng, trả thuế và thành lập doanh nghiệp.

Tại In-đô-nê-xi-a, các cải cách nhằm giảm bớt quy trình thành lập doanh nghiệp, đăng ký tài sảnvà cải thiện tiếp cận tín dụng.

Trong 25 nền kinh tế khu vực có 2 nền kinh tế lọt vào nhóm 10 nền kinh tế đứng đầu thế giới - Sing-ga-po (số 2) và Đặc khu Hành chính Hồng Kông, Trung Quốc (số 4).

Trung Quốc nằm trong nhóm 10 nước cải thiện nhanh nhất trên thế giới. Năm qua, với kỷ lục 7 cải cách trong một năm, Trung Quốc vươn lên vị trí 46 trong bảng xếp hạng toàn cầu.

Ma-lai-xi-a cũng cải thiện đáng kể khi lấy lại vị thế của mình trong nhóm 20 nền kinh tế hàng đầu thế giới, tăng 9 bậc lên vị trí 15.

Với 6 cải cách, Ma-lai-xi-a đã giảm sự rườm rà trong cấp phép xây dựng bằng cách hợp lý hóa quy trình cấp phép, giúp thành lập doanh nghiệp dễ dàng hơn với việc áp dụng hệ thống đăng ký thuế hàng hóa và dịch vụ trực tuyến (GST). Ma-lai-xi-a cũng thực hiện cải cách ở những khu vực khác, bao gồm việc đưa vào sử dụng nền tảng một cửa trực tuyến giúp chuyển giao tài sản trở nên đơn giản hơn và giúp các công ty dễ dàng giải quyết các thủ tục phá sản.

Tại Phi-lip-pin,các nhà đầu tư thiểu số được bảo vệ bằng cách tăng quyền và vai trò của cổ đông trong các quyết định của công ty lớn và làm rõ cơ cấu sở hữu và kiểm soát. Trong lĩnh vực thành lập doanh nghiệp, Phi-lip-pin đã đơn giản hóa quy trình đăng ký thuế và cấp giấy phép kinh doanh, nhưng tăng chi phí đăng ký thuế. Giao dịch qua biên giới được thực hiện khắt khe hơn bằng cách tăng số lượng kiểm duyệt nhập khẩu, do đó tăng thời gian trung bình đối với thủ tục qua biên giới.

Cải cách ở các nước khác bao gồm thực thi các hợp đồng dễ dàng hơn ở Mông Cổ do lệ phí nguyên đơn giảm, và thành lập doanh nghiệp ở Đông Timor ít tốn kém hơn do giảm yêu cầu đóng góp vốn tối thiểu.

“Khu vực Đông Á - Thái Bình Dương đã đạt được những tiến bộ đáng kể trong việc tạo điều kiện cho doanh nghiệp và doanh nghiệp tư nhân. Khi đà cải cách tiếp tục được phát triển trong khu vực, các nền kinh tế còn tụt hậu sẽ có cơ hội học hỏi những thực tiễn tốt từ các quốc gia lân cận” - bà Rita Ramalho, Quản lý Cao cấp Nhóm Chỉ Số toàn cầu của WB, nhóm biên soạn báo cáo Môi trường Kinh doanh, cho biết.

Trong báo cáo Môi trường Kinh doanh, các nền kinh tế khu vực thể hiện tốt ở các lĩnh vực cấp phép xây dựng và cấp điện. Ví dụ, xây dựng một kho hàng mất trung bình 133 ngày và tốn gần 2% giá trị kho hàng, so với mức trung bình toàn cầu là 158 ngày và 4,8% giá trị kho hàng.

Trong số những cải cách được thực hiện trong khu vực năm qua, có 10 cải cách giúp thành lập doanh nghiệp dễ dàng hơn, 7 cải cách tạo thuận lợi cho quá trình cấp điện và 5 cải cách giúp việc xin giấy phép xây dựng dễ dàng và an toàn hơn.

WB cũng khuyến cáo một số lĩnh vực vẫn cần cải thiện thêm như: Thực thi Hợp đồng, cần áp dụng nhiều hơn các thực hành tốt của quốc tế, các hệ thống giải quyết tranh chấp thay thế và các tòa án thương mại chuyên biệt. Ba phần tư nền kinh tế khu vực không có tòa án thương mại chuyên biệt. Hơn nữa, chi phí giải quyết tranh chấp thương mại trong khu vực trung bình là 47% của giá trị tranh chấp, so với 33% trên toàn cầu.

TQ

Nguồn Thanh Tra: http://thanhtra.com.vn/quoc-te/tin-tuc/thuc-hien-03-cai-cach-trong-nam-2018_t114c52n140677