Thực hành tiết kiệm, chống lãng phí năm 2020: Chính phủ cắt giảm nhiều hoạt động

Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc đã ký Quyết định 166/QĐ-TTg ban hành Chương trình tổng thể của Chính phủ về thực hành tiết kiệm, chống lãng phí năm 2020.

Ảnh minh họa: Internet

Mục tiêu của thực hành tiết kiệm, chống lãng phí (THTK, CLP) năm 2020 là nâng cao hiệu quả của THTK, CLP nhằm phát huy cao nhất mọi nguồn lực hoàn thành các mục tiêu tăng trưởng, phát triển kinh tế, ổn định đời sống nhân dân, bảo đảm an sinh xã hội...

Cắt 100% việc tổ chức lễ động thổ, lễ khởi công

THTK, CLP được thực hiện trên tất cả các lĩnh vực theo quy định của Luật THTK, CLP, trong đó tập trung vào một số lĩnh vực cụ thể. Về quản lý, sử dụng kinh phí chi thường xuyên của ngân sách nhà nước, trong năm 2020, thực hiện siết chặt kỷ luật tài khóa - ngân sách nhà nước; bảo đảm chi ngân sách nhà nước tiết kiệm, hiệu quả và theo đúng dự toán được Quốc hội thông qua.

Trong đó, thực hiện tiết kiệm 10% chi thường xuyên theo quy định. Giảm tần suất và thắt chặt các khoản kinh phí tổ chức hội nghị, hội thảo, tọa đàm, họp, công tác phí, chi tiếp khách, khánh tiết, tổ chức lễ hội, lễ kỷ niệm, phấn đấu tiết kiệm 12% so với dự toán được cấp có thẩm quyền phê duyệt. Hạn chế bố trí kinh phí đi nghiên cứu, khảo sát nước ngoài; phấn đấu tiết kiệm 15% chi đoàn ra, đoàn vào so với dự toán được cấp có thẩm quyền phê duyệt; không bố trí đoàn ra trong chi thường xuyên các Chương trình mục tiêu quốc gia.

Tiếp tục thực hiện cắt 100% việc tổ chức lễ động thổ, lễ khởi công, khánh thành các công trình xây dựng cơ bản, trừ các công trình quan trọng quốc gia, công trình dự án nhóm A, công trình có ý nghĩa quan trọng về kinh tế, chính trị, văn hóa - xã hội của địa phương.

Tiết kiệm trong quản lý, sử dụng kinh phí nghiên cứu khoa học, không đề xuất, phê duyệt các đề tài nghiên cứu khoa học có nội dung trùng lặp, thiếu tính khả thi, chưa xác định được nguồn kinh phí thực hiện.

Quyết liệt đổi mới hệ thống tổ chức và quản lý, nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động đơn vị sự nghiệp công lập. Phấn đấu giảm tối thiểu 2,5% đơn vị sự nghiệp công lập, đảm bảo mục tiêu đến năm 2021 giảm tối thiểu 10% đơn vị sự nghiệp công lập so với năm 2015, có 10% đơn vị tự chủ tài chính, giảm bình quân 10% chi trực tiếp từ ngân sách nhà nước cho các đơn vị sự nghiệp công lập so với giai đoạn 2011 - 2015.

Hạn chế tối đa tình trạng điều chỉnh tổng mức đầu tư dự án

Về quản lý, sử dụng vốn đầu tư công, trong năm 2020, các cấp, các ngành cần tiếp tục quán triệt và thực hiện có hiệu quả các quy định của Luật Đầu tư công và các nghị định hướng dẫn Luật.

Thực hiện tiết kiệm từ chủ trương đầu tư, chỉ quyết định chủ trương đầu tư các dự án có hiệu quả và phù hợp với khả năng cân đối nguồn vốn đầu tư công; đảm bảo 100% các dự án đầu tư công có đầy đủ thủ tục theo quy định của Luật Đầu tư công.

THTK, CLP, nâng cao chất lượng công tác khảo sát, thiết kế, giải pháp thi công, thẩm định dự án; hạn chế các nội dung phát sinh dẫn đến phải điều chỉnh thiết kế, thi công, hạn chế tối đa tình trạng điều chỉnh tổng mức đầu tư dự án; thực hiện nghiêm việc tiết kiệm 10% tổng mức đầu tư theo quy định.

Xử lý dứt điểm tồn tại yếu kém của doanh nghiệp nhà nước

Trong quản lý, sử dụng vốn và tài sản Nhà nước tại doanh nghiệp, thực hiện triệt để tiết kiệm năng lượng, vật tư, chi phí đầu vào; ứng dụng công nghệ mới để nâng cao chất lượng, sức cạnh tranh của hàng hóa, tiết kiệm chi phí sản xuất kinh doanh.

Tiếp tục cơ cấu, sắp xếp lại doanh nghiệp nhà nước; nâng cao năng lực tài chính, đổi mới công tác quản trị, công nghệ, cơ cấu sản phẩm, ngành nghề sản xuất kinh doanh, chiến lược phát triển, cải tiến quy trình sản xuất để nâng cao chất lượng sản phẩm và năng lực cạnh tranh của doanh nghiệp.

Rà soát, xử lý dứt điểm tồn tại yếu kém của doanh nghiệp nhà nước và doanh nghiệp có vốn nhà nước. Kiên quyết xử lý các doanh nghiệp vi phạm pháp luật làm thất thoát, lãng phí vốn, tài sản nhà nước, các dự án đầu tư chậm tiến độ, kém hiệu quả, thua lỗ kéo dài; không sử dụng ngân sách nhà nước để xử lý thua lỗ của doanh nghiệp. Kiểm điểm và xử lý trách nhiệm theo quy định của pháp luật đối với tập thể, cá nhân, đặc biệt là người đứng đầu trong việc để xảy ra các vi phạm về quản lý sử dụng vốn, tài sản nhà nước tại doanh nghiệp và cổ phần hóa doanh nghiệp nhà nước.

Hương Dịu

Nguồn Hải Quan: https://haiquanonline.com.vn/thuc-hanh-tiet-kiem-chong-lang-phi-nam-2020-chinh-phu-cat-giam-nhieu-hoat-dong-119357.html