Thực hành thiền và giác ngộ

Nửa cuối tháng 11/2019, nhiếp ảnh gia Pháp Nicolas Cornet đến Việt Nam và làm việc tại Hà Nội. Anh có dự án mới, đó là thành lập trang web của mình, nội dung chuyên về kỹ thuật, kỹ năng nhiếp ảnh nghệ thuật và thực hiện khâu chuẩn bị xuất bản cuốn sách ảnh Chùa Việt Nam, phiên bản tiếng Việt.

Trước đó, năm 2018, sách ảnh Chùa Việt Nam đã được xuất bản song ngữ tiếng Anh-Pháp, rất thành công không chỉ bởi ý nghĩa nội dung, sự độc đáo trong góc nhìn chùa chiền, kiến trúc, lịch sử, tôn giáo của Nicolas, mà còn bởi, ngay khi cuốn sách ra đời, nó đã trở thành di sản quý giá đối với Việt Nam. Lý do là kha khá số lượng các ngôi chùa đã bị quá trình trùng tu, tôn tạo phá hỏng vẻ đẹp kiến trúc ban đầu, mang tính lịch sử của mình, và các nhà nghiên cứu, nếu muốn khám phá vẻ đẹp nguyên bản của ngôi chùa đó, thì chỉ còn cách tìm sách ảnh Chùa Việt Nam của Nicolas Cornet.

Nicolas Cornet.

Nicolas Cornet.

Chính vì tầm quan trọng của cuốn sách Chùa Việt Nam, mà phiên bản tiếng Việt của cuốn sách rất được những người quan tâm chờ đợi, nó sẽ được xuất bản sớm thôi, với chuyến đi chuẩn bị này của Nicolas, tác giả cuốn sách ảnh, tới Việt Nam. Ban đầu, Nicolas định sẽ thu nhỏ khổ cuốn sách, để nom nhẹ nhàng hơn khi in phiên bản tiếng Việt, nhưng trước yêu cầu của người đọc Việt Nam, các nhà nghiên cứu lịch sử, nhà tài trợ, đều muốn có cuốn sách lớn, nguyên khuôn khổ như lần đầu xuất bản bằng tiếng Anh-Pháp, anh đã thay đổi, và sẽ giữ nguyên hình thức, chỉ thay ngôn ngữ Việt trong nội dung mà thôi.

Nicolas ở lại Việt Nam chừng một tháng, trong lúc thời tiết khá dễ chịu để thực hiện hai dự án này của anh. Sang năm 2020, anh cũng sẽ trở lại Việt Nam, theo hai dự án hợp tác với truyền hình Anh và Đức, làm phim về một loài vượn ở bán đảo Sơn Trà và một phim về văn hóa Việt Nam. Tuy chưa có ý định thực hiện thêm một cuốn sách ảnh nào nữa, nhưng Nicolas, người không chỉ là một nhiếp ảnh gia cả đời gắn sự nghiệp của mình với hình ảnh Việt Nam, mà còn được coi là một chuyên gia về văn hóa, con người, thiên nhiên Việt Nam, vẫn luôn được chào mời làm việc cho các dự án quốc tế có liên quan đến chủ đề Việt Nam. Đó là lý do đẹp để anh trở lại với Việt Nam, một đất nước mà anh hiểu rõ không thua gì hiểu nước Pháp quê hương mình.

Nicolas chia sẻ, rằng hiện nay, anh không tạo sức ép cho chính mình trong việc lập các dự án ảnh và thực hiện nó nữa. Anh làm việc ít hơn, thưởng thức quá trình làm việc dài hơn, và tuy chụp ảnh ít hơn, nhưng mang lại nhiều trải nghiệm, nhiều hứng thú hơn. Anh cũng không gắng sức để thể hiện bằng được cái tôi, cá tính của mình trong mỗi dự án ảnh. Ngược lại, với mỗi dự án, anh coi nó là công việc chung của cộng đồng, một cộng đồng mở, cùng với các cộng sự tham gia, mỗi người một tay, một ý, để tạo nên dự án chung, chia sẻ thành công chung, và cùng tìm được hạnh phúc.

Một tác phẩm trong sách ảnh Chùa Việt Nam của Nicolas Cornet

Khi cuốn sách ảnh Chùa Việt Nam của Nicolas vượt qua cả ngàn tác phẩm dự thi khác, vinh dự được nhận giải Nhì vào tháng 9/2019, do Đại sứ quán Việt Nam tại Pháp, trao cho những tác phẩm báo chí, nhiếp ảnh chất lượng cao của tác giả Pháp về đất nước, văn hóa, con người Việt Nam, Nicolas đã chia sẻ thành công này cho tất cả những người đã tham gia cùng anh trong quá trình thực hiện cuốn sách ảnh, và niềm vui cứ thế nhân lên. Cuốn sách trở thành một tác phẩm chung, là niềm tự hào chung của nhiều người, tạo nên động lực chung tay tiếp tục sáng tạo và làm nên những tác phẩm nghệ thuật nhiếp ảnh, lịch sử mới trong tương lai.

Tại sao có sự thay đổi này? Khi tôi hỏi Nicolas, anh trầm ngâm một chút rồi mỉm cười, cho rằng anh đã tự giải phóng khỏi bản ngã, không phải chứng minh cái TÔI khác biệt, đặc biệt nữa. Anh thả lỏng trong mọi việc, để nó đến tự nhiên và đi tự nhiên, không cần kỳ vọng hay sở hữu cho riêng mình, dù đó là những tác phẩm mà anh dày công xây dựng ý tưởng và thực hiện, hoàn thiện, tạo tiếng vang. 5 năm qua, Nicolas thực hành thiền. Anh thiền không với kỳ vọng đạt được điều gì cao siêu, hay vượt lên chính mình, hoặc để chữa bệnh, cũng không mong được khỏe mạnh hơn. Chỉ đơn giản là thực hành thiền mỗi ngày, như một cách sống. Anh thiền 30 phút mỗi ngày, tập trung vào hơi thở, loại bỏ mọi ý nghĩ, mong muốn, dự định lang thang, anh để mình trống rỗng vô mục đích.

Chính vì trống rỗng vô mục đích, mà anh liên tục ngạc nhiên trước mỗi thay đổi của mình sau chừng 2 năm thực hành thiền. Một số tật như mất ngủ, nháy mắt vô thức tự dưng biến mất. Nhưng điều mà anh đánh giá cao nhất, chính là anh đã tự giải thoát khỏi nỗi đau khổ, dằn vặt vì những ý nghĩ của người khác về bản thân mình. Khi bước vào bất cứ một không gian nào, anh không còn bị chiếm đoạt bởi ý nghĩ bệnh tật, rằng người không quen biết ngồi hay đứng đằng kia, họ đang nhìn mình, họ nghĩ gì về mình, họ đánh giá mình ra sao… Trước kia thì điều đó luôn ám ảnh, và nó khiến anh đau khổ. Sự hiện diện của người khác bên anh, kể cả đó là bạn hay họ hàng, cũng khiến anh bị chiếm đoạt bởi những ý nghĩ vô nghĩa đó. Nhưng bây giờ, anh đã không còn nỗi đau khổ đó, những ý nghĩ đó đã không còn tìm đến, không còn xâm nhập và làm hỏng tâm tư của anh. Anh tự do hơn, hạnh phúc hơn, thoải mái thả lỏng trong bất cứ tình huống nào, không gian nào, với ai. Thực hành thiền và sự tự do, cho anh trở lại đúng với bản thể của mình. Một sự giác ngộ ở đây, bây giờ, là chính mình khiến Nicolas an yên và tỏa ra thứ ánh sáng nhẹ nhàng.

Nicolas Cornet là nhiếp ảnh gia, phóng viên và làm công tác xuất bản ở cả châu Âu và châu Á. Ba thập niên qua, ông cộng tác thường xuyên với các báo và tạp chí lớn của châu Âu như L’Espresso, Mare, Le Monde, D-La Repubblica, Siette Leguas, El Mundo, Figaro Magazine, Nouvel Observateur, Geo và cũng thường xuyên cộng tác với các đoàn làm phim và truyền hình tư liệu.

Nicolas Cornet là tác giả của nhiều cuốn sách về Việt Nam. Thông qua các bức ảnh và hình ảnh trong cuốn sách, ông đề cập đến các vấn đề liên quan đến nhiếp ảnh phóng sự, kể chuyện bằng nhiếp ảnh, phóng sự ảnh cho báo chí và xuất bản.

Ông đã có triển lãm tại nhiều nước: Pháp, Đức, Thụy Sĩ, Thái Lan, Indonesia và Việt Nam. Ông đã xuất bản các tác phẩm: Chùa Việt Nam; Thái Lan, Đó là giấc mơ; Cam-pu-chia, Nhiếp ảnh và chuyện kể, Việt Nam…

Kiều Bích Hậu

Nguồn PetroTimes: https://petrotimes.vn/thuc-hanh-thien-va-giac-ngo-556391.html