Thực hành lễ Vu lan báo hiếu: Nhuốm màu hình thức và lãng phí

Khi thời gian chạm ngõ tháng Bảy (âm lịch) là người người, nhà nhà cùng thực hành lễ Vu lan báo hiếu. Có thể thấy, đây là một thực hành văn hóa mang ý nghĩa nhân văn sâu sắc đang ngày càng được lan tỏa trong xã hội. Thế nhưng, dường như việc thực hành này ở đâu đó bị nhuốm màu hình thức và lãng phí.

Có những người mua cả máy bay trực thăng bằng… giấy để đốt cho cha mẹ dưới suối vàng. Ảnh: Toàn Vũ.

Có những người mua cả máy bay trực thăng bằng… giấy để đốt cho cha mẹ dưới suối vàng. Ảnh: Toàn Vũ.

Một thực hành văn hóa đẹp và nhân văn

PGS.TS Đỗ Thị Hảo - Chuyên gia Nghiên cứu văn hóa dân gian Việt Nam đã dành những lời ngợi ca khi nói về lễ Vu lan. Theo bà, lễ Vu lan là một lễ của Phật giáo, thể hiện ân cha mẹ - ân đầu tiên trong “tứ trọng ân” của nhà Phật. Mùa Vu lan là mùa báo hiếu của con cái với cha mẹ, muốn giáo dục con người ta sống phải có hiếu, có lễ, phụng sự cha mẹ lúc còn sống và khi cha mẹ mất đi rồi thì vẫn phải luôn nhớ đến công ơn sinh thành, nuôi dưỡng.

Lễ Vu lan được gắn liền với câu chuyện về Tôn Giả Mục Kiền Liên đại hiếu được Đức Phật dạy, lấy ngày rằm tháng bảy cúng thỉnh chư tăng, Mục Kiền Liên đã cứu được mẹ mình là bà Thành Đề đã qua đời ra khỏi kiếp ngạ quỷ. Từ đó, truyền thống cúng ngày rằm tháng Bảy ra đời và lưu truyền đến ngày nay. Khi thực hành lễ cúng này, người ta có niềm tin lễ cúng sẽ giải thoát khỏi khổ đau cho thân quyến bảy đời của người cúng.

“Lễ Vu lan báo hiếu là một thực hành văn hóa đẹp, nhân văn và có ý nghĩa đạo đức xã hội sâu sắc. Ở đây có sự gặp gỡ giữa văn hóa tôn giáo và văn hóa xã hội khi cùng tỏ lòng biết ơn, coi trọng công ơn của thế hệ đi trước - không chỉ là các đấng sinh thành mà còn là với cả những người đã góp phần làm cho cuộc sống này tốt đẹp hơn. Vậy nên, “ân” ở đây là cả ân cha mẹ và ân chúng sinh” - PGS. TS Đỗ Thị Hảo nhấn mạnh.

Về vấn đề này PGS.TS Nguyễn Hữu Sơn - Phó Viện trưởng Viện Văn học Việt Nam cũng cho rằng: “Lễ Vu lan khi được thực hành đúng như trong lễ giáo nhà Phật thì rất thiêng liêng, mang ý nghĩa giáo dục cao về đạo đức, lối sống cho mỗi người. Lễ Vu lan góp phần xây dựng cách ứng xử văn hóa văn mình và hướng thiện”.

Với những giá trị tốt đẹp, việc thực hành lễ Vu lan ngày càng lan tỏa trong xã hội, nhất là từ mươi năm trở lại đây. Thế nên, vào mỗi tháng Bảy âm lịch, nhà nhà, người người và toàn xã hội đã cùng thực hành lễ Vu lan bằng nhiều hình thức phong phú, cảm động, chạm đến trái tim mỗi người làm con cũng như thế hệ trẻ như bông hồng cài áo, lên chùa cầu an cho mẹ cha, thắp nến tri ân, cất lên những lời ca tiếng hát ngợi ca công ơn cha mẹ…

Từ việc thực hành lễ Vu lan mà đã có biết bao người con nhận ra mình còn chưa quan tâm đến cha mẹ, còn làm những việc khiến cha mẹ buồn lòng. Cũng từ đây, thế hệ trẻ hiểu hơn thấy rõ hơn trách nhiệm của mình đối với ân của cha ông đã hy sinh xương máu, tuổi trẻ, tình yêu và hạnh phúc để mang đến cho họ cuộc sống hòa bình, tốt đẹp hôm nay để mà đền đáp.

Nhuốm màu hình thức, lãng phí?

Tuy nhiên, theo PGS.TS Đỗ Thị Hảo, việc thực hành lễ Vu lan nhiều nơi vẫn còn hình thức, lãng phí với cỗ bàn linh đình; với cả đống vàng mã xuất phát từ quan niệm mê tín “trần sao âm vậy”, không có trong tín ngưỡng Phật giáo. Nhiều người đổ cả tiền triệu để sắm những ô tô dát vàng, nhà lầu, máy bay, điện thoại di động… đốt cho cha mẹ. Thực ra, đây là câu chuyện đã được nói mãi, bàn mãi nhưng gần như nói xong rồi lại đâu vẫn đóng đấy.

Nguyên nhân của sự lãng phí và hình thức này là do một bộ phận đã thực hành không đúng với những giá trị tốt đẹp của lễ Vu lan. Họ đã thực hành từ những quan niệm mê tín, lạm dụng lễ Vu lan để thỏa mãn sự cuồng tín của mình. Thậm chí, có người không giữ được đạo làm con khi đối xử không tốt với mẹ cha lúc còn sống nhưng khi cha mẹ mất đi thì mượn dịp lễ Vu lan để cố tỏ ra là mình có hiếu.

Theo tôi, con cái nên thực hành lễ Vu lan là báo hiếu lúc mẹ cha còn sống chứ đừng: “Sống thì con chẳng cho ăn/ Chết thì xôi thịt, làm văn tế ruồi”. Ở mỗi lễ Vu lan luôn có biết bao người con rơi nước mắt khi nhớ về mẹ cha. Tôi tin đấy là nước mắt thật nhưng nước mắt ấy chỉ có ý nghĩa khi là những giọt nước mắt nhớ nhung chứ đừng là những giọt nước mắt ân hận vì chưa kịp báo hiếu cha mẹ lúc sống. Mà báo hiếu với mỗi người cha, người mẹ đâu cần những cúng lễ rườm rà khi mất mà chỉ là các con biết tu dưỡng trở thành người tử tế, có cuộc sống yên ổn thế là đã vui lòng.

PGS.TS Nguyễn Hữu Sơn

“Phật đã dạy: Chỉ cần một nén thanh hương là đủ để tưởng nhớ đến cha mẹ, tưởng nhớ đến các bậc tiền nhân chứ đâu cần mâm cao cỗ đầy, bày biện đủ thứ, đâu cần đốt thật nhiều vàng mã mới là hiếu. Thêm nữa, không phải chỉ đến ngày lễ mới báo hiếu mà việc này phải được thực hành hàng ngày, mọi lúc mọi nơi. Theo tôi, lễ Vu lan cần được đưa vào giáo dục trong nhà trường ngay từ bậc mầm non, tiểu học cho học sinh để các cháu biết - hiểu và ngấm những giá trị tốt đẹp thì sau này trưởng thành sẽ luôn thực hành đúng”- PGS.TS Đỗ Thị Hảo bày tỏ.

Góp thêm ý kiến về câu chuyện này, PGS. TS Nguyễn Hữu Sơn nhắc đến những ồn ào xoay quanh chia sẻ của nhà phê bình văn học Lại Nguyên Ân trên trang cá nhân của ông với chủ đề: “Vu lan xả rác”. Cụ thể, nhà phê bình Lại Nguyên Ân đã viết: “Sớm nay, VTV1 có phóng sự về việc chuẩn bị thả đèn nhân lễ Vu lan tại Cát Bà. Những chao đèn giấy, có gắn nến, có ít nhiều nilon, lại gắn trên những bè tròn bằng xốp, hứa hẹn một cuộc xả rác... kỷ lục! Có lẽ nhà đài cũng giật mình nên đoạn sau của phóng sự này đã chữa thẹn bằng phóng sự cơm chay từ thiện. Một sự lạc đề cố ý. Nhưng chuyện thả bè xốp những đèn nến kia tại Cát Bà chắc là vẫn xảy ra. Ai, tổ chức nào đứng sau cuộc xả rác nhân danh lễ Vu lan này ở Cát Bà”? Ngay sau đó, dòng trạng thái này của nhà phê bình Lại Nguyên Ân đã nhận được sự chia sẻ, đồng tình của rất nhiều người.

Theo ông Sơn, đấy là một minh chứng về việc thực hành lễ Vu lan hiện nay giống như một phong trào và mang chủ nghĩa hình thức. Nhìn vào thực tế, ông Sơn cho rằng ông rất tâm đắc với câu: “Người ba đấng, của ba loài” - chữ “hiếu” cũng vậy, có cả tốt - trung bình và tệ hại.

Nguồn GD&TĐ: http://giaoducthoidai.vn/van-hoa/thuc-hanh-le-vu-lan-bao-hieu-nhuom-mau-hinh-thuc-va-lang-phi-4026912-b.html