Thực hành các nghi lễ thờ Mẫu: Tránh biến tướng

Tại hội thảo khoa học 'Thực hành tín ngưỡng thờ Mẫu trên địa bàn Hà Nội - nhận diện, bảo tồn và phát triển' diễn ra hôm 16/11 do Hội Di sản văn hóa Thăng Long - Hà Nội, Sở Văn hóa - Thể thao Hà Nội tổ chức, một lần nữa câu chuyện về bảo tồn và phát triển nghi thức thờ Mẫu được các chuyên gia, nhà nghiên cứu bàn luận và đưa ra nhiều kiến nghị. Trong đó, việc sân khấu hóa tín ngưỡng thờ Mẫu lại tiếp tục được đặt ra.

Biến dạng từ sân khấu hóa

Khai thác các giá trị văn hóa truyền thống rồi “tiếp lửa”, “làm mới” để phục vụ công chúng đương đại là một việc nên làm, và cần được khuyến khích. Thực tế đã cho thấy những sáng tạo nghệ thuật đương đại khi đưa vào làm mới những giá trị truyền thống đã khiến khán giả thích thú. Tuy nhiên, bên cạnh đó, vẫn còn những điều gây băn khoăn, nghi ngại về cách thức khai triển. Câu chuyện khai thác nghi lễ “hầu đồng” trong tín ngưỡng thờ Mẫu Tam phủ của người Việt được sân khấu hóa gần đây khiến nhiều người quan tâm. Đáng lưu ý hơn là việc lạm dụng sân khấu hóa nghi lễ này có thể dẫn tới những biến tướng, đưa tới cho công chúng những cách hiểu sai lệch về nghi lễ một thời đã bị lên án.

Trao đổi với báo chí, TS Lê Thị Minh Lý- ủy viên Hội đồng Di sản văn hóa quốc gia từng khẳng định, thực hành tín ngưỡng thờ Mẫu có nhiều giá trị đặc sắc nên việc khai thác, sáng tạo ra những sản phẩm văn hóa mới thuộc hình thức nghệ thuật khác là chuyện bình thường và nên làm. Từ quan họ, ví giặm, chèo cũng đã sản sinh nhiều bài hát mới có giá trị đó thôi. Nhưng chúng ta phải rõ ràng trong câu chuyện này, trước hết phải tôn trọng và biết tri ân những chủ thể đã sáng tạo, trao truyền và gìn giữ văn hóa đó.

Theo TS Lý, chúng ta nên khuyến khích vì các sáng tạo mới đó cũng là một cách giới thiệu di sản, làm cho di sản thêm sức sống. Những sáng tạo ấy sẽ là rất tốt nếu họ có sự liên kết với cộng đồng, để cho cộng đồng cơ hội tham gia vào những sáng tạo đó để nhận diện những giá trị văn hóa cốt lõi của họ, để không bị mai một, sai lệch. UNESCO luôn lưu ý đến việc trân trọng văn hóa cộng đồng bằng cách trả lại cho cộng đồng những giá trị tương xứng khi khai thác sử dụng di sản của họ. Có thể không phải là cách trả sòng phẳng như việc sử dụng bản quyền, nhưng nên có sự thỏa thuận hoặc ngầm hiểu đó là sự hỗ trợ trở lại cho cộng đồng để họ có thể bảo vệ di sản của họ tốt hơn.

Trong khi đó, tại cuộc hội thảo mới đây, nhạc sĩ Thao Giang- giám đốc Trung tâm Phát triển nghệ thuật âm nhạc Việt Nam cũng cho rằng, khi việc tiến hành sân khấu hóa được tổ chức tràn lan thì vô tình khiến cho tín ngưỡng thờ Mẫu tam phủ bị “biến dạng” và mất đi giá trị đích thực vì nhiều người dễ bị nhầm lẫn giữa việc mô phỏng tín ngưỡng với việc thực hành chuẩn tại không gian điện thờ.

Còn thanh đồng Lê Bá Linh- ủy viên Ban Chủ nhiệm CLB Văn hóa thờ Mẫu và hát Văn tại Hà Nội phân tích: “Nghệ thuật hầu đồng là biểu diễn lại hình thức của hầu đồng trên sân khấu, còn hầu đồng thực sự là thể hiện hình ảnh tiên thánh trên sập hầu trước ban thờ thánh nên hai cái đó có sự khác nhau về hình thái, tính chất”. Thanh đồng này cũng cho biết, hiện nay, một số liên hoan nghi lễ hầu đồng được tổ chức ở nhiều nơi chưa được chuẩn chỉnh về không gian, hình thái. Hầu đồng, diễn xướng được quảng bá một cách tùy tiện, lợi dụng tâm linh để phục vụ những mục đích khác, không những làm ảnh hưởng tới uy linh và những nét đẹp tiêu biểu của nghi lễ hầu đồng mà còn làm mất đi niềm tin, tinh thần của mọi người trong cộng đồng xã hội đối với việc tâm linh, tín ngưỡng dân tộc.

Cũng có ý kiến cho rằng, việc đưa thực hành tín ngưỡng thờ Mẫu lên sân khấu có thể phá vỡ ý nghĩa về tâm linh, tôn giáo vì đó không phải không gian của hát văn. “Chỉ nên dừng lại ở “mô phỏng”, chứ không thể đưa các nhân vật như cô đồng, bà đồng lên sân khấu trình diễn”- một chuyên gia nhận định.

Sân khấu hóa một hoạt động tín ngưỡng.

Thiếu chuẩn mực trong thực hành tín ngưỡng
Tháng 12-2016, thực hành tín ngưỡng thờ Mẫu tam phủ của Việt Nam đã được UNESCO công nhận là Di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại. Điều này đặt ra vấn đề, chúng ta phải ứng xử với nghi thức này ra sao cho tương xứng, đồng thời câu chuyện bảo tồn và phát huy những giá trị của tín ngưỡng thờ Mẫu trong đời sống đương đại cũng rất quan trọng. Tại cuộc hội thảo “Thực hành tín ngưỡng thờ mẫu trên địa bàn Hà Nội - nhận diện, bảo tồn và phát triển”, ông Trương Minh Tiến - phó giám đốc Sở VHTT Hà Nội cho biết, chỉ tính riêng ở Hà Nội, kết quả kiểm kê sơ bộ vào cuối năm 2016, sinh hoạt tín ngưỡng thờ Mẫu Tam phủ trên địa bàn Hà Nội diễn ra hầu khắp các quận, huyện, thị xã với khoảng hơn 1.900 di tích là các phủ, đền, điện thờ tư gia. Trong đó, số lượng điện tư nhân lớn với khoảng 886 điện và đang có xu hướng tiếp tục gia tăng.

Chung quan điểm này, nhà nghiên cứu Phạm Tứ- phó giám đốc Trung tâm Nghiên cứu và Bảo tồn văn hóa tín ngưỡng Việt Nam cho rằng, thời gian qua, phong trào “hầu đồng” quá nóng trong khi hiểu biết chung của một số thanh đồng về tín ngưỡng thờ Mẫu còn rất mù mờ, dẫn đến thiếu sự nhất quán trong việc đào tạo và hành đạo. Từng có nhiều giải pháp được đặt ra nhằm chấn chỉnh tục thờ Mẫu như chủ trương cấm đốt vàng mã, tổ chức các cuộc tọa đàm khoa học, tổ chức liên hoan diễn xướng hầu đồng… Tuy nhiên, đây vẫn chỉ là những giải pháp mang tính tạm thời và ít hiệu quả.

Thực tế, vẫn xuất hiện nhiều hình thức “hầu đồng” phản cảm, méo mó… “Hiện tượng hầu đồng mọi lúc, mọi nơi, hầu tứ phủ trong phủ Trần triều; hầu đồng tại các chùa, các đình và các sư tham gia hầu đồng… Đưa các yếu tố đương đại vào một lễ hội dân gian truyền thống (lễ hội Lảnh Giang năm 2009), hiện tượng “đồng Cu” tại hồ Tây, “café chầu văn tại Hải Phòng… Nhiều cung văn còn đưa cả âm nhạc múa sạp của Tây Bắc, các ca khúc: “Em đi chùa Hương, “Tiếng chày trên sóc Bom Bo” thậm chí cả bài hát “Em là cô gái Lào”…”- nhà nghiên cứu Phạm Tứ dẫn chứng.

Bên cạnh những biến tướng vừa nêu, thanh đồng Lưu Ngọc Đức cũng chỉ ra thực tế: “Trang phục hầu thánh bị biến dạng, mai một, có khi không ra Tàu, không ra Tây mà cũng chẳng ra lối Việt. Bên cạnh đó, vũ đạo hầu thánh bị nặng về biểu diễn làm mất đi sự nghiêm trang; lời tuyên phán nặng về dọa nạt, mang tính trần tục quá nhiều…”

Vì vậy, để thực hành tín ngưỡng thờ Mẫu tam phủ không bị biến tướng, nhiều ý kiến cho rằng, cần sớm có bộ khung và các quy tắc ứng xử thực hành tín ngưỡng thờ Mẫu để lấy đó làm căn cứ chuẩn mực.

Thái Sinh

Nguồn Đại Đoàn Kết: http://daidoanket.vn/tin-tuc/van-hoa/thuc-hanh-cac-nghi-le-tho-mau-tranh-bien-tuong-386288