Thực đơn 'đưa cơm' ngày hè của cô nhân viên ngân hàng

Phương Thùy thường nấu các món dân dã, mát lành như canh cua mùng tơi, rau dền ăn cùng cà muối, thịt rang hoặc cá, mực.

Niềm vui mỗi ngày sau khi tan sở của Trần Phương Thùy (nhân viên ngân hàng, Quảng Ninh) là 'sáng tạo' những món ăn trong căn bếp nhỏ. Niềm đam mê với ẩm thực lớn dần trong Thùy từ lúc còn là một cô nàng độc thân, học hỏi kinh nghiệm nấu nướng từ mẹ và chị gái. 'Những ngày cuối tuần khi vào bếp, tôi thường cùng chị hoặc mẹ chuẩn bị bữa cơm cho 5-6 người', Thùy nhớ lại.

Niềm vui mỗi ngày sau khi tan sở của Trần Phương Thùy (nhân viên ngân hàng, Quảng Ninh) là 'sáng tạo' những món ăn trong căn bếp nhỏ. Niềm đam mê với ẩm thực lớn dần trong Thùy từ lúc còn là một cô nàng độc thân, học hỏi kinh nghiệm nấu nướng từ mẹ và chị gái. 'Những ngày cuối tuần khi vào bếp, tôi thường cùng chị hoặc mẹ chuẩn bị bữa cơm cho 5-6 người', Thùy nhớ lại.

Do đặc thù công việc là đi sớm về muộn của hai vợ chồng cùng ngành (6h30 đã đi làm và 18h30 mới về đến nhà) nên bữa cơm gia đình Thùy thường gồm những món không cần chế biến cầu kỳ nhưng đầy đủ nhóm chất.

Phương Thùy cho rằng: 'Bữa cơm gia đình đặc biệt quan trọng. Bữa cơm dù đơn giản hay cầu kỳ thì nó vẫn là một sợi dây kết nối tất cả các thành viên trong gia đình lại với nhau. Vì thế, ngay cả khi ngồi ăn những món ngon trong nhà hàng sang trọng, mọi người cũng vẫn sẽ nhớ về bữa cơm gia đình đơn giản nhưng ấm cúng'.

Bà nội trợ 9X sắp xếp bữa ăn cho hai vợ chồng luôn đảm bảo có món mặn và món nhạt. Thùy bảo nếu chỉ ăn các món mặn thì rất dễ bị ngán, còn mâm cơm chỉ toàn món nhạt lại không 'tròn vị'.

Vì ở vùng biển nên mâm cơm của Thùy thường có cả thịt và hải sản. Cô cũng hay kết hợp cua biển hay tôm sắt bóc nõn với các loại rau, quả để món canh có vị ngọt đậm đà.

Những ngày cuối tuần hay trời nóng nực, Phương Thùy đổi món cho hai vợ chồng bằng món bún thập cẩm, bún riêu cua hoặc bánh đa, miến nấu với tôm nõn, thịt và các loại rau thay đổi.

Thùy thường sơ chế thực phẩm từ tối hôm trước để rút ngắn thời gian nấu nướng. Thông thường, cô mất từ 25 phút đến 60 phút để hoàn thành một bữa ăn.

'Hôm nào làm món thịt rán, tôi thường ướp thịt trước và để vào tủ lạnh, đi làm về chỉ cần cho vào nồi chiên không dầu rán lên và nấu thêm bát canh. Còn hôm nào ăn bò hầm thì phải mất 1 tiếng mới xong xuôi để ngồi vào mâm.

Vì thời gian eo hẹp nên tôi không trau chuốt khâu bày biện. Thưởng thức món ăn nóng hổi vừa nấu xong với tôi là ngon nhất", Phương Thùy chia sẻ.

Để tiết kiệm tối đa thời gian nấu nướng, đặc biệt là cho những người đi làm về muộn, Phương Thùy chia sẻ một số kinh nghiệm như:

- Lúc nào cũng phải chuẩn bị sẵn đồ ăn trong tủ lạnh cho vài ngày hoặc 1 tuần (không nên mua quá nhiều vì đồ ăn để lâu mất ngon và mất dinh dưỡng).

- Nên nghĩ sẵn trong đầu thực đơn của ngày hôm sau.

- Những món cầu kỳ có thể chuẩn bị trước như ướp sẵn thịt; sườn để ngăn mát hoặc bỏ từ ngăn đá xuống ngăn mát từ buổi sáng đi làm; ninh xương, kho cá rau rửa sạch, để ráo nước và cất vào tủ lạnh trước...

Những hôm có món nấu trước, đi làm về, Thùy chỉ cần làm thêm rau luộc hoặc 1 bát canh.

Chi phí cho mỗi bữa ăn của Thùy dao động từ 60.000 đồng đến 100.000 đồng. Vì thường chỉ ăn bữa tối ở nhà (trừ hai ngày cuối tuần) nên mỗi tháng, cô dành trên, dưới 3 triệu đồng để đi chợ mua thức ăn.

Trần Phương Thùy, chủ nhân của những mâm cơm gia đình 'tròn vị'.

Theo Ngôi Sao

Nguồn GĐ&XH: http://giadinh.net.vn/an/thuc-don-dua-com-ngay-he-cua-co-nhan-vien-ngan-hang-20190617115442731.htm