Thúc đẩy xuất khẩu sang các thị trường quan trọng

Việc các sản phẩm xuất khẩu của Việt Nam sang thị trường Hoa Kỳ, hay Thổ Nhĩ Kỳ liên tục phải chịu sức ép cạnh tranh với hàng hóa cùng loại của các nước khác cùng các biện pháp phòng vệ của cả Hoa Kỳ và Thổ Nhĩ Kỳ đã đặt ra yêu cầu bức thiết phải tăng sức cạnh tranh của hàng hóa Việt khi xuất khẩu sang các thị trường lớn.

Sản phẩm xuất khẩu liên tục bị điều tra

Theo thống kê, hiện Thổ Nhĩ Kỳ là quốc gia điều tra và áp dụng biện pháp phòng vệ thương mại (PVTM) nhiều thứ 3 với hàng hóa xuất khẩu của Việt Nam chỉ sau Hoa Kỳ, Ấn Độ. Tính đến quý III.2022, Thổ Nhĩ Kỳ áp đặt thuế chống bán phá giá trong 13 vụ việc và đang tiến hành điều tra một vụ việc đối với hàng xuất khẩu của Việt Nam. Các mặt hàng xuất khẩu của Việt Nam bị Thổ Nhĩ Kỳ điều tra chủ yếu là các sản phẩm thép, sợi, săm lốp, điện thoại.

Số liệu thống kê từ Tổng cục Hải quan cho biết, trị giá xuất khẩu gỗ và sản phẩm gỗ tới thị trường Hoa Kỳ trong tháng 9.2022 đạt 573,6 triệu USD, tăng 56,5% so với tháng 9.2021. Tính chung 9 tháng năm 2022, trị giá xuất khẩu gỗ và sản phẩm gỗ tới thị trường Hoa Kỳ đạt 6,8 tỷ USD, tăng 1,9% so với cùng kỳ năm 2021. Phó Chủ tịch Hiệp hội Gỗ và Lâm sản Việt Nam Ngô Sỹ Hoài cho biết, trước đây ngành gỗ chủ yếu bị kiện PVTM từ thị trường Ấn Độ, Thổ Nhĩ Kỳ nhưng gần đây đã có thêm nhiều thị trường khác, đặc biệt là Canada, Hoa Kỳ. Trong đó, Canada đã điều tra và áp thuế mặt hàng salon đệm mút của Việt Nam xuất khẩu với mức thuế khá nặng, khoảng 10%.

“Đáng lo ngại, mỗi khi sản phẩm của Trung Quốc bị điều tra áp thuế chống phá giá, thì độ lùi hai năm sau, các mặt hàng gỗ xuất khẩu của Việt Nam cũng được đưa vào diện điều tra. Đơn cử như mặt hàng tủ bếp sau 2 năm Trung Quốc bị áp thuế, Hoa Kỳ đã điều tra tương tự với mặt hàng tủ bếp xuất khẩu từ Việt Nam” - ông Hoài cho biết.

Đại diện Hiệp hội Gỗ và Lâm sản Việt Nam cho biết, nếu như biện pháp điều tra chống lẩn tránh thuế được áp đặt cho hai mặt hàng này thì tổng thiệt hại tương đương gần 1/3 tổng kim ngạch xuất khẩu sản phẩm gỗ của Việt Nam vào Hoa Kỳ. Ông Ngô Sỹ Hoài cho rằng, dù không phải tất cả các doanh nghiệp bị chặn đường xuất khẩu, nhưng nhìn tổng thiệt hại một số các mặt hàng mà Việt Nam có kim ngạch xuất khẩu cao sẽ thấy thiệt hại là rất lớn.

Sản xuất sợi - một trong những mặt hàng xuất khẩu quan trọng của Việt Nam sang Thổ Nhĩ Kỳ
Nguồn: ITN

Tiếp tục hỗ trợ doanh nghiệp

Thổ Nhĩ Kỳ hiện là thị trường xuất khẩu lớn thứ 2 của Việt Nam tại khu vực Tây Á, chỉ đứng sau Các Tiểu vương quốc Ả rập Thống nhất (UAE). Cán cân thương mại song phương Việt Nam - Thổ Nhĩ Kỳ những năm gần đây thường thặng dư về phía Việt Nam. Tuy nhiên, tỷ trọng hàng xuất khẩu của Việt Nam trong tổng nhập khẩu của Thổ Nhĩ Kỳ còn thấp, khoảng 0,5%. Nhiều mặt hàng của Việt Nam xuất khẩu sang Thổ Nhĩ Kỳ chỉ chiếm tỷ trọng nhỏ, thấp hơn các nước cạnh tranh trực tiếp, ngoại trừ hạt tiêu, hạt điều, xơ, sợi, cao su.

Mặc dù có những rào cản nhất định nhưng Thổ Nhĩ Kỳ hay Hoa Kỳ đều là những thị trường lớn, tiềm năng đối với các sản phẩm của Việt Nam. Đơn cử như Thổ Nhĩ Kỳ, với kim ngạch nhập khẩu trên 250 triệu USD và phụ thuộc vào nhiều loại nguyên liệu sản xuất nhập khẩu mà Việt Nam có thế mạnh như xơ sợi, chất dẻo, cao su,...Đồng thời đây cũng là thị trường tiêu thụ lớn với dân số trên 85 triệu người cùng sức mua lớn và đa phần là dân số trẻ, các quy định nhập khẩu khá tương thích với các quy định của châu Âu nên thuận lợi cho các doanh nghiệp đã có kinh nghiệm xuất khẩu vào các thị trường lớn. Thổ Nhĩ Kỳ còn là thị trường cho các doanh nghiệp Việt Nam tăng cường xuất khẩu các mặt hàng nguyên liệu sản xuất, tiêu biểu như mặt hàng cao su làm lốp xe, sợi bông.

Chính vì vậy, để tiếp cận thị trường Thổ Nhĩ Kỳ, Thương vụ Việt Nam tại Thổ Nhĩ Kỳ khuyến nghị, cần tích cực đẩy mạnh xúc tiến thương mại, tìm hiểu thị trường và kết nối giao thương; mặt khác các doanh nghiệp cần chủ động tham gia các hội chợ chuyên ngành đối với các mặt hàng xuất khẩu để tiếp cận người mua nhằm xây dựng quan hệ với nhà nhập khẩu, phân phối. Ngoài ra, doanh nghiệp cần lựa chọn và mời các nhà nhập khẩu lớn, có uy tín sang thăm và giao thương trực tiếp với các doanh nghiệp, ví dụ mời các doanh nghiệp tiêu thụ nông sản lớn sang thăm và làm việc với các doanh nghiệp chế biến tiến tới ký kết hợp tác lâu dài.

Phó Cục trưởng Cục phòng vệ thương mại Bộ Công thương Chu Thắng Trung khuyến nghị, các doanh nghiệp cần hiểu rõ quy định và quy trình điều tra của Hoa Kỳ và phối hợp chặt chẽ với luật sư tư vấnvề việc Hoa Kỳ áp dụng các biện pháp lẩn tránh PVTM, cụ thể là gỗ dán và tủ gỗ. Cùng với đó, doanh nghiệp cần tranh thủ sự hỗ trợ của Hiệp hội, Bộ Công thương, các đối tác nhập khẩu. Ngoài ra, các doanh nghiệp cần chủ động nghiên cứu thực tiễn các vụ việc đã có kết luận để chuẩn bị sẵn hồ sơ chứng minh cho các lô hàng đã xuất khẩu để có một phương án, kế hoạch tốt nhất khi gặp tình huống tương tự.

Phó Chủ tịch Hiệp hội Gỗ và Lâm sản Việt Nam kiến nghị cục PVTM Bộ Công thương, trung tâm WTO và Hội nhập tổ chức các khóa đào tạo tập huấn ngắn hạn để tăng cường nhận thức của doanh nghiệp về những rủi ro khi bị áp dụng các biện pháp PVTM ở nước ngoài. Bởi các doanh nghiệp Việt Nam đang thiếu đội ngũ chuyên gia hiểu rõ về vấn đề này. Bên cạnh đó, các cơ quan đại diện thương mại ở nước ngoài cũng cần bám sát, sớm có những khuyến nghị, cảnh báo để các doanh nghiệp và hiệp hội cẩn trọng hơn về vấn đề PVTM.

Anh Lương

Nguồn Đại Biểu Nhân Dân: https://daibieunhandan.vn/kinh-te-phat-trien/thuc-day-xuat-khau-sang-cac-thi-truong-quan-trong-i308231/