Thúc đẩy xây dựng lòng tin và ngăn ngừa xung đột

Trên cương vị Chủ tịch Hội đồng Bảo an (HĐBA) Liên hợp quốc (LHQ) tháng 4-2021, hôm nay (19-4), Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc sẽ chủ trì Phiên thảo luận mở cấp cao HĐBA LHQ với chủ đề 'Tăng cường hợp tác giữa LHQ và các tổ chức khu vực trong thúc đẩy xây dựng lòng tin và đối thoại trong ngăn ngừa, giải quyết xung đột' theo hình thức kết hợp giữa trực tuyến và trực tiếp.

Đây là lần đầu tiên lãnh đạo cấp cao nước ta chủ trì một sự kiện trong khuôn khổ HĐBA, khẳng định cam kết của Việt Nam đối với LHQ trong việc thúc đẩy xây dựng lòng tin và ngăn ngừa, giải quyết xung đột.

Từ năm 1992, hợp tác giữa LHQ/HĐBA với các tổ chức khu vực (TCKV) ngày càng được quan tâm thảo luận trong các chương trình nghị sự của HĐBA. Cho tới nay, HĐBA đã tổ chức nhiều cuộc thảo luận, tham vấn và thông qua nhiều văn kiện, nghị quyết, thể chế hóa một số hoạt động hợp tác giữa HĐBA và các TCKV.

Một trong những chủ đề được LHQ/HĐBA và các TCKV đặc biệt quan tâm là ngăn ngừa xung đột (NNXĐ). LHQ được thành lập với mục đích duy trì hòa bình và an ninh quốc tế thông qua các phương hướng, như: NNXĐ; hỗ trợ các bên giải quyết xung đột thông qua các biện pháp hòa bình; tạo môi trường ổn định, bền vững trong duy trì hòa bình. Tại HĐBA, chủ đề NNXĐ được thảo luận từ năm 1992 và trở thành một trong những trọng tâm hoạt động của HĐBA với việc công nhận nỗ lực NNXĐ là “một phần không thể thiếu của trách nhiệm chính của HĐBA về duy trì hòa bình và an ninh quốc tế” (theo Nghị quyết 1366 năm 2001). Đến nay HĐBA đã thông qua 6 nghị quyết và 11 tuyên bố chủ tịch về chủ đề NNXĐ và hòa giải. HĐBA cũng tổ chức nhiều phiên họp, phiên thảo luận mở để cập nhật thông tin thường xuyên từ các cơ chế NNXĐ, các cơ quan LHQ khác. Bên cạnh đó, NNXĐ cũng đang dần trở thành trọng tâm trong chính sách, chiến lược hoạt động của các TCKV, tiểu khu vực nhằm góp phần ngăn ngừa bùng phát và tái diễn xung đột từ sớm, giảm thiểu tổn thất về người và vật chất do xung đột gây ra. Vấn đề NNXĐ cũng dần được quy định, thể chế hóa trong những văn kiện chính sách, cơ quan trực thuộc quan trọng của các TCKV.

Thời gian qua, HĐBA LHQ đã tổ chức một số phiên thảo luận về xây dựng lòng tin và có nhiều cuộc thảo luận mở về hợp tác giữa LHQ với các TCKV, song đến nay chưa có phiên thảo luận mở nào tập trung vào vai trò của các TCKV trong NNXĐ thông qua các biện pháp xây dựng lòng tin và đối thoại. Đồng thời, HĐBA chưa có văn kiện cụ thể nào về mối liên hệ giữa xây dựng lòng tin, đối thoại và NNXĐ. Vì thế, việc Việt Nam tổ chức Phiên thảo luận mở Cấp cao HĐBA LHQ lần này nhằm tiếp tục thúc đẩy vai trò của các TCKV cũng như hợp tác giữa LHQ với các TCKV, trong đó có ASEAN, trong tiến trình duy trì hòa bình, ổn định, phát triển kinh tế-xã hội nói chung và trong NNXĐ nói riêng.

Việt Nam chính thức gia nhập LHQ ngày 20-9-1977. Trong 44 năm qua, quan hệ hợp tác giữa Việt Nam và LHQ đã góp phần bảo vệ và thúc đẩy lợi ích quốc gia-dân tộc, nhất là duy trì, củng cố môi trường hòa bình, an ninh và thuận lợi cho phát triển đất nước. Thông qua việc chủ động đóng góp tích cực và ngày càng thực chất đối với hoạt động của LHQ, Việt Nam được tín nhiệm bầu vào nhiều vị trí, cơ quan quan trọng của LHQ, trong đó hai lần được bầu làm Ủy viên không thường trực HĐBA LHQ.

Trên cương vị Chủ tịch HĐBA LHQ tháng 1-2020, Việt Nam đã hoàn thành tốt các công việc điều hành, chủ trì hoạt động và đại diện cho HĐBA trong quan hệ với các nước, các cơ quan LHQ, các TCKV và quốc tế. Hơn thế nữa, trong vai trò Ủy viên không thường trực HĐBA LHQ, Việt Nam đã tham gia đóng góp vào công việc chung của HĐBA trên tinh thần độc lập, tự chủ, tích cực, trách nhiệm và cân bằng, thể hiện rõ lập trường ủng hộ tuân thủ Hiến chương LHQ và các nguyên tắc cơ bản của luật pháp quốc tế, ủng hộ tìm kiếm giải pháp cho các cuộc xung đột khu vực và quốc tế thông qua đàm phán, thương lượng hòa bình, đồng thời đề cao các nỗ lực, kinh nghiệm của Việt Nam trong quá trình tái thiết và phát triển đất nước, hội nhập quốc tế và khu vực.

Tận dụng tốt “vai trò kép” là Ủy viên không thường trực HĐBA LHQ nhiệm kỳ 2020-2021 và Chủ tịch ASEAN năm 2020, Việt Nam đã tổ chức tốt phiên họp của HĐBA về hợp tác LHQ-ASEAN, thường xuyên đề cao vai trò của các TCKV trong việc hỗ trợ giải quyết các vấn đề của các khu vực. Việt Nam cũng tập trung ưu tiên thúc đẩy một số vấn đề, chủ đề được sự quan tâm, ủng hộ của nhiều nước thành viên để phát huy vai trò và đóng góp của mình tại HĐBA, gồm: Khắc phục hậu quả bom, mìn phục vụ tái thiết hậu xung đột; bảo vệ thường dân trong xung đột vũ trang; an ninh và biến đổi khí hậu; phụ nữ, hòa bình và an ninh; hợp tác giữa LHQ với các TCKV, tiểu khu vực; trẻ em và xung đột vũ trang; hoạt động Gìn giữ hòa bình LHQ.

Kế thừa và tiếp nối những thành công đạt được trong Năm Chủ tịch ASEAN 2020 và tháng Chủ tịch HĐBA lần thứ nhất (tháng 1-2020), chúng ta hoàn toàn tin tưởng, Phiên thảo luận mở cấp cao HĐBA LHQ do Việt Nam chủ trì lần này sẽ thành công tốt đẹp, góp phần tái khẳng định nỗ lực của LHQ và các TCKV trong ngăn ngừa, giải quyết xung đột, thông qua xây dựng lòng tin, đối thoại trên cơ sở tôn trọng Hiến chương LHQ và luật pháp quốc tế. Việc Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc chủ trì sự kiện này khẳng định cam kết của Việt Nam đối với LHQ trong thúc đẩy xây dựng lòng tin và ngăn ngừa, giải quyết xung đột, đồng thời mong muốn nâng cao hơn nữa hiệu quả hợp tác với LHQ, tiếp tục là thành viên có trách nhiệm, đóng góp tích cực, thực chất vào các hoạt động của LHQ cũng như cộng đồng quốc tế.

QĐND

Nguồn QĐND: https://www.qdnd.vn/chinh-tri/xa-luan/thuc-day-xay-dung-long-tin-va-ngan-ngua-xung-dot-657160