Thúc đẩy xây dựng đô thị thông minh

Sau 18 tháng triển khai xây dựng, đô thị thông minh TP Hồ Chí Minh đã dần hiện rõ hình hài. Tại các quận, huyện, sở, ngành được chọn thí điểm xây dựng đô thị thông minh đã tạo ra được những đột phá quan trọng làm tiền đề để thành phố tăng tốc chuyển sang giai đoạn ứng dụng công nghệ một cách rộng rãi nhằm đem lại lợi ích thiết thực cho người dân.

Đột phá từ cơ sở

Là đơn vị "lĩnh ấn" tiên phong thực hiện thí điểm đề án, UBND quận 12 đã triển khai xây dựng trung tâm chỉ huy hình ảnh và an ninh, trong đó đã tích hợp hơn 600 ca-mê-ra hiện hữu tại các khu dân cư. Ngoài ra, quận đã triển khai ứng dụng công nghệ thông tin phục vụ công tác chỉ đạo, điều hành của đơn vị; tăng cường triển khai dịch vụ công trực tuyến và thanh toán trực tuyến nhằm tăng cường tính kết nối, phục vụ tốt hơn cho người dân.

Đồng chí Nguyễn Văn Dũng, Chủ tịch UBND quận 1 cho biết, quận này đã triển khai thí điểm Trung tâm điều hành đô thị thông minh. Trong đó, đã tích hợp hệ thống hơn 750 ca-mê-ra tại địa bàn dân cư và trụ sở công an 10 phường; đầu tư lắp đặt các ca-mê-ra quan sát tầm nhìn xa tại các vị trí trọng điểm. Sở Giao thông vận tải thành phố cho biết đã nâng cấp hệ thống điều khiển giao thông hiện hữu phục vụ công tác điều hành giao thông đô thị với 713 ca-mê-ra; triển khai cổng thông tin giao thông cung cấp trực tuyến cho người dân các thông tin liên quan về tình hình giao thông, các tiện ích trong quá trình tham gia giao thông…

Theo Bà Võ Thị Trung Trinh, Phó Giám đốc Sở Thông tin và Truyền thông thành phố, đề án xây dựng TP Hồ Chí Minh thành đô thị thông minh có năm cấu phần cụ thể, gồm: Chính phủ điện tử, cơ sở dữ liệu dùng chung, trung tâm dự báo mô phỏng, trung tâm điều hành và trung tâm bảo đảm an ninh mạng. Sau 18 tháng triển khai xây dựng, bước đầu thành phố đã hình thành nhiều trung tâm dữ liệu trụ cột quan trọng. Cụ thể, thành phố đã triển khai hệ thống tích hợp và chia sẻ dữ liệu, thực hiện tích hợp một số cơ sở dữ liệu (CSDL) quan trọng như CSDL văn bản điện tử, CSDL một cửa điện tử, CSDL khiếu nại tố cáo, CSDL đường dây nóng, CSDL đăng ký doanh nghiệp, CSDL đầu tư nước ngoài, CSDL chứng chỉ hành nghề y… về kho dữ liệu dùng chung đặt tại Công viên phần mềm Quang Trung. Thành phố cũng thử nghiệm cổng thông tin dữ liệu mở (tại http://data.hochiminhcity.gov.vn) và cung cấp thông tin về cơ sở khám, chữa bệnh và chứng chỉ hành nghề y, cơ sở giáo dục và dịch vụ, các dự án đầu tư nước ngoài và các dự án đầu tư công đến đông đảo người dân, doanh nghiệp.

Về xây dựng trung tâm điều hành chỉ huy của đô thị thông minh, thành phố đã thí điểm kết nối, tích hợp dữ liệu từ hơn một 1.000 ca-mê-ra giám sát của Sở Giao thông vận tải, UBND các quận 1, 12, Phú Nhuận và Gò Vấp; kết nối thông tin tổng hợp từ hệ thống tiếp nhận và xử lý phản ánh sự cố hạ tầng kỹ thuật đô thị, hệ thống một cửa điện tử… Cùng đó, thành phố đã hoàn thành một số công việc cụ thể của việc xây dựng trung tâm mô phỏng và dự báo kinh tế - xã hội; thành lập trung tâm an toàn thông tin.

Tăng tốc thực hiện

Tại hội nghị sơ kết 18 tháng triển khai xây dựng TP Hồ Chí Minh trở thành đô thị thông minh do UBND thành phố tổ chức mới đây, nhiều đại biểu thừa nhận, đề án còn khá mới mẻ cho nên trong thời gian vừa qua, thành phố chỉ mới tập trung trong việc xây dựng mô hình, kiến trúc tổng thể, đồng thời thực hiện triển khai thí điểm, thử nghiệm một số nền tảng, hệ thống ứng dụng để từ đó có sự đánh giá, điều chỉnh phù hợp.

Để xây dựng đô thị thông minh đạt đúng yêu cầu, tiến độ đề ra, đồng chí Nguyễn Thành Phong, Chủ tịch UBND thành phố đã giao Sở Thông tin và Truyền thông hoàn thành chi tiết kế hoạch thực hiện đề án từng năm cho đến năm 2025. Khảo sát, lựa chọn địa điểm xây dựng, triển khai thử nghiệm các dịch vụ công nghệ viễn thông thế hệ 5 (5G) tại quận 1, quận 3, Khu Công nghệ cao thành phố, Công viên Phần mềm Quang Trung. Xây dựng Quy chế tích hợp và vận hành Kho dữ liệu dùng chung, trong đó quy định cụ thể trách nhiệm tích hợp, chia sẻ dữ liệu của các sở, ngành, quận, huyện. Xây dựng quy chế vận hành, phương thức hoạt động của Trung tâm Điều hành Đô thị thông minh, trình UBND thành phố trong tháng 8-2019.

Theo đồng chí Nguyễn Thiện Nhân, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Thành ủy TP Hồ Chí Minh, xây dựng thành phố thành đô thị thông minh là nhiệm vụ trọng điểm. Do vậy, trong quá trình triển khai, UBND thành phố cần xác định rõ mục tiêu, đối tác công nghệ, xây dựng cơ chế hợp tác với các doanh nghiệp công nghệ để thúc đẩy các doanh nghiệp tham gia hành động cùng thành phố. Bên cạnh đó, UBND thành phố cần chỉ đạo khối xây dựng cơ sở dữ liệu của từng ngành và toàn địa bàn thành phố cần có hướng dẫn, khẳng định lại các chuẩn dữ liệu từng ngành và có lộ trình thực hiện; rà soát, thông qua quy chế sử dụng dữ liệu thành phố. UBND thành phố họp chuyên đề kết quả xây dựng đô thị thông minh vừa qua ở các quận, huyện đã làm để xây dựng khung các nhiệm vụ, phương thức giải quyết về đô thị thông minh hướng dẫn sâu hơn để các quận, huyện khác triển khai đồng bộ. Các sở, ngành xây dựng nhiệm vụ quản lý ngành thông minh của mình và phục vụ đối tượng khách hàng mang tính đặc thù ngành, đồng thời có chương trình nâng cao trình độ người dân để sử dụng các dịch vụ đã số hóa. Qua đó, người dân trở thành yếu tố tích cực, công dân thông minh.

Nguồn Nhân Dân: http://nhandan.com.vn/tphcm/item/40678502-thuc-day-xay-dung-do-thi-thong-minh.html