'Thúc đẩy việc thực hiện các mục tiêu phát triển bền vững từ góc độ bình đẳng giới'

Hội Liên hiệp Phụ nữ (LHPN) Việt Nam cam kết sẽ nỗ lực hơn nữa để tiếp tục triển khai các chương trình, đề án, hoạt động: hỗ trợ phụ nữ khởi nghiệp, xây dựng nông thôn mới, thúc đẩy phụ nữ tham chính, phòng, chống bạo lực giới, hỗ trợ các nhóm phụ nữ đặc thù...

Ngày 10/3, tại Hà Nội, Hội LHPN Việt Nam và Cơ quan Liên hợp quốc về Bình đẳng giới và Trao quyền cho phụ nữ (UN Women) tổ chức Diễn đàn “Thúc đẩy việc thực hiện các mục tiêu phát triển bền vững từ góc độ bình đẳng giới”.

Phát biểu khai mạc, Ủy viên Trung ương Đảng, Chủ tịch Hội LHPN Việt Nam Hà Thị Nga chia sẻ, trong các tình huống khủng hoảng, phụ nữ là nhóm đối tượng dễ bị tổn thương nhưng cũng là tác nhân tích cực để kiến tạo sự thay đổi. Vì vậy, cần tạo điều kiện để chị em phát huy thế mạnh, đóng góp cho sự phát triển của đất nước và phát triển bền vững nói chung. Theo tinh thần của Nghị quyết Đại hội Đảng lần thứ XIII, các hoạt động của Hội sẽ tiếp tục hướng tới khơi dậy khát vọng vươn lên, đổi mới sáng tạo cũng như phát huy hơn nữa vai trò, sự đóng góp của phụ nữ vào quá trình phát triển nhanh và bền vững của đất nước.

Chủ tịch Hội LHPN Việt Nam Hà Thị Nga phát biểu tại Diễn đàn

Chủ tịch Hội LHPN Việt Nam Hà Thị Nga phát biểu tại Diễn đàn

Theo Chủ tịch Hội LHPN Việt Nam, Diễn đàn “Thúc đẩy việc thực hiện các mục tiêu phát triển bền vững từ góc độ bình đẳng giới” là cơ hội để các đại biểu trao đổi kinh nghiệm, sáng kiến trong thực hiện các mục tiêu SDG, nhất là SDG 5 về bình đẳng giới và trao quyền cho phụ nữ qua đó phát huy vai trò và sự đóng góp của chị em; đưa ra đề xuất, khuyến nghị để vượt qua những thách thức trong bối cảnh COVID-19; hướng tới việc nâng cao nhận thức, tăng cường sự quan tâm, phối hợp, cam kết đồng hành của các cơ quan, tổ chức trong và ngoài nước đối với các mục tiêu mang tính chiến lược này với phương châm "không ai bị bỏ lại phía sau".

Qua Diễn đàn, Hội LHPN Việt Nam mong muốn có thêm những sáng kiến, đề xuất, khuyến nghị để thúc đẩy thực hiện các mục tiêu phát triển bền vững, nhất là các vấn đề về bình đẳng giới và ứng phó hiệu quả với đại dịch COVID-19. Hội LHPN Việt Nam cam kết sẽ nỗ lực hơn nữa để tiếp tục triển khai các chương trình, đề án, hoạt động: Hỗ trợ phụ nữ khởi nghiệp, xây dựng nông thôn mới, thúc đẩy phụ nữ tham chính, phòng, chống bạo lực giới, hỗ trợ các nhóm phụ nữ đặc thù...

Tại Diễn đàn, Điều phối viên thường trú Liên hợp quốc tại Việt Nam ông Kamal Malhotra nhận định, là một trong những quốc gia luôn nỗ lực thúc đẩy bình đẳng giới ở khu vực châu Á - Thái Bình Dương, Việt Nam đang có cơ hội tuyệt vời để thể hiện vai trò lãnh đạo trong việc thúc đẩy bình đẳng giới trong bối cảnh COVID-19. Liên hợp quốc sẵn sàng tiếp tục hỗ trợ nhân dân và Chính phủ Việt Nam.

Quang cảnh Diễn đàn

Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Văn Trung cho hay, năm 2017, Việt Nam đã ban hành Kế hoạch hành động quốc gia thực hiện Chương trình Nghị sự 2030 với 17 mục tiêu phát triển bền vững (SDGs) và cụ thể hóa việc triển khai thực hiện các mục tiêu SDG thông qua văn bản chỉ đạo của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, các bộ, ngành và địa phương. Qua gần 5 năm triển khai, Việt Nam được Liên hợp quốc đánh giá cao về sự cam kết và kết quả thực hiện các mục tiêu phát triển bền vững. Năm 2020, dù bị ảnh hưởng nặng nề bởi dịch COVID-19 nhưng Việt Nam vẫn đứng thứ 49/199. Trong khu vực ASEAN, Việt Nam chỉ xếp sau Thái Lan.

Để thúc đẩy bình đẳng giới, theo Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Văn Trung, những định kiến về giới trong xã hội cần phải thay đổi, đồng thời thúc đẩy, tạo cơ hội bình đẳng về việc làm cho nữ giới trong mọi ngành, mọi nghề...; cần có sự tham vấn với người dân, đặc biệt là những phụ nữ yếu thế trong xã hội để nhu cầu, mong muốn của họ được thể hiện trong chính sách, pháp luật.

Bà Elisa Fernandez, Trưởng đại diện UN Women tại Việt Nam nhấn mạnh, do COVID-19, các nguồn lực kinh tế của phụ nữ bị ảnh hưởng nặng nề. Số lượng công nhân ngành may mặc có thu nhập dưới chuẩn nghèo tăng gấp đôi vào cuối năm 2020 do mất thu nhập 14-28%. 84% nữ lao động trong khu vực phi chính thức không tiếp cận được trợ cấp thất nghiệp hoặc hỗ trợ tài chính của nhà nước. Bên cạnh đó, COVID-19 làm tăng gánh nặng việc nhà và phụ nữ phải chịu gánh nặng việc nhà nhiều nhất. Đại dịch cũng khiến gia tăng bạo lực đối với phụ nữ.

Tại Diễn đàn, các đại biểu đã tập trung thảo luận xoay quanh chủ đề: nâng cao quyền năng cho phụ nữ vì một tương lai an toàn và bình đẳng; chuyển đổi số trong bối cảnh COVID-19; lãnh đạo nữ, doanh nghiệp nữ vượt qua thách thức, phòng, chống bạo lực giới, thành phố an toàn, hòa bình, an ninh...

Tư tưởng định kiến giới, tâm lý ưa thích có con trai hơn con gái vẫn tồn tại trong xã hội dẫn đến mất cân bằng giới tính khi sinh có xu hướng tăng lên. Phụ nữ vẫn dành thời gian cho công việc chăm sóc không lương cao hơn nam giới... theo số liệu của Tổng cục Thống kê năm 2019 là gấp 2,1 lần nam giới.

Tình trạng bạo lực đối với phụ nữ và trẻ em gái vẫn xảy ra dưới nhiều hình thức khác nhau và chưa có nhiều cải thiện. Phụ nữ ở các vùng sâu, vùng xa, miền núi, vùng khó khăn vẫn chịu nhiều thiệt thòi hơn nam giới...

Cẩm Linh

Nguồn ĐCSVN: https://dangcongsan.vn/xa-hoi/thuc-day-viec-thuc-hien-cac-muc-tieu-phat-trien-ben-vung-tu-goc-do-binh-dang-gioi-576167.html