Thúc đẩy tiêu thụ cà phê trong nước để giảm tác động của giá cả thế giới

Đó là một trong những giải pháp được các chuyên đưa ra tại Tuần lễ Cà phê Việt Nam 2019 tổ chức tại TPHCM ngày 4/12 trong bối cảnh ngành cà phê đang chìm trong khó khăn rất lớn do khủng hoảng giá kéo dài.

Các chuyên gia trao đổi về những giải pháp giúp ngành cà phê vượt qua khó khăn.

Các chuyên gia trao đổi về những giải pháp giúp ngành cà phê vượt qua khó khăn.

Tiến sĩ Nguyễn Đỗ Anh Tuấn, Vụ trưởng Vụ Hợp tác quốc tế, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cho biết, ngành cà phê Việt Nam đang dứng trước nhiều thách thức lớn do biến động giá cả và cán cân cung - cầu.

Hiện giá cà phê đã giảm sâu tới 40% so với thời điểm năm 2010, khiến nông dân trồng cà phê gặp khó khăn và có xu hướng giảm diện tích trồng, giảm đầu tư cho cây cà phê dẫn đến năng suất, chất lượng cà phê bị ảnh hưởng.

Tuy nhiên, dù giá cà phê nhân thô giảm mạnh nhưng giá cà phê rang xay và cà phê thành phẩm ở các nước phát triển vẫn tăng đáng kể. Cho nhu cầu tiêu dùng cà phê vẫn ở mức cao và chỉ có người trồng cà phê ở các nước đang phát triển gặp khó khăn.

Theo ông Thái Như Hiệp, Giám đốc Công ty Cà phê Vĩnh Hiệp, ngoài những biến động mang tính chu kỳ của giá cà phê thế giới thì chất lượng cà phê chính là nguyên nhân dẫn tới hàng loạt khó khăn cho nông dân trồng cà phê Việt Nam những năm qua.

Cụ thể, dù tổng diện tích trồng và sản lượng cà phê của Việt Nam rất lớn nhưng hầu hết được trồng bởi các nông hộ nhỏ lẻ, có quy mô trung bình khoảng 0,5ha/hộ. Trình độ kỹ thuật canh tác, thu hoạch khác nhau khiến chất lượng cà phê nguyên liệu không đồng đều, lẫn nhiều tạp chất. Do đó, giácà phê nhân xuất khẩu của Việt Nam luôn thấp hơn mặt bằng chung.

Ông Lương Văn Tự, Chủ tịch Hiệp hội Cà phê và Ca cao Việt Nam cho biết, giá cà phê giảm sâu trong thời gian dài đã khiến nhiều nông dân chuyển đổi sang trồng các loại cây trồng khác có hiệu quả kinh tế cao hơn. Trong 3 năm trở lại đây, diện tích cây cà phê chuyển đổi sang sầu riêng, bơ, tiêu ở khu vực Tây Nguyên đã đạt khoảng 100.000 ha.

Để giải quyết những khó khăn trên, theo ông Đỗ Hà Nam, Tổng giám đốc Tập đoàn Intimex, các doanh nghiệp cà phê Việt Nam đã quan tâm đầu tư cho chế biến sâu, đặc biệt là cà phê hòa tan, qua đó từng bước nâng cao chất lượng.

Ông Nam cũng đề xuất, đối với vấn đề giá cà phê, trước mắt hiệp hội và doanh nghiệp thu mua, xuất khẩu cà phê Việt Nam cần phát huy vai trò điều phối thị trường, giúp nông dân cải thiện giá bán. Cụ thể, với việc nắm giữ 60% sản lượng cà phê Robusta toàn thế giới, nếu các nhà xuất khẩu Việt Nam giữ hàng, làm giảm nguồn cung thế giới thì sẽ có tác động tích cực đến giá cà phê. Để làm được điều này, cần có sự phối hợp nhịp nhàng của cả cơ quan quản lý, hiệp hội, doanh nghiệp và cả người trồng cà phê.

Ông Tự cũng thông tin, hiện nhiều doanh nghiệp cà phê cũng đang phát triển thị trường tiêu thụ trong nước nhằm thúc đẩy đầu ra cho cà phê Việt Nam. Bởi hiện cả nước đã có gần 30.000 quán cà phê và đang có xu hướng tăng nhanh.

Trong khi lượng cà phê tiêu thụ cà phê trong nước vẫn còn khá khiêm tốn. Tính trung bình toàn thế giới mỗi người tiêu thụ khoảng 7kg cà phê/năm, nhưng tại Việt Nam lại mới chỉ đạt 2kg/người/năm.

Các doanh nghiệp kỳ vọng có thể nâng chỉ tiêu này lên mức 4kg/người/năm thông qua việc phát triển các sản phẩm cà phê chế biến sâu, tiện lợi. Từ đó giảm bớt phụ thuộc vào biến động giá cả thế giới, giúp người nông dân yên tâm canh tác.

Nguyễn Hiền

Nguồn Hải Quan: https://haiquanonline.com.vn/thuc-day-tieu-thu-ca-phe-trong-nuoc-de-giam-tac-dong-cua-gia-ca-the-gioi-116509.html