Thúc đẩy tiếp cận công bằng đối với vắc-xin phòng Covid-19

Tại cuộc họp trực tuyến, ngày 17-9, các Bộ trưởng Y tế và Bộ trưởng Tài chính Nhóm các nền kinh tế phát triển và mới nổi hàng đầu thế giới (G20) ra tuyên bố chung khẳng định sự tiếp cận công bằng và hợp lý đối với vắc-xin phòng Covid-19 cho tất cả mọi người là chìa khóa để vượt qua đại dịch và hỗ trợ phục hồi kinh tế toàn cầu. Tuyên bố được đưa ra trong bối cảnh sáng kiến Cơ sở tiếp cận vắc-xin Covid-19 toàn cầu (Cơ sở COVAX) và sáng kiến Những người bạn của Cơ sở COVAX được đưa ra nhằm thúc đẩy chủ nghĩa đa phương về vắc-xin.

Tại cuộc họp trực tuyến, ngày 17-9, các Bộ trưởng Y tế và Bộ trưởng Tài chính Nhóm các nền kinh tế phát triển và mới nổi hàng đầu thế giới (G20) ra tuyên bố chung khẳng định sự tiếp cận công bằng và hợp lý đối với vắc-xin phòng Covid-19 cho tất cả mọi người là chìa khóa để vượt qua đại dịch và hỗ trợ phục hồi kinh tế toàn cầu. Tuyên bố được đưa ra trong bối cảnh sáng kiến Cơ sở tiếp cận vắc-xin Covid-19 toàn cầu (Cơ sở COVAX) và sáng kiến Những người bạn của Cơ sở COVAX được đưa ra nhằm thúc đẩy chủ nghĩa đa phương về vắc-xin.

Một nhóm gồm hơn 20 hiệp hội du lịch của châu Âu gửi kiến nghị tới Ủy ban châu Âu (EC) đề nghị cơ quan này hối thúc chính phủ các quốc gia trong khu vực tăng cường áp dụng các biện pháp hạn chế và xét nghiệm tầm soát Covid-19.

Liên hiệp châu Âu (EU) đồng ý mua một loại vắc-xin phòng Covid-19 tiềm năng từ Sanofi và GSK trong thỏa thuận thứ hai để bảo đảm nguồn cung, khi thời hạn tham gia chương trình mua vắc-xin của Tổ chức Y tế thế giới (WHO) sắp đến. Theo thỏa thuận, các nhà sản xuất dược phẩm của Pháp và Anh cung cấp cho EU tới 300 triệu liều.

I-ta-li-a tích cực tiến hành các thử nghiệm lâm sàng về thuốc điều trị cho người bệnh Covid-19. Theo Viện Y tế quốc gia I-ta-li-a, hiện có tổng cộng 63 nghiên cứu với sự tham gia của 17.565 người, trong đó 92% được thực hiện với mục đích chữa bệnh và 8% còn lại là mục đích phòng ngừa.

Phát biểu tại lễ rung chuông hòa bình nhân dịp kỷ niệm 39 năm Ngày Quốc tế vì hòa bình, Tổng Thư ký Liên hợp quốc A.Gu-tê-rét cảnh báo, đại dịch Covid-19 làm gia tăng nguy cơ đối với hòa bình, đồng thời kêu gọi một lệnh ngừng bắn ngay lập tức trên toàn thế giới để tập trung ứng phó dịch bệnh.

Tại châu Á, hai điểm nóng Covid-19 là In-đô-nê-xi-a và Phi-li-pin vẫn có số ca nhiễm tiếp tục duy trì trong ngưỡng 3.000 ca/ngày. Trong 24 giờ qua, Phi-li-pin và In-đô-nê-xi-a có số ca nhiễm mới lần lượt ở mức 3.675 ca và 3.375 ca.

Thái-lan ghi nhận người bệnh đầu tiên chết do Covid-19 sau hơn 100 ngày. Người bệnh nam 54 tuổi là công dân Thái-lan vừa trở về từ nước ngoài hồi đầu tháng này. Người này là phiên dịch viên tại A-rập Xê-út và làm việc cho Bộ Lao động Thái-lan.

Ấn Độ ghi nhận số ca nhiễm mới và số người chết cao nhất thế giới, lần lượt ở con số 96.793 ca nhiễm và 1.174 ca tử vong. Hiện tổng số ca nhiễm Covid-19 ở Ấn Độ là 5.214.677 ca, đứng thứ hai thế giới.

Ngày 17-9, Trung Quốc đại lục ghi nhận thêm 32 ca mắc mới Covid-19, tăng mạnh so với con số chín ca của một ngày trước đó. Tất cả số ca nhiễm mới đều là người nhập cảnh từ nước ngoài.

Sau hơn một tháng nâng giãn cách xã hội lên mức 2,5, số ca mắc mới hằng ngày Covid-19 tại Hàn Quốc chưa giảm xuống dưới mức ba con số. Tính đến ngày 18-9, Hàn Quốc ghi nhận tổng số 22.783 ca mắc Covid-19.

Chính phủ Ai-len quyết định đưa Hy Lạp và I-ta-li-a, hai điểm đến du lịch nổi tiếng, ra khỏi Danh sách Xanh gồm những quốc gia và vùng lãnh thổ tại châu Âu có ít nguy cơ dịch bệnh. Điều này đồng nghĩa với việc những người đến từ hai nước nêu trên phải thực hiện cách ly trong 14 ngày.

Tây Ban Nha và Pháp ghi nhận số ca nhiễm mới hơn 10.000 ca trong 24 giờ qua. Tây Ban Nha có 11.291 ca nhiễm mới, trong khi con số này tại Pháp là 10.593 ca.

CH Séc lần đầu ghi nhận hơn 3.000 ca mắc mới Covid-19 trong một ngày. Ngày 17-9, Séc có thêm 3.130 ca mắc, nâng tổng số ca mắc lên 44.155 ca.

Bộ trưởng Y tế Anh cho biết, tình hình dịch Covid-19 ở Anh đang diễn biến phức tạp, theo đó cứ tám ngày số người bệnh nhập viện lại tăng gấp đôi. Chính phủ Anh sẽ áp đặt lệnh giới nghiêm ban đêm từ 22 giờ đến 5 giờ đối với toàn bộ vùng đông bắc Inh-lân có hơn 10 triệu dân để ngăn chặn dịch lan nhanh.

Dịch Covid-19 bùng phát trở lại tại Vương quốc Bỉ với hơn 800 ca nhiễm mới mỗi ngày. Bỉ ghi nhận 95.948 ca mắc trong tổng số hơn 11,5 triệu dân, trong đó có 9.935 người chết.

Người đứng đầu Cơ quan Y tế công cộng Ca-na-đa bày tỏ lo ngại quốc gia này có thể để mất khả năng duy trì số ca mắc Covid-19 trong tầm kiểm soát. Trong vòng một tuần qua, số ca mắc mới tại Ca-na-đa tăng vọt lên mức gần 800 ca/ngày, cao hơn gấp đôi so số liệu tháng 7.

Hạ viện Mỹ thông qua dự luật lên án “mọi hình thức thể hiện quan điểm kỳ thị người châu Á liên quan dịch Covid-19”. Dự luật được thông qua trong bối cảnh thời gian qua xuất hiện làn sóng kỳ thị người Mỹ gốc Á.

Chính phủ Gioóc-đa-ni công bố một số biện pháp mới nhằm ngăn chặn dịch Covid-19 lây lan, trong đó có lệnh cấm tổ chức hiếu/hỷ và các sự kiện khác từ 20 người trở lên tham gia. Trong khi đó, Chính phủ nới lỏng quy định cách ly 14 ngày đối với người từ nước ngoài trở về và áp đặt quy định phòng dịch khác căn cứ theo địa điểm xuất phát của người đó.

Dịch Covid-19 tại châu Phi tiếp tục lây lan với tổng số ca mắc là hơn 1.373.986 ca. Nam Phi, Ai Cập, Ma-rốc, Ê-ti-ô-pi-a và Ni-giê-ri-a tiếp tục là những nước chịu ảnh hưởng nhất của dịch bệnh.

Tổ chức Y tế thế giới (WHO) tuyên bố, dịch Covid-19 đặt nhân viên y tế và gia đình họ vào mức độ nguy hiểm chưa từng có. Đội ngũ nhân viên y tế chiếm chưa đầy 3% dân số ở hầu hết các nước và chưa tới 2% dân số ở những nước có thu nhập thấp và trung bình, song họ chiếm khoảng 14% trong tổng số ca mắc.

Nguồn Nhân Dân: https://nhandan.com.vn/tin-tuc-the-gioi/thuc-day-tiep-can-cong-bang-doi-voi-vac-xin-phong-covid-19-617301/