Thúc đẩy tiếng nói trẻ em

Trong năm 2022, Hội Bảo vệ quyền trẻ em Việt Nam đã triển khai nhiều hoạt động tham vấn ý kiến trẻ em để tư vấn, góp ý chính sách về những vấn đề liên quan tới trẻ em.

Thúc đẩy sự tham gia của trẻ em trong xây dựng và thực hiện chính sách, pháp luật không chỉ là nhiệm vụ Hội đang thực hiện theo chức năng, nhiệm vụ mà còn là định hướng cho các cơ sở Hội ở địa phương cần tập trung vào hoạt động lấy ý kiến trẻ em về các vấn đề liên quan tới các em dựa trên cơ sở pháp lý cũng như những nguyên tắc trong tổ chức lấy ý kiến trẻ em.

Mỗi hoạt động lấy ý kiến trẻ em do Hội thực hiện luôn tuân theo nguyên tắc “Không phân biệt đối xử” và “Tôn trọng ý kiến trẻ em”.

Mở đầu mỗi hoạt động lấy ý kiến, trẻ tham gia sẽ được chia sẻ thông tin cụ thể về mục đích, mục tiêu của buổi lấy ý kiến, cùng với đó trẻ em cũng được trang bị thêm kiến thức về quyền tham gia của các em cũng như những nội dung mà liên quan tới trẻ đang cần lấy ý kiến.

Phỏng vấn sâu trẻ em về nhận thức và hành vi của trẻ em về đồ uống có đường và thuốc lá điện tử tại Đà Nẵng, tháng 10/2022.

Phỏng vấn sâu trẻ em về nhận thức và hành vi của trẻ em về đồ uống có đường và thuốc lá điện tử tại Đà Nẵng, tháng 10/2022.

Thông qua buổi lấy kiến, trẻ em sẽ có cái nhìn tổng quan về quyền tham gia, có thể quyết định là sẵn sàng tình nguyện tham gia hay không, nhìn nhận được ý nghĩa của việc nêu ý kiến về các nội dung đang được hỏi ý kiến, trên cơ sở đó các em có thể cùng tham gia thảo luận với người lớn dựa trên sự tôn trọng và không phân biệt đối xử.

Thảo luận lấy ý kiến trẻ em cho dự thảo Thông tư Hướng dẫn của Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội tại Bạc Liêu, tháng 7/2022.

Trong buổi khảo sát lấy ý kiến trẻ em cho dự thảo Thông tư Hướng dẫn về tổ chức các hoạt động có sự tham gia của trẻ em tại các cơ sở ngoài nhà trường và cơ sở giáo dục của Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội vào tháng 7/2022 với sự tham gia của 207 trẻ em tại 4 tỉnh/TP như Điện Biên, Đắk Lắk, Bạc Liêu và Cần Thơ, cán bộ Hội đã phải diễn một vở kịch tình huống về việc trẻ không được đưa ra ý kiến liên quan tới bản thân trong gia đình, từ đó dẫn dắt đến quyền tham gia của trẻ được quy định trong Công ước Liên hợp quốc về Quyền trẻ em và trong Luật Trẻ em.

Hướng dẫn trẻ em trả lời phiếu hỏi về dự thảo Thông tư Hướng dẫn của Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội tại Cần Thơ, tháng 7/2022.

Vì vậy, việc trẻ tham gia hoạt động lấy ý kiến cho Thông tư này chính là thực hiện quyền tham gia của các em, từ đó khuyến khích các em chia sẻ những ý kiến, quan điểm của các em về những quy định mà sau này khi được ban hành sẽ tác động trực tiếp tới các em.

Có thể nói, thông qua việc tham vấn ý kiến trẻ em về những vấn đề liên quan trực tiếp với trẻ là vô cùng cần thiết. Nhờ đó, các văn bản, chính sách khi được ban hành và triển khai trong thực tiễn sẽ góp phần đảm bảo phù hợp với mong muốn, nguyện vọng của trẻ em đồng thời đảm bảo được nguyên tắc tôn trọng ý kiến của trẻ trong các vấn đề liên quan tới trẻ em như luật pháp đã quy định.

Luật Trẻ em, Điều 92 Khoản 4 quy định: “...Hội Bảo vệ quyền trẻ em Việt Nam có trách nhiệm tổ chức việc kết nối, thu thập thông tin, kiến nghị của các tổ chức xã hội và của trẻ em chuyển đến các cơ quan nhà nước để góp ý, tư vấn cho việc xây dựng và thực hiện chính sách, pháp luật về quyền trẻ em...”

Thông tư số 36/2018/TT-BLĐTBXH ngày 26/12/2018 tại Điều 8 - Tổ chức thực hiện quy định: “Tổ chức đại diện tiếng nói, nguyện vọng của trẻ em, Hội Bảo vệ quyền trẻ em Việt Nam thực hiện lấy ý kiến của trẻ em theo hướng dẫn tại Thông tư này; tham gia giám sát việc lấy ý kiến của trẻ em, việc tiếp thu, thông tin, phản hồi ý kiến của trẻ em”.

Thu Hà

Nguồn Trẻ em Việt Nam: https://treemvietnam.net.vn/thuc-day-tieng-noi-tre-em-d1857.html