Thúc đẩy thanh toán không dùng tiền mặt

Thanh toán điện tử là một trong những trụ cột quan trọng của 'Chiến lược tài chính toàn diện quốc gia'. Năm 2018, thanh toán internet, thanh toán di động đạt tốc độ tăng trưởng ấn tượng về giá trị giao dịch, tương ứng tăng trưởng 19,5% và 169,5% so với năm 2017.

Hãng kiểm toán quốc tế PwC đã xếp Việt Nam là một trong những thị trường tăng trưởng nhanh nhất về thanh toán di động trong năm 2018.

Xu hướng tài chính trên toàn thế giới

"Xu hướng tài chính trên toàn thế giới"-đó là khẳng định của Phó thống đốc Ngân hàng Nhà nước (NHNN) Việt Nam Nguyễn Kim Anh tại sự kiện Banking Vietnam 2019 với chủ đề “Tài chính toàn diện trong xu thế phát triển của nền kinh tế không dùng tiền mặt" vừa diễn ra tại Hà Nội. Theo đó, Liên hợp quốc đã nhấn mạnh tài chính toàn diện là một giải pháp quan trọng để đạt 7/17 mục tiêu phát triển bền vững đến năm 2030. Ngân hàng Thế giới (WB) đặt ra mục tiêu cải thiện khả năng tiếp cận tài chính cho người thu nhập thấp trên thế giới đến năm 2020. Tại Việt Nam, Nghị quyết số 01/NQ-CP về các nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu thực hiện Kế hoạch phát triển kinh tế-xã hội và dự toán ngân sách Nhà nước năm 2019 đưa việc xây dựng “Chiến lược tài chính toàn diện quốc gia” là một trong những nhiệm vụ trọng tâm của Chính phủ giao NHNN Việt Nam chủ trì thực hiện trong năm 2019. Để thực hiện chiến lược, bên cạnh nhiều trụ cột, thanh toán điện tử sẽ là một trong những trụ cột quan trọng. Hiện tại, nhiều ngân hàng, tổ chức trung gian thanh toán tại Việt Nam đã ứng dụng các giải pháp, công nghệ tiên tiến nhằm giảm chi phí, tăng tốc độ thanh toán, tăng cường an toàn, bảo mật cho sản phẩm, dịch vụ. Đồng thời gia tăng trải nghiệm khách hàng, như: Xác thực sinh trắc học (vân tay, khuôn mặt...); thanh toán trên nền mã phản hồi nhanh (QR code); thanh toán an toàn, thuận tiện qua mã hóa thông tin thẻ (tokenization); thanh toán phi tiếp xúc (contactless payment) tốc độ và tiện lợi...

 Ngân hàng Thương mại Cổ phần Quân đội chú trọng thúc đẩy thanh toán không dùng tiền mặt.

Ngân hàng Thương mại Cổ phần Quân đội chú trọng thúc đẩy thanh toán không dùng tiền mặt.

Theo bà Nguyễn Thị Hòa, Phó viện trưởng phụ trách Viện Chiến lược Ngân hàng (NHNN Việt Nam): Xu hướng phát triển một nền kinh tế không dùng tiền mặt đang nổi lên hết sức mạnh mẽ. Với các sản phẩm dịch vụ tài chính ngày càng hiện đại, đặc biệt là các dịch vụ thanh toán điện tử thì cá nhân và tổ chức trong nền kinh tế được cung cấp càng nhiều các công cụ tiện ích cho các giao dịch mà không cần sử dụng tiền mặt. Việc giảm sử dụng tiền mặt trong nền kinh tế còn gia tăng tính minh bạch và hiệu quả, theo đó góp phần làm cho nền kinh tế vận hành tốt hơn. Tuy nhiên, theo ông Alwaleed Alatabani, chuyên gia trưởng về tài chính của WB tại Việt Nam, việc cung cấp dịch vụ tài chính đến tất cả người dân và tổ chức trong nền kinh tế còn gặp không ít rào cản, như: Chi phí dịch vụ, khoảng cách địa lý, thời gian cung cấp dịch vụ, chất lượng dịch vụ… Do đó, việc đa dạng hóa tổ chức và kênh cung ứng dịch vụ tài chính là giải pháp hiệu quả trong cung ứng dịch vụ tài chính hiện đại. Việt Nam có cơ cấu dân số trẻ, tỷ lệ sử dụng internet và điện thoại di động tăng trưởng rất nhanh, cùng với sự xuất hiện của nhiều công ty công nghệ tài chính Fintech. Cùng với đó, các hoạt động tài chính vi mô ngày càng phát triển là những điều kiện thuận lợi thúc đẩy tài chính toàn diện và phát triển thanh toán điện tử trong nền kinh tế.

Bảo đảm quản trị rủi ro và kết nối hệ thống

Đề án Phát triển thanh toán không dùng tiền mặt (TTKDTM) tại Việt Nam giai đoạn 2016-2020 đang bước vào hai năm cuối cùng thực hiện, hướng tới mục tiêu đạt tỷ trọng sử dụng tiền mặt trên tổng phương tiện thanh toán ở mức thấp hơn 10%. Rõ ràng đây là mục tiêu không hề dễ dàng, ngành ngân hàng sẽ phải có nhiều giải pháp chủ động và đột phá hơn nữa, áp dụng công nghệ, các giải pháp sáng tạo để đạt mục tiêu như đã đặt ra. Phó thống đốc Nguyễn Kim Anh nhấn mạnh, trong bối cảnh mới này đòi hỏi các ngân hàng, tổ chức phải đầu tư, ứng dụng mạnh mẽ công nghệ 4.0 nhằm cung cấp nhiều sản phẩm dịch vụ ngân hàng mới; đẩy mạnh khai thác, phân tích dữ liệu thông minh để thấu hiểu khách hàng, qua đó cung cấp các sản phẩm, dịch vụ an toàn, tiện lợi, cá nhân hóa với giá cả hợp lý. Đặc biệt, phải tăng cường hiểu khách hàng bằng công nghệ tiên tiến; bảo vệ bí mật khách hàng, ngăn ngừa tấn công mạng… An toàn, bảo mật trong hoạt động của các hệ thống thanh toán phải được ưu tiên hàng đầu. Các quyền và lợi ích hợp pháp của khách hàng sử dụng dịch vụ cần luôn được bảo vệ tốt, đề cao nhằm củng cố hơn nữa niềm tin của người dùng vào các phương tiện thanh toán điện tử.

Bên cạnh đó, sự kết nối 3 bên và trao đổi hợp tác giữa ngân hàng-nhà cung cấp dịch vụ-khách hàng là yếu tố vô cùng cần thiết. Ông Nguyễn Đình Thắng, Chủ tịch HĐQT Ngân hàng TMCP Bưu điện Liên Việt đưa dẫn chứng khi ngân hàng muốn TTKDTM cho người dân trả tiền điện thì tất yếu phải kết nối với ngành điện. Như vậy, phải có sự thống nhất về chủ trương và kết nối hệ thống dữ liệu tích hợp, từ đó ngân hàng mới có thể cung cấp dịch vụ cho người dân. Muốn TTKDTM thì phải bỏ được tiền vào tài khoản dù là tài khoản ví điện tử hay tài khoản thẻ. Chính vì vậy, NHNN Việt Nam cần sớm có chính sách tạo điều kiện giúp các ngân hàng thương mại, các tổ chức trung gian thanh toán phát triển hệ thống đại lý 24/7 để ở bất cứ đâu, khách hàng cũng có thể nạp được tiền. Ngoài ra, NHNN Việt Nam cần cho phép các ngân hàng tự chọn và tự xét duyệt các đại lý hỗ trợ nạp tiền mặt vào ngân hàng số, ví điện tử và được nhận một khoản phí. Khi cần, khách hàng vẫn có thể rút tiền ra.

Về góc độ quản lý nhà nước, ông Nghiêm Thanh Sơn, Phó vụ trưởng Vụ Thanh toán (NHNN Việt Nam) đề cập tới một số giải pháp phát triển TTKDTM, như: Xây dựng, hoàn thiện và nâng cấp hạ tầng hệ thống thanh toán quốc gia (IBPS) làm nền tảng kết nối tới các ngân hàng và tạo cơ sở triển khai các sản phẩm, dịch vụ thanh toán mới. Đưa vào vận hành hệ thống bù trừ tự động (ACH) phục vụ các giao dịch thanh toán bán lẻ trong năm 2019. NHNN Việt Nam sẽ yêu cầu các ngân hàng thương mại, các tổ chức trung gian thanh toán áp dụng tiêu chuẩn cơ sở QR code để bảo đảm khả năng tương thích giữa các giải pháp thanh toán trên nền QR code. Cơ quan quản lý cần chỉ đạo các tổ chức phát hành thẻ, tổ chức thanh toán thẻ, tổ chức chuyển mạch thẻ, tổ chức bù trừ điện tử giao dịch thẻ tích cực, chủ động và nghiêm túc tổ chức triển khai lộ trình chuyển đổi thẻ từ sang thẻ chip.

HOÀNG TRƯỜNG GIANG

Nguồn QĐND: https://www.qdnd.vn/kinh-te/cac-van-de/thuc-day-thanh-toan-khong-dung-tien-mat-575683