Thúc đẩy thanh toán điện tử đối với lĩnh vực dịch vụ công

Thanh toán điện tử đối với lĩnh vực dịch vụ công là chủ trương lớn của Chính phủ. Để thúc đẩy thanh toán điện tử dịch vụ công mạnh mẽ hơn nữa trong thời gian tới, mức độ tham gia của các cá nhân, doanh nghiệp, cơ quan nhà nước, đặc biệt là hệ thống ngân hàng… có ý nghĩa rất quan trọng.

Dịch vụ công trực tuyến là dịch vụ hành chính công và các dịch vụ khác của cơ quan nhà nước được cung cấp cho các tổ chức, cá nhân trên môi trường mạng theo 4 mức độ.

Dịch vụ công trực tuyến là dịch vụ hành chính công và các dịch vụ khác của cơ quan nhà nước được cung cấp cho các tổ chức, cá nhân trên môi trường mạng theo 4 mức độ.

Tỷ lệ thực hiện các dịch vụ công trực tuyến không cao

Chỉ số thanh toán điện tử (TTĐT) và dịch vụ công trực tuyến của Việt Nam vẫn còn khiêm tốn. Số liệu từ Viện Nghiên cứu Quản lý kinh tế trung ương (CIEM) cho thấy, tỷ trọng thanh toán không dùng tiền mặt/tổng phương tiện thanh toán thấp, hiện chỉ chiếm 11,49%. Tỷ lệ sử dụng tiền mặt rất cao, chiếm gần 90% chi tiêu; trong đó 99% cho các mặt hàng dưới 100.000 đồng. Trong khi đó, tỷ lệ thực hiện các dịch vụ công trực tuyến rất thấp, chỉ chưa đến 7% (chính xác là 6,98%).

Dịch vụ công trực tuyến là dịch vụ hành chính công và các dịch vụ khác của cơ quan nhà nước được cung cấp cho các tổ chức, cá nhân trên môi trường mạng theo 4 mức độ. Trong đó, mức độ 3 và 4 được thực hiện trên môi trường mạng, đặc biệt, với mức độ 4, người sử dụng có thể thực hiện thanh toán lệ phí (nếu có) trực tuyến và việc trả kết quả có thể được thực hiện trực tuyến.

Theo báo cáo tình hình thực hiện và kết quả triển khai xây dựng Chính phủ điện tử do Văn phòng Chính phủ công bố giữa năm 2018, đã có khoảng 50.000 dịch vụ công trực tuyến cấp độ 3, 4 được các bộ, ngành, địa phương cung cấp cho người dân, doanh nghiệp. Số dịch vụ do địa phương cung cấp chiếm tới 97%; số dịch vụ công do bộ, ngành cung cấp chiếm khoảng 3%.

Thực tế cho thấy, việc cung cấp dịch vụ công trực tuyến vẫn ở mức đơn giản, rất ít dịch vụ cho phép người dân gửi, thanh toán phí và nhận kết quả qua mạng. Với mức độ 4, các cơ quan nhà nước, doanh nghiệp, cá nhân mới tham gia ở mức rất hạn chế, chưa xứng với tiềm năng phát triển của đơn vị và nhu cầu sử dụng của các cá nhân, doanh nghiệp. Từ thực tế này, yêu cầu đẩy mạnh TTĐT trong lĩnh vực dịch vụ công đã được đặt ra.

Tại Nghị quyết 17/NQ-CP ngày 7/3/2019 về một số nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm phát triển Chính phủ điện tử giai đoạn 2019 - 2020, định hướng đến 2025, Chính phủ nêu rõ mục tiêu giai đoạn 2019 – 2020, tối thiểu 30% dịch vụ công trực tuyến thực hiện ở mức độ 4; Giai đoạn 2021 – 2025, tỷ lệ hồ sơ giải quyết theo dịch vụ công trực tuyến mức độ 3, 4 trên tổng số hồ sơ đạt từ 50% trở lên; 80% thủ tục hành chính đáp ứng yêu cầu được triển khai dịch vụ công trực tuyến mức độ 3, 4…

Những con số trên thể hiện sự quyết tâm của các nhà hoạch định chính sách trong việc phát triển, đẩy mạnh TTĐT phục vụ dịch vụ công tại Việt Nam. Tuy nhiên, để có thể thúc đẩy TTĐT dịch vụ công mạnh mẽ hơn nữa trong thời gian tới, rất cần sự tham gia của các cá nhân, doanh nghiệp, cơ quan nhà nước, đặc biệt là hệ thống ngân hàng.

Các ngân hàng vào cuộc mạnh mẽ

Trên thực tế, thời gian vừa qua, hệ thống ngân hàng đã không ngừng thúc đẩy và mở rộng TTĐT đối với dịch vụ công. Theo số liệu Ngân hàng Nhà nước (NHNN) công bố, hiện nay đã có khoảng 50 ngân hàng thỏa thuận phối hợp thu thuế điện tử với thuế, hải quan trên phạm vi 63 tỉnh, thành phố và tất cả các quận, huyện trên cả nước; 27 ngân hàng và 10 tổ chức cung ứng dịch vụ trung gian thanh toán phối hợp thu tiền điện; 100% cơ sở khám chữa bệnh trực thuộc Bộ Y tế đã bắt đầu triển khai Đề án phối hợp với các ngân hàng để nhờ thu hộ tiền khám chữa bệnh.…

NHNN Việt Nam cũng vừa ban hành Văn bản số 2198/NHNN-TT về việc đẩy mạnh TTĐT trong lĩnh vực dịch vụ công. Theo đó, NHNN đề nghị các ngân hàng phối hợp với các cơ quan, đơn vị liên quan nghiên cứu, áp dụng chính sách ưu đãi, biện pháp khuyến khích hợp lý để khuyến khích và tạo lập thói quen đối với tổ chức, cá nhân sử dụng dịch vụ TTĐT để thanh toán các khoản phí, lệ phí, thanh toán hóa đơn điện, nước, học phí, viện phí,...

Về phía NHTM, được biết, để đáp ứng thanh toán các dịch vụ công, trong thời gian qua Vietcombank đã tích cực phối hợp với các cơ quan nhà nước đẩy mạnh triển khai với việc cung cấp dịch vụ công trực tuyến đạt mức độ cao nhất (mức độ 4), tạo thuận lợi tối đa cho phép người sử dụng thanh toán lệ phí (nếu có) được thực hiện trực tuyến

Đặc biệt, Vietcombank đã phối hợp triển khai thanh toán dịch vụ hành chính công cho tỉnh Quảng Ninh với hơn 1.300 dịch vụ công trực tuyến và hàng nghìn loại thuế phí, dán mã QR Code tại các cơ quan hành chính tại Quảng Ninh để người dân, doanh nghiệp có thể thanh toán các loại thuế, phí qua internet banking, mobile banking…

Bên cạnh Vietcombank, được biết một số ngân hàng cũng đang tham gia triển khai dịch vụ thanh toán BOT và một số dịch vụ khác. Một số địa phương, đơn vị cũng đã có những động thái tích cực trong triển khai nhiệm vụ này như chính quyền TP. Đà Nẵng và Ví điện tử MoMo đã chính thức ký thỏa thuận triển khai thanh toán dịch vụ hành chính công thông qua ví điện tử….

Vai trò của các ngân hàng tại Việt Nam trong việc thúc đẩy TTĐT phục vụ dịch vụ công là rất quan trọng. Tuy nhiên, để đẩy mạnh TTĐT đối với lĩnh vực dịch vụ công một cách hiệu quả, theo các chuyên gia, cần phải hoàn thiện khuôn khổ pháp lý cũng như cơ chế chính sách về thanh toán qua ngân hàng. Đi cùng với đó là giám sát các hệ thống thanh toán đảm bảo an ninh, an toàn, hiệu quả trong TTĐT; giám sát hoạt động các tổ chức cung ứng dịch vụ trung gian thanh toán bảo đảm hoạt động đúng quy định…

Hải An

Nguồn Tài Chính: http://tapchitaichinh.vn/nghien-cuu-trao-doi/thuc-day-thanh-toan-dien-tu-doi-voi-linh-vuc-dich-vu-cong-308746.html