Thúc đẩy tăng trưởng xuất nhập khẩu

Quảng Ninh đã và đang xây dựng, triển khai nhiều cơ chế, chính sách nhằm tạo điều kiện thúc đẩy phát triển các hoạt động kinh doanh xuất nhập khẩu trên địa bàn tỉnh, đảm bảo thông thoáng, thuận lợi, theo đúng quy định của Nhà nước. Báo Quảng Ninh điện tử, Cơ quan của Đảng Bộ, chính quyền và nhân dân tỉnh Quảng Ninh

Container làm thủ tục nhập khẩu hàng hóa tại Điểm kiểm tra hàng hóa tập trung cầu Bắc Luân II. Ảnh: Hữu Việt

Container làm thủ tục nhập khẩu hàng hóa tại Điểm kiểm tra hàng hóa tập trung cầu Bắc Luân II. Ảnh: Hữu Việt

Trong đó phải kể đến những chính sách như: Công bố các cửa khẩu mà doanh nghiệp được xuất hàng, bỏ một số thủ tục hành chính; lựa chọn các doanh nghiệp có năng lực, kinh nghiệm trong hoạt động kinh doanh; loại bỏ những doanh nghiệp yếu kém, giúp hoạt động kinh doanh tạm nhập tái xuất (TNTX), chuyển khẩu (CK), kho ngoại quan (KNQ) trở nên lành mạnh hơn, hạn chế tình trạng tranh giành khách hàng, hạ giá thành dịch vụ, cạnh tranh không lành mạnh, gây ảnh hưởng đến môi trường kinh doanh

Đối với thủ tục xuất nhập khẩu hàng hóa qua các cửa khẩu quốc tế, cửa khẩu chính doanh nghiệp thực hiện thủ tục xuất nhập khẩu theo quy định của pháp luật. Hiện hoạt động XNK trên địa bàn chủ yếu được thực hiện qua cửa khẩu Quốc tế Móng Cái, cửa khẩu chính Hoành Mô; cảng biển Vạn Gia; 3 cửa khẩu phụ và lối mở (Bắc Phong Sinh, Lối mở Km3+4, cửa khẩu phụ Ka Long) và 9 điểm xuất hàng dọc tuyến biên giới từ Bình Liêu đến Móng Cái.

Về thủ tục tái xuất hàng hóa TNTX,CK,KNQ qua các cửa khẩu phụ, điểm thông quan trong các Khu kinh tế cửa khẩu (theo quyết định số 16/2017/QĐ-UBND ngày 27/11/2017 của UBND tỉnh), đối với hàng hóa TNTX thuộc Nhóm 1 (loại hình tạm nhập tái xuất không thuộc danh mục mặt hàng có điều kiện), UBND tỉnh đã công bố 429 doanh nghiệp được thực hiện tái xuất qua các cửa khẩu phụ lối mở tỉnh. Nhằm tạo điều kiện thuận lợi nhất cho doanh nghiệp thực hiện hoạt động tái xuất Nhóm hàng hóa này, từ tháng 12/2017 UBND tỉnh đã bỏ thủ tục doanh nghiệp phải đăng ký tái xuất. Doanh nghiệp làm thủ tục trực tiếp tại cơ quan Hải quan cửa khẩu để thông quan hàng hóa theo quy định của pháp luật hiện hành.

Riêng đối với hàng hóa kinh doanh TNTX, KNQ có điều kiện, là những Nhóm hàng phải thực hiện ký quỹ, đặt cọc và được Bộ Công Thương cấp Mã số tạm nhập tái xuất nên cần thiết phải có sự tăng cường quản lý Nhà nước trong việc lựa chọn và công bố doanh nghiệp thực hiện tái xuất. UBND tỉnh đã công bố 78 doanh nghiệp được thực hiện tái xuất, theo đó các doanh nghiệp được thực hiện tái xuất hàng hóa sau khi được tỉnh công bố. Tỉnh không quy định về thời gian, chỉ định cửa khẩu tái xuất cho các doanh nghiệp như một số tỉnh biên giới khác.

Về thủ tục xuất nhập khẩu hàng hóa của thương nhân qua các cửa khẩu phụ, lối mở biên giới tỉnh Quảng Ninh, ngoài cửa khẩu quốc tế, cửa khẩu chính, cảng Vạn Gia, tỉnh đã công bố 14 cửa khẩu phụ, lối mở được thực hiện xuất nhập khẩu, hoạt động mua bán, trao đổi hàng hóa qua các cửa khẩu phụ, lối mở biên giới. Hiện nay hoạt động này thương nhân chỉ cần làm thủ tục trực tiếp tại cơ quan Hải quan.

Với những hỗ trợ trên, hoạt động XNK, TNTX, CK, KNQ qua các cửa khẩu lối mở tỉnh Quảng Ninh đã đạt được tăng trưởng. Tổng trị giá hàng hóa XNK qua các cửa khẩu, lối mở biên giới tỉnh quý 1/2019 đạt 403,9 triệu USD, tăng 14,4% so với cùng kỳ năm 2018. Trong đó, xuất khẩu đạt 334,4 triệu USD, tăng 9,9% so với cùng kỳ; nhập khẩu đạt 69,5 triệu USD, tăng 42,4% so với cùng kỳ năm 2018. Tổng trị giá hàng hóa mua bán, trao đổi của cư dân biên giới đạt 27,2 triệu USD, tăng 4 lần so với cùng kỳ năm 2018.
Mới đây, UBND tỉnh đã họp trực tuyến nghe báo cáo một số nội dung liên quan đến quản lý hoạt động xuất nhập khẩu; mua bán, trao đổi hàng hóa của cư dân biên giới.

Phát biểu chỉ đạo, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Bùi Văn Khắng nhấn mạnh: Để thúc đẩy hoạt động xuất nhập khẩu, cùng với chính sách thuận lợi đã thực thi, các sở, ngành chức năng và địa phương liên quan cần tiếp tục mở rộng các hoạt động xúc tiến thương mại; phát triển hoạt động logistics hiệu quả; tham mưu cho tỉnh xây dựng nhóm cơ chế chính sách hỗ trợ xuất nhập khẩu, xuất nhập cảnh; tổ chức các hoạt động sản xuất hàng hóa phục vụ xuất khẩu; rà soát các điểm xuất hàng trên tuyến biên giới; đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính hỗ trợ doanh nghiệp; tăng cường quản lý chặt chẽ người, phương tiện, hàng hóa qua biên giới, đảm bảo đúng quy định của pháp luật; nâng cấp và kéo dài thời gian hoạt động các cửa khẩu, lối mở; triển khai thỏa thuận của Ủy ban công tác liên hợp;...

Đối với công tác quản lý hoạt động mua bán trao đổi hàng hóa khu vực biên giới, đồng chí yêu cầu các ngành chức năng cần nghiên cứu, quy hoạch lại hoạt động của Cầu Bắc Luân I, đảm bảo thuận lợi cho cư dân biên giới; bổ sung lực lượng quản lý tại chỗ khi cần thiết; tăng cường phối hợp với lực lượng chức năng của Đông Hưng; siết chặt hoạt động xuất nhập cảnh; kiên quyết đấu tranh với các đầu nậu;...

Hồng Nhung

Nguồn Quảng Ninh: http://baoquangninh.com.vn/kinh-te/201904/thuc-day-tang-truong-xuat-nhap-khau-2438128/