Thúc đẩy tăng trưởng xuất khẩu dệt may

Theo số liệu thống kê, kim ngạch xuất khẩu hàng dệt may của Việt Nam chín tháng qua đạt gần 29,3 tỷ USD, tăng 9,1% so cùng kỳ và đang đứng trong tốp ba quốc gia xuất khẩu dệt may hàng đầu thế giới (sau Trung Quốc và Băng-la-đét).

Các doanh nghiệp (DN) dệt may đã nỗ lực đẩy mạnh hoạt động sản xuất, kinh doanh, tìm kiếm đối tác và mở rộng thị trường xuất khẩu, sẵn sàng tham gia những sân chơi lớn như trang bán hàng trực tuyến Amazon hay chủ động tham gia những thị trường khó tính như: Mỹ, EU...

Tuy nhiên, ngành dệt may Việt Nam hiện đang phải đối diện với rất nhiều khó khăn, thách thức. Hiện tình hình ngành sợi đang diễn biến theo chiều hướng xấu, sự cạnh tranh về đơn hàng giữa các DN nội địa với các DN có vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) cũng như các quốc gia khác như: Ấn Độ, Thái-lan, In-đô-nê-xi-a... diễn ra ngày càng gay gắt. Trái ngược với dự đoán ban đầu cho rằng lĩnh vực dệt may sẽ sớm cán đích mục tiêu xuất khẩu 40 tỷ USD cả năm, hiện nay hầu hết các DN đang phải đối diện với tình trạng khan hiếm đơn hàng, thậm chí một số DN đã phải đóng cửa, đang trên bờ vực phá sản. Tình trạng khan hiếm đơn hàng không chỉ diễn ra ở các DN vừa và nhỏ mà còn diễn ra ở các DN lớn, có thương hiệu, uy tín trên thị trường như: May 10, Đức Giang, Hòa Thọ, Hanosimex,...

Sở dĩ có tình trạng này là do hầu hết các đơn hàng đang có xu hướng bị chia nhỏ, khách hàng thờ ơ trong việc đặt hàng dài hạn, đặc biệt tình trạng ép giá thấp khiến lợi nhuận của DN bị sụt giảm. Đơn hàng từ Trung Quốc có xu hướng chuyển sang các nước có ưu đãi về thuế suất như: Băng-la-đét, Cam-pu-chia thay vì vào Việt Nam như trước đây. Bên cạnh đó, lợi thế về nhân công giá rẻ không còn khi nhiều quốc gia có giá nhân công chỉ bằng một nửa của ngành dệt may Việt Nam. Hơn nữa, để thu hút đơn hàng, các quốc gia đã áp dụng nhiều chính sách hỗ trợ DN dệt may của họ như: giảm nhiều loại thuế, thúc đẩy xuất khẩu..., khiến nguy cơ mất đơn hàng của các DN Việt Nam ngày càng cao. Mặt khác, tâm lý thích cắt may thuê, ngại đầu tư trang thiết bị hiện đại do chiếm nguồn vốn lớn, không có chiến lược phát triển bài bản về mở rộng hệ thống phân phối, đầu tư nghiên cứu, thiết kế sản phẩm mẫu là những lý do khiến sức cạnh tranh của các DN dệt may nội địa ngày càng giảm sút.

Do đó, để thúc đẩy ngành dệt may phát triển, các DN phải tích cực tìm kiếm đối tác, mở rộng thị trường xuất khẩu; có các biện pháp thay đổi phương thức sản xuất, kinh doanh phù hợp với xu hướng, đáp ứng nhu cầu ngày càng cao của người tiêu dùng. Tập trung khai thác các đơn hàng đòi hỏi kỹ thuật cao, tận dụng tối đa nguồn nhân lực tay nghề cao trong nước cũng như đáp ứng thời gian giao hàng nhanh, chính xác, bảo đảm chất lượng theo yêu cầu của khách hàng. Từng bước chuyển dần từ cắt may thuê sang phương thức sản xuất ODM (thiết kế sản phẩm gốc), OBM (sản xuất thương hiệu gốc) nhằm gia tăng giá trị sản phẩm. Đồng thời, cần nhanh chóng hoàn thiện chuỗi cung ứng, chủ động được nguồn nguyên phụ liệu; đẩy mạnh liên doanh, liên kết theo chuỗi để cung cấp nguồn nguyên liệu phục vụ làm hàng xuất khẩu.

Bên cạnh đó, Nhà nước cần tiếp tục chỉ đạo các bộ, ngành cải cách thủ tục hành chính, cắt giảm điều kiện kinh doanh, giảm thủ tục thuế, hải quan, kiểm tra chuyên ngành; có chính sách hỗ trợ các DN đầu tư trong cụm nguyên phụ liệu về thuế: đất, VAT, thu nhập; miễn giảm thuế tùy theo chủng loại sản phẩm, từ đó tạo điều kiện cho DN dệt may phát triển ổn định, từng bước nâng cao sức cạnh tranh trên thị trường.

QUỲNH CHI

Nguồn Nhân Dân: http://nhandan.com.vn/chinhtri/cung-suy-ngam/item/42134902-thuc-day-tang-truong-xuat-khau-det-may.html