Thúc đẩy tăng trưởng xanh hướng tới phát triển bền vững: Tập trung gỡ nút thắt tài chính

Tăng trưởng xanh đóng vai trò quan trọng, nhằm đạt được mục tiêu tại COP26. Song huy động tài chính cho chuyển đổi sang mô hình này vẫn đang là một thách thức.

Tăng trưởng xanh đóng vai trò quan trọng

Sáng 24/9/2022, Tạp chí Kinh tế và Dự báo (Bộ Kế hoạch và Đầu tư) tổ chức Hội thảo khoa học quốc gia với chủ đề: “Thúc đẩy tăng trưởng xanh hướng tới phát triển bền vững: Kết nối tầm nhìn quốc gia với hành động của địa phương và doanh nghiệp”. Hội thảo nằm trong chuỗi hoạt động kỷ niệm 55 năm ngày Tạp chí Kinh tế và Dự báo phát hành số đầu tiên (tháng 10/1967).

Qua gần 10 năm triển khai Chiến lược tăng trưởng xanh đã đạt được kết quả khả quan

Qua gần 10 năm triển khai Chiến lược tăng trưởng xanh đã đạt được kết quả khả quan

Phát biểu tại hội thảo, bà Nguyễn Lệ Thủy, Tổng Biên tập Tạp chí Kinh tế và Dự báo khẳng định tầm quan trọng của tăng trưởng xanh trong phát triển bền vững quốc gia. Đó là lý do, ngay trước thềm Hội nghị COP 26, Thủ tướng Chính phủ đã phê duyệt “Chiến lược quốc gia về tăng trưởng xanh giai đoạn 2021-2030, tầm nhìn 2050” tại Quyết định số 1658/QĐ-TTg, ngày 01/10/2021. Trong đó, đề ra mục tiêu thúc đẩy cơ cấu lại nền kinh tế gắn với đổi mới mô hình tăng trưởng, nhằm đạt được thịnh vượng về kinh tế, bền vững về môi trường và công bằng về xã hội; hướng tới nền kinh tế xanh, trung hòa các-bon và đóng góp vào mục tiêu hạn chế sự gia tăng nhiệt độ toàn cầu.

Qua gần 10 năm triển khai Chiến lược tăng trưởng xanh đã đạt được kết quả khả quan, như: Các giải pháp giảm phát thải khí nhà kính được triển khai rộng rãi trong tất cả các lĩnh vực, lượng phát thải khí nhà kính trong các hoạt động năng lượng giảm 12,9% so với phương án phát triển bình thường; tiêu hao năng lượng tính trên GDP giảm bình quân 1,8%/năm; tỷ lệ năng lượng tiết kiệm của Việt Nam đạt 5,65%, tương đương với tổng năng lượng tiết kiệm được gần 11,3 triệu tấn dầu quy đổi (TOE) trong giai đoạn 2011-2015; tỷ lệ doanh nghiệp công nghiệp có nhận thức về sản xuất sạch hơn đã tăng từ 28% năm 2010 lên 46,9% năm 2020; tỷ lệ che phủ rừng năm 2020 đạt 42%; dự nợ tín dụng xanh tại Việt Nam đã tăng từ hơn 71 nghìn tỷ đồng vào cuối năm 2015, lên đến 340 nghìn tỷ đồng vào cuối năm 2020.

“Hoạt động xanh hóa sản xuất, bảo đảm nguyên tắc thân thiện với môi trường, đầu tư phát triển vốn tự nhiên, tích cực ngăn ngừa và xử lý ô nhiễm được chú trọng, đã tạo được làn sóng về đầu tư xanh, như: Năng lượng gió, mặt trời, năng lượng tái tạo…” – bà Nguyễn Lệ Thủy thông tin.

Với vai trò quan trọng của tăng trưởng xanh, TS Lê Việt Anh - Vụ trưởng Vụ Khoa học, giáo dục, tài nguyên và môi trường (Bộ Kế hoạch và Đầu tư) cho rằng, Chiến lược tăng trưởng xanh được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt ngay trước thềm Hội nghị COP26 đã thể hiện quyết tâm của Việt Nam trong thực hiện cam kết giảm phát thải khí nhà kính và hành động khí hậu thông qua hiện thực hóa các mục tiêu tăng trưởng xanh và tiếp tục được khẳng định bằng cam kết mạnh mẽ về “phát thải ròng bằng “0” (PTR0)” của Việt Nam.

Theo Ngân hàng Thế giới, để giảm nhẹ các tác động của biến đổi khí hậu từ nay đến năm 2040 Việt Nam cần 368 tỷ USD, tương đương 6,8% GDP mỗi năm

Hóa giải thách thức về tài chính cho tăng trưởng xanh

Tuy nhiên, bên cạnh những kết quả đạt được, thông tin đưa ra tại hội thảo cũng cho thấy, việc chuyển đổi nền kinh tế theo hướng tăng trưởng xanh ở Việt Nam cũng gặp một số khó khăn, thách thức. Trong đó thách thức đầu tiên phải nhắc đến đó là vấn đề nguồn tài chính cho chuyển đổi sang mô hình tăng trưởng xanh.

Bởi theo báo cáo của nhóm Ngân hàng Thế giới mới đây, giá trị hiện tại của các khoản đầu tư thêm để thích ứng và giảm nhẹ các tác động của biến đổi khí hậu từ nay đến năm 2040 Việt Nam cần 368 tỷ USD, tương đương 6,8% GDP mỗi năm.

Với doanh nghiệp, việc chi cho nghiên cứu khoa học và chuyển đổi sang phát triển theo hướng tăng trưởng xanh cũng vô cùng khó khăn. Liên quan đến vấn đề này, bà Bùi Thu Thủy - Phó Cục trưởng Cục Phát triển doanh nghiệp (Bộ Kế hoạch và Đầu tư) thông tin: Chi tiêu cho nghiên cứu khoa học của Việt Nam còn thấp và chưa thực chất.

Cụ thể, hi cho hoạt động nghiên cứu và phát triển (R&D) trong tương quan của Việt Nam năm 2018 chỉ bằng 0,4% GDP so với con số 3,3% GDP của Nhật Bản; 2,2% GDP của Singapore; 2,1% GDP của Trung Quốc. Tỷ lệ giao dịch kỹ thuật số của Việt Nam chỉ chiếm 22% so với 34% của Indonesia; 62% của Thái Lan.

Cùng với đó, chi phí lao động ở Việt Nam còn thấp là một trở ngại cho việc thúc đẩy chuyển đổi số, ứng dụng công nghệ cao. Hành lang chính sách, pháp luật của nhà nước về chính phủ điện tử, các giao dịch, thủ tục hành chính trên nền tảng số vẫn đang trong quá trình hoàn thiện, đây cũng là các thách thức, hạn chế cho doanh nghiệp khi xác định chiến lược tăng trưởng xanh.

Để hóa giải thách thức về tái chính với tăng trưởng xanh, năm 2022, ngân sách trung ương hỗ trợ khoảng 50 tỷ đồng và các địa phương cũng dành hàng chục tỷ đồng để hỗ trợ cho các doanh nghiệp ứng dụng công nghệ, chuyển đổi mô hình sản xuất theo hướng xanh và tuần hoàn. Đây là những tiền đề và nền tảng quan trọng để các doanh nghiệp Việt Nam tận dụng, chuyển đổi mô hình sản xuất kinh doanh của mình đáp ứng yêu cầu tình hình mới.

Tuy nhiên, để chuyển đổi sang mô hình tăng trưởng xanh một cách bền vững và thu hút sự tham gia của cộng đồng doanh nghiệp, các chuyên gia kinh tế cho rằng, Việt Nam cũng cần bổ sung đầu tư công bằng cải cách chính sách để thu hút đầu tư tư nhân tham gia vào lĩnh vưc này. Song, để thu hút được khu vực tư nhân, điều quan trọng Việt Nam phải thiết kế và thực hiện các chính sách và cải cách một cách đúng đắn, bài bản.

Nguyễn Hòa

Nguồn Công Thương: https://congthuong.vn/thuc-day-tang-truong-xanh-huong-toi-phat-trien-ben-vung-tap-trung-go-nut-that-tai-chinh-221034.html