Thúc đẩy tăng trưởng kinh tế Eurozone

Ngân hàng Trung ương châu Âu (ECB) vừa công bố gói kích thích tăng trưởng mới, đồng thời giữ nguyên lãi suất cơ bản ở mức thấp kỷ lục. Trong bối cảnh nền kinh tế Khu vực đồng euro (Eurozone) đối mặt nhiều thách thức, những biện pháp của ECB được kỳ vọng sẽ kéo con tàu kinh tế khu vực vượt qua giai đoạn sóng gió hiện nay.

Nhà máy sản xuất ô-tô tại bang Xách-xen (Ðức). Ảnh AP

Nhà máy sản xuất ô-tô tại bang Xách-xen (Ðức). Ảnh AP

Mới đây, ECB thông báo quyết định giữ nguyên lãi suất cơ bản ở mức thấp kỷ lục, đồng thời khẳng định sẽ tiếp tục duy trì chính sách này đến ít nhất cuối năm nay, nhằm thúc đẩy sự phục hồi của nền kinh tế Eurozone. Theo đó, các nhà hoạch định chính sách ECB nhất trí duy trì lãi suất cho vay ở mức 0,25% và lãi suất tiền gửi -0,4%. Quyết định này cho thấy sự thay đổi trong chính sách của ECB, bởi trước đó, ngân hàng này tuyên bố chỉ giữ mức lãi suất thấp kỷ lục đến hết mùa hè năm nay.

Bên cạnh đó, ECB cũng thông báo sẽ triển khai chương trình tái cấp vốn dài hạn cho các ngân hàng trong Eurozone. Theo đó, Chương trình cho vay dài hạn theo mục tiêu (TLTRO) cung cấp các khoản vay thời hạn hai năm, nhằm khuyến khích các ngân hàng đẩy mạnh hoạt động cho vay đối với các doanh nghiệp và người tiêu dùng trong khu vực Eurozone, từ đó kích thích tăng trưởng kinh tế. Ðây là lần thứ ba ECB sử dụng biện pháp kinh tế này kể từ năm 2014, thời điểm Eurozone chìm trong cuộc khủng hoảng nợ công. Gói TLTRO dự kiến có hiệu lực từ tháng 9 tới và sẽ kết thúc vào tháng 3-2021.

Các chuyên gia cho rằng, những bước đi nêu trên của ECB là cần thiết, trong bối cảnh các cuộc chiến tranh thương mại, những bất ổn chung quanh việc Anh rời Liên hiệp châu Âu (EU), còn gọi là Brexit, và mối lo về tình trạng nợ nần của Italy đang là những "đám mây đen" bao phủ nền kinh tế Eurozone. Ðộng thái của ECB diễn ra chỉ một ngày sau khi Tổ chức Hợp tác và Phát triển kinh tế (OECD) công bố báo cáo triển vọng kinh tế toàn cầu 2019, theo đó, hạ dự báo tăng trưởng kinh tế Eurozone trong năm 2019 từ 1,8% xuống còn 1%. Theo OECD, Eurozone là khu vực bị tác động nhiều nhất bởi các cuộc xung đột thương mại hiện nay. ECB cũng hạ dự báo tăng trưởng kinh tế của Eurozone xuống còn 1,1% trong năm 2019, giảm 0,6% so mức dự báo trước đó. Trong khi đó, các chuyên gia kinh tế nhận định, lạm phát ở Eurozone trong ba năm tới có thể thấp hơn nhiều so mục tiêu 2% mà ECB đề ra. Ðiều này buộc các nhà hoạch định chính sách khu vực phải có thêm các biện pháp mới nhằm kích thích tăng trưởng kinh tế.

Sự điều chỉnh chính sách nêu trên của ECB được đánh giá là cùng xu hướng với các ngân hàng trung ương khác trên thế giới, trong đó có Cục Dự trữ liên bang Mỹ (FED). Gần đây, FED đã phát đi tín hiệu sẽ kiên nhẫn và thận trọng trong lộ trình nâng lãi suất, do lo ngại khả năng giảm tốc của kinh tế toàn cầu. Cơ quan này cũng tuyên bố sẽ ngừng chương trình bán tài sản trong năm nay. Những bước đi này cho thấy, không chỉ tại Eurozone, nhiều nhà lãnh đạo trên thế giới cũng đang đứng ngồi không yên trước bức tranh ảm đạm chung của nền kinh tế, khi đà tăng trưởng toàn cầu ngày càng suy giảm.

Kể từ khi cuộc khủng hoảng kinh tế thế giới bùng nổ năm 2008 đến nay, Eurozone đã triển khai rất nhiều biện pháp quyết liệt, nhằm thúc đẩy nền kinh tế khu vực vượt qua các giai đoạn khó khăn. Chương trình thu mua tài sản chưa từng có tiền lệ mang tên nới lỏng định lượng (QE), chỉ vừa kết thúc cách đây chưa đầy ba tháng, sau gần bốn năm được triển khai. Với chương trình QE, ECB đã bơm khoảng 2.600 tỷ euro thông qua các đợt mua trái phiếu do 19 chính phủ thành viên phát hành, cũng như trái phiếu của các doanh nghiệp. Không thể phủ nhận kết quả tích cực mà các nỗ lực của ECB mang lại. Tuy nhiên, các nhà phân tích cho rằng, trong bối cảnh nền kinh tế đối mặt nhiều thách thức như hiện nay, ECB cần linh hoạt điều chỉnh quy mô các chương trình kích thích tăng trưởng kinh tế, nhằm giúp nền kinh tế Eurozone vững vàng vượt qua những cú sốc có thể sắp diễn ra.

BẢO CHÂU

Nguồn Nhân Dân: http://nhandan.com.vn/thegioi/tin-tuc/item/39761702-thuc-day-tang-truong-kinh-te-eurozone.html