Thúc đẩy tăng năng suất lao động quốc gia: Thực hiện đồng bộ các định hướng lớn

Thủ tướng Chính phủ vừa ban hành Chỉ thị 07/CT-TTg về giải pháp thúc đẩy tăng năng suất lao động (NSLĐ) quốc gia, trong đó, yêu cầu các bộ, ngành, địa phương thực hiện đồng bộ, hiệu quả các định hướng lớn về cải cách để thúc đẩy tăng NSLĐ.

Cụ thể, tổ chức mạng lưới và nâng cao năng lực quản trị nhà nước, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia và cải thiện môi trường kinh doanh. Bên cạnh đó, thúc đẩy nhanh chuyển dịch cơ cấu lao động từ nông nghiệp sang công nghiệp và dịch vụ, nhất là từ lao động có giá trị gia tăng thấp sang giá trị gia tăng cao hơn. Cải cách khu vực tài chính ngân hàng, ưu tiên dòng vốn vào các lĩnh vực có năng suất cao hơn; cải cách mạnh mẽ hơn nữa khu vực doanh nghiệp nhà nước, hỗ trợ khu vực kinh tế tư nhân, đặc biệt nâng cao tinh thần khởi nghiệp, sáng tạo; tiếp tục thu hút nguồn vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài có chọn lọc; tiếp tục hội nhập kinh tế quốc tế sâu rộng.

Thủ tướng yêu cầu Bộ KH&ĐT xây dựng kế hoạch triển khai thực hiện Phong trào "Năng suất lao động quốc gia", chọn một số lĩnh vực, địa phương thực hiện thí điểm Chương trình thúc đẩy tăng năng suất lao động, từ đó nhân rộng ra toàn bộ nền kinh tế.

Bộ Khoa học và Công nghệ nghiên cứu, xây dựng Kế hoạch tổng thể nâng cao năng suất dựa trên nền tảng khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo; xây dựng Chương trình quốc gia về hỗ trợ doanh nghiệp nâng cao năng suất, chất lượng sản phẩm, hàng hóa giai đoạn 2030.

Bộ Công Thương rà soát, nghiên cứu, hoàn thiện thể chế về thương mại điện tử; tập trung phát triển sản xuất sản phẩm có giá trị gia tăng cao, giá trị xuất khẩu lớn, sử dụng công nghệ cao, tự động hóa, giảm dần các ngành sử dụng nhiều tài nguyên, khoáng sản và lao động giản đơn; xây dựng các giải pháp tăng năng suất lao động ngành công nghiệp và thương mại, tham gia sâu hơn và nâng cấp các khâu có giá trị gia tăng cao hơn trong chuỗi giá trị toàn cầu, trong đó tập trung vào ngành chế biến, chế tạo nhằm chuyển dịch lao động từ nông nghiệp sang công nghiệp có giá trị cao; chuyển dịch trong nội bộ ngành công nghiệp từ sản xuất dựa vào lao động sang dựa vào công nghệ, tập trung vào hàng hóa có giá trị gia tăng cao.

Khi nền kinh tế đứng trước nhiều thách thức và còn khoảng cách khá xa so với các nước trong khu vực, để nguy cơ tụt hậu và vượt qua bẫy thu nhập trung bình, cải thiện NSLĐ là một trong những nhiệm vụ trọng yếu.

Nguyễn Mai

Nguồn Công Thương: https://congthuong.vn/thuc-hien-dong-bo-cac-dinh-huong-lon-132415.html