Thúc đẩy sức mạnh cộng hưởng từ ngân hàng - FinTech

Cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư (CMCN 4.0) đã mang đến những công nghệ tân tiến, đột phá như điện toán đám mây, phân tích dữ liệu lớn, sinh trắc học, trí tuệ nhân tạo, công nghệ chuỗi khối, kết nối vạn vật... và đang làm biến đổi sâu sắc nhiều lĩnh vực kinh doanh, ngành dịch vụ, từ vận tải cho đến lưu trú, từ báo chí, phim ảnh, âm nhạc cho đến dịch vụ ngân hàng - tài chính.

Đứng trước hành vi người tiêu dùng có sự thay đổi rõ rệt và ứng dụng mạnh mẽ công nghệ số trong mọi mặt đời sống kinh tế - xã hội, nhiều ngân hàng truyền thống đã đánh giá lại mô hình kinh doanh cũ, thực hiện chuyển đổi số để xây dựng ngân hàng số thích ứng tốt với bối cảnh mới và phát triển bền vững trong tương lai.

Thanh toán số (digital payments) dường như là ưu tiên và sự lựa chọn tự nhiên trong việc phát triển ngân hàng số, đóng vai trò là cánh cửa chính để ngân hàng giao tiếp, thu thập thông tin khách hàng và là cửa ngõ đưa khách hàng đến với những dịch vụ khác như tiết kiệm, vay vốn, bảo hiểm...

 Ông Phạm Tiến Dũng, Vụ trưởng Vụ Thanh toán, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam .

Ông Phạm Tiến Dũng, Vụ trưởng Vụ Thanh toán, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam .

Thanh toán số được hiểu là mọi khoản thanh toán, chuyển tiền qua hình thức điện tử như thanh toán trực tuyến, thanh toán di động với các phương tiện phổ biến như ví di động, ví điện tử và thẻ phi tiếp xúc...

CMCN 4.0 ảnh hưởng khá mạnh tới lĩnh vực thanh toán, đặt ra một số thách thức ở các mặt sau:

Thứ nhất, yêu cầu thay đổi mô hình quản trị, kinh doanh ngân hàng nói chung và mô hình, phương thức cung ứng sản phẩm, dịch vụ thanh toán nói riêng.

Yêu cầu này dẫn tới sự chuyển dịch tất yếu từ số hóa đơn giản sang số hóa toàn diện, triệt để hoạt động ngân hàng, không ngừng đổi mới sáng tạo về sản phẩm, dịch vụ, quan hệ đối tác cũng như đầu tư, ứng dụng sâu rộng các công nghệ thành tựu 4.0 vào hoạt động ngân hàng.

Một số sản phẩm, dịch vụ tiện ích, mô hình mới, giải pháp đột phá có thể kể ra như thanh toán di động, ứng dụng ngân hàng di động, ngân hàng số, nhận biết khách hàng điện tử (eKYC), rôbốt giao tiếp, phục vụ khách hàng (chatbot)…

Thứ hai, thách thức trong việc phát triển các kênh phân phối mới, các sản phẩm dịch vụ thanh toán hiện đại, mang tính tích hợp cao khi nhu cầu, hành vi mới của người tiêu dùng ngày càng dựa trên cơ sở tiếp cận nền tảng/mạng lưới và dữ liệu di động buộc các ngân hàng phải điều chỉnh cách thức thiết kế, tiếp thị và phân phối sản phẩm, dịch vụ của mình theo hướng số hóa, cá nhân hóa, tự động, thông minh.

Thứ ba, vấn đề bảo mật thông tin cá nhân và an ninh mạng. Sản phẩm, dịch vụ ngày càng số hóa, người dùng ngày càng sử dụng thiết bị số, kết nối liên tục, đa kênh, đa phương tiện chính là môi trường thuận lợi để tội phạm sử dụng công nghệ cao, tin tặc (hackers), kẻ xấu khai thác các yếu điểm để gian lận, trục lợi từ người dùng và xâm nhập hệ thống.

Dù ngành ngân hàng luôn được đánh giá là một trong những ngành quan tâm đầu tư cho hệ thống CNTT, có năng lực tốt về bảo mật dữ liệu người dùng, đảm bảo an ninh, an toàn cho hệ thống, cho ứng dụng, tuy nhiên, đó vẫn là những thách thức thường trực đối với các ngân hàng, đòi hỏi phải có sự quan tâm đặc biệt và đầu tư nguồn lực lớn cho công tác này.

Thứ tư, trình độ, năng lực, số lượng và chất lượng nguồn nhân lực là vấn đề cốt lõi quyết định sự thành công và phát triển bền vững trước những thay đổi của CMCN 4.0.

Chất lượng nguồn nhân lực nói chung và nhân lực trong lĩnh vực thanh toán nói riêng không chỉ là về trình độ nghiệp vụ ngân hàng và thanh toán, mà còn gắn liền với kỹ năng về lập trình, vận hành công nghệ số, tuân thủ quy trình vận hành, cung ứng sản phẩm, dịch vụ trong môi trường công nghệ, không gian mạng…

Thứ năm, hành lang pháp lý chưa thích ứng, theo kịp với những đổi mới sáng tạo liên tục xuất hiện - một đặc trưng nổi bật của thời kỳ CMCN 4.0, cần bổ sung, hoàn thiện một số quy định pháp lý để đáp ứng tốt hơn cho những mô hình, giải pháp sáng tạo và ứng dụng triệt để công nghệ số vào mọi mặt, mọi khâu của sản phẩm, dịch vụ thanh toán.

Việc ứng dụng công nghệ phân tích dữ liệu lớn, điện toán đám mây… vào hoạt động của các ngân hàng cũng cần quy định đồng bộ, cụ thể về việc quản lý, trao đổi, chia sẻ dữ liệu khách hàng.

Yêu cầu mới về quản lý

Thanh toán trong kỷ nguyên số cũng đặt ra không ít thách thức, yêu cầu mới về khía cạnh quản lý. Đầu tiên là thách thức bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng trước nhưng rủi ro tiềm tàng.

Ngân hàng trung ương, cơ quan quản lý các nước đứng trước yêu cầu cần theo dõi sát sao ảnh hưởng toàn hệ thống từ những đổi mới công nghệ trong lĩnh vực thanh toán, đặc biệt là rủi ro, nguy cơ tác động tới quyền lợi người tiêu dùng để có hướng dẫn bổ sung, ban hành quy định quản lý phù hợp.

Thách thức thứ hai là về an ninh mạng, riêng tư dữ liệu người dùng. Sự kết hợp giữa các dịch vụ thanh toán hiện đại và các nhà cung ứng dịch vụ mới tiềm ẩn nhiều nguy cơ rủi ro mới cho thị trường thanh toán, đặc biệt là rủi ro an ninh mạng.

Bởi vậy, Ngân hàng Trung ương, cơ quan quản lý các nước cần bảo vệ người sử dụng dịch vụ thanh toán bằng hệ thống quy phạm pháp luật cụ thể, rõ ràng, đồng bộ về những mặt này, đồng thời xây dựng cơ chế, chính sách giúp nâng cao nhận thức người dùng về sử dụng dịch vụ tài chính, trong đó có cả lợi ích và rủi ro trong tiếp cận, sử dụng thanh toán số.

Cuối cùng, cần cân bằng giữa yêu cầu quản lý với thúc đẩy đổi mới sáng tạo. Ngân hàng trung ương/cơ quan quản lý các nước sẽ phải đối mặt với thách thức lớn trong việc đảm bảo sự hài hòa giữa yêu cầu quản lý với thúc đẩy đổi mới, cạnh tranh, hướng đến xây dựng cơ chế, khuôn khổ quản lý tạo sân chơi bình đẳng cho những thành phần tham gia khác nhau, đảm bảo quản lý phù hợp, tương xứng với mức độ rủi ro phát sinh từ hoạt động, dịch vụ thanh toán đó, nhưng không cản trở sự đổi mới, sáng tạo của các tổ chức cung ứng dịch vụ thanh toán mới trên thị trường.

Các giải pháp hàng đầu

Nhận diện về những cơ hội và thách của CMCN 4.0 tác động đến hoạt động thanh toán trong nền kinh tế, để khai thác và tận dụng những cơ hội của CMCN 4.0 đem lại trong lĩnh vực thanh toán, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam (NHNN) đã xác định một số nhóm giải pháp.

Thứ nhất, đẩy nhanh việc tạo lập hành lang pháp lý thuận lợi cho phát triển ngân hàng số, thanh toán số như: Xây dựng Khuôn khổ pháp lý thử nghiệm có kiểm soát (Regulatory Sandbox) cho hoạt động của các công ty FinTech, dịch vụ ngân hàng đại lý (agent banking); nhận biết khách hàng điện tử (e-KYC); tiền điện tử (e-money)...

Thứ hai, xây dựng hạ tầng kỹ thuật có tính tích hợp, tự động hóa cao, đảm bảo an ninh, an toàn phục vụ cho việc cung cấp dịch vụ tài chính - ngân hàng trên nền tảng công nghệ số; kết nối tích hợp để hỗ trợ các ngành kinh tế khác có liên quan như thương mại, giao thông, dịch vụ công...

Thứ ba, đẩy mạnh hợp tác hiệu quả giữa ngân hàng và FinTech nhằm cung ứng dịch vụ ngân hàng - tài chính tiện ích cho khách hàng với chi phí hợp lý, góp phần tích cực phổ cập dịch vụ tài chính ngân hàng tới đông đảo người dân, người dân vùng nông thôn, vùng sâu, vùng xa.

Thách thức song hành với cơ hội

Việc ứng dụng mạnh mẽ công nghệ số trong các ngành dịch vụ thời gian qua, đặc biệt là sự nổi lên của làn sóng FinTech cùng với nhu cầu, hành vi của người tiêu dùng trong kỷ nguyên số có sự thay đổi rõ rệt đã tác động mạnh mẽ đến chiến lược phát triển, mô hình kinh doanh và cách thức cung ứng sản phẩm, dịch vụ của các ngân hàng, tổ chức tài chính trên thế giới và tại Việt Nam.

Các công ty FinTech cần tập trung khai thác những phân khúc khách hàng, thị trường ngách mà ngân hàng còn “bỏ sót”.

Các ngân hàng giờ đây đang chứng kiến sự thay đổi, chuyển dịch rõ nét trong môi trường hoạt động với sự xuất hiện của các nhân tố mới về chủ thể tham gia, mô hình kinh doanh/hợp tác, kênh tiếp cận khách hàng và phân phối sản phẩm, dịch vụ…

Cụ thể hơn, đó là sự xuất hiện của các công ty FinTech trong mối quan hệ “hợp tác - cạnh tranh” với các ngân hàng và nhu cầu đổi mới, sáng tạo ngay trong nội bộ ngân hàng thông qua đầu tư hạ tầng CNTT thế hệ mới, ứng dụng công nghệ số theo định hướng phát triển ngân hàng số.

Ở các nước có hệ sinh thái FinTech phát triển (như Hoa Kỳ, Anh, Đức, Úc, Singapore...), sự phát triển của các công ty FinTech đặt ra một số thách thức đối với ngân hàng. Theo đó, các ngân hàng đứng trước áp lực phải thay đổi về mô hình kinh doanh, quản trị điều hành, về cách tiếp cận khách hàng, cung ứng sản phẩm, dịch vụ.

Trước xu hướng “số hóa” đang ngày càng gia tăng, các ngân hàng phải đánh giá lại để có những điều chỉnh phù hợp với xu hướng quản trị thông minh, mô hình ngân hàng di động, ngân hàng không giấy tờ, ngân hàng không chi nhánh, ngân hàng số.

Thêm vào đó, các nhà băng cần phát triển các kênh phân phối mới, các sản phẩm dịch vụ ngân hàng hiện đại, mang tính tích hợp cao, chú trọng tối đa hóa trải nghiệm khách hàng.

Chưa kể, thách thức trong xu hướng giảm dần tầm quan trọng của các chi nhánh ngân hàng trong bối cảnh với xu hướng ứng dụng công nghệ số mạnh mẽ, các chi nhánh ngân hàng có thể sẽ không còn đóng vai trò quan trọng như xưa, thay vào đó sẽ trở nên tinh gọn hơn, tập trung vào dịch vụ tư vấn, phục vụ các giao dịch phức tạp/giá trị lớn và hỗ trợ tăng cường trải nghiệm khách hàng đồng bộ với các kênh số...

Tuy nhiên, bên cạnh những thách thức nói trên, sự xuất hiện của FinTech cũng là động lực thúc đẩy hoạt động ngân hàng số phát triển.

FinTech đem lại cho các ngân hàng cơ hội đổi mới liên tục, tiềm năng tăng trưởng cao ở phân khúc thương mại điện tử/thương mại di động, nâng cao năng lực số trên cơ sở cạnh tranh hay hợp tác và gia tăng khả năng tiếp cận đa kênh xuyên suốt tới lượng khách hàng tiềm năng đông đảo, đặc biệt là nhóm người tiêu dùng kỷ nguyên số và những khách hàng am hiểu công nghệ.

So với các nước trên thế giới và khu vực, lĩnh vực FinTech tại Việt Nam vẫn còn khá non trẻ, các công ty hiện nay mới tập trung chủ yếu vào phân khúc thanh toán.

Trong điều kiện đặc thù của Việt Nam, sự ra đời và phát triển của FinTech sẽ đóng vai trò bổ trợ và là “cánh tay nối dài” của ngân hàng trong cung ứng sản phẩm, dịch vụ nhiều hơn là vai trò đối thủ cạnh tranh trực tiếp với các ngân hàng.

Bởi vậy, sự xuất hiện của các chủ thể mới trong hệ sinh thái thanh toán mang lại cơ hội cho các ngân hàng nhiều hơn thông qua hợp tác ngân hàng - FinTech để khai thác tiềm năng, thế mạnh của nhau, từ đó tạo ra sức mạnh “cộng hưởng”, đem lại trải nghiệm, giá trị mới cho người sử dụng, gia tăng giá trị cho xã hội.

Tận dụng những lợi thế của FinTech

Cùng với sự phát triển của gần 100 công ty FinTech hiện đang hoạt động tại Việt Nam, các ngân hàng đã nhận thức rõ những ưu thế và thách thức từ các công ty FinTech. Các ngân hàng có thế mạnh về mạng lưới khách hàng, nguồn nhân lực có kinh nghiệm, bộ máy kiểm soát tuân thủ pháp lý chắc chắn, hạ tầng công nghệ thông tin và thanh toán được đầu tư lớn…

Ngân hàng Nhà nước luôn ủng hộ và thúc đẩy sự hợp tác giữa công ty FinTech và ngân hàng ở Việt Nam, bởi điều này tạo ra sức mạnh “cộng hưởng” cho đôi bên, tạo xung lực phát triển mới cho thị trường dịch vụ ngân hàng.

Trong khi đó, các công ty FinTech có ưu thế về nhanh nhạy nắm bắt, triển khai công nghệ, có mô hình kinh doanh sáng tạo, đột phá, mang đến những trải nghiệm người dùng mới mẻ nhưng lại có yếu điểm là ít kinh nghiệm hoạt động trong lĩnh vực tài chính - ngân hàng, hệ thống kiểm soát tuân thủ nội bộ chưa đủ thời gian kiểm chứng độ vững mạnh, cũng như mạng lưới tiếp cận khách hàng còn nhiều hạn chế…

Chính vì vậy, sự kết hợp giữa hai chủ thể trên sẽ rất có lợi, tạo ra sức mạnh tổng hợp cho thị trường dịch vụ ngân hàng, nâng cao khả năng cạnh tranh và góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế, tạo ra những lợi ích cho người sử dụng dịch vụ.

Đối với các ngân hàng, đây chính là thời điểm để nhìn nhận lại chiến lược, mô hình kinh doanh của mình trong bối cảnh mới, cụ thể là phải đẩy mạnh đổi mới mô hình tổ chức mạng lưới, cải tiến quy trình nghiệp vụ, gia tăng tiện ích và trải nghiệm khách hàng trên cơ sở nghiên cứu, ứng dụng các công nghệ mới, giải pháp đột phá như điện toán đám mây, phân tích dữ liệu lớn, trí tuệ nhân tạo, bảo mật sinh trắc học…

Bên cạnh đó, các ngân hàng cũng cần thay đổi tư duy, quan điểm về FinTech, không nên coi là những “đối thủ” cạnh tranh mà cần hướng tới sự hợp tác cùng có lợi.

Trong khi đó, các công ty FinTech cũng cần tập trung khai thác những phân khúc khách hàng, thị trường ngách mà ngân hàng còn “bỏ sót” như tăng cường tiếp cận nhóm khách hàng trẻ tuổi, am hiểu công nghệ, không thích mô hình giao dịch truyền thống qua chi nhánh, quầy giao dịch với nhiều giấy tờ, thủ tục phức tạp; chủ động hướng tới khai thác thị trường vùng nông thôn, vùng sâu, vùng xa nơi hạ tầng dịch vụ ngân hàng chưa vươn tới hoặc phủ kín.

Bên cạnh đó, các đơn vị cũng cần hết sức chú trọng đến vấn đề an ninh, an toàn, bảo mật, tránh để bị lợi dụng cho hoạt động lừa đảo, gian lận, rửa tiền, tài trợ khủng bố, chuyển tiền xuyên biên giới bất hợp pháp…

Đây là những vấn đề có tính thời sự không chỉ ở Việt Nam mà trên toàn thế giới.

Hợp tác tài chính ngân hàng - FinTech là xu hướng chủ đạo trên thế giới, tận dụng FinTech như cánh tay nối dài tới những người dân chưa được tiếp cận dịch vụ ngân hàng, đem lại cho khách hàng nhiều tiện ích, trải nghiệm tốt, hỗ trợ đắc lực cho phổ cập tài chính sâu rộng hơn.

Về phía mình, Ngân hàng Nhà nước luôn ủng hộ và thúc đẩy sự hợp tác giữa công ty FinTech và ngân hàng ở Việt Nam, bởi điều này tạo ra sức mạnh “cộng hưởng” cho đôi bên, tạo xung lực phát triển mới cho thị trường dịch vụ ngân hàng.

Phạm Tiến Dũng, Vụ trưởng Vụ Thanh toán, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam

Nguồn ĐTCK: https://tinnhanhchungkhoan.vn/fin-tech/thuc-day-suc-manh-cong-huong-tu-ngan-hang-fintech-247124.html