Thúc đẩy sự vào cuộc của các bộ, ngành trong quy hoạch không gian biển

Việc lập quy hoạch nhằm bảo đảm khai thác và sử dụng hiệu quả, bền vững các tài nguyên biển và hải đảo hài hòa giữa các lợi ích kinh tế-xã hội, bảo vệ môi trường, quốc phòng, an ninh, đối ngoại.

Ảnh chỉ có tính chất minh họa. (Nguồn: TTXVN)

Ảnh chỉ có tính chất minh họa. (Nguồn: TTXVN)

Tại hội thảo triển khai lập Quy hoạch không gian biển quốc gia và Quy hoạch tổng thể khai thác, sử dụng bền vững tài nguyên vùng bờ thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2045, diễn ra ngày 16/4, đại diện Bộ Tài nguyên và Môi trường cho biết nhiệm vụ lập các quy hoạch trên rất khó và phức tạp, do đó cần có sự vào cuộc của các cơ quan liên quan; từ đó đề xuất Ban Chỉ đạo lập quy hoạch chỉ đạo, phân công cho các thành viên có biển phối hợp thực hiện.

Thông tin thêm về nhiệm vụ của hai quy hoạch trên, Thứ trưởng Lê Minh Ngân cho biết Bộ Tài nguyên và Môi trường được Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ giao nhiệm vụ chủ trì lập 2 quy hoạch trên, với mục tiêu nhằm bảo đảm khai thác, sử dụng hiệu quả, bền vững các tài nguyên biển và hải đảo trên cơ sở kết hợp hài hòa giữa lợi ích kinh tế, xã hội, bảo vệ môi trường, quốc phòng, an ninh, đối ngoại; hợp tác quốc tế trên các vùng đất ven biển, các đảo, quần đảo, vùng biển, vùng trời thuộc chủ quyền, quyền chủ quyền và quyền tài phán quốc gia của Việt Nam.

Việc triển khai nhiệm vụ lập hai quy hoạch trên cũng hướng tới cụ thể hóa các quan điểm, mục tiêu, chủ trương lớn, khâu đột phá và các giải pháp chủ yếu được nêu tại Nghị quyết số 36-NQ/TW, góp phần thúc đẩy phát triển bền vững kinh tế biển trên nền tảng tăng trưởng xanh, bảo tồn đa dạng sinh học, các hệ sinh thái biển; bảo đảm sự hài hòa giữa bảo tồn và phát triển kinh tế-xã hội; phát huy các tiềm năng, lợi thế của biển và hải đảo, tạo động lực phát triển kinh tế đất nước.

Tuy vậy, ông Ngân cũng thẳng thắn thừa nhận nhiệm vụ lập Quy hoạch không gian biển quốc gia và Quy hoạch tổng thể khai thác, sử dụng bền vững tài nguyên vùng bờ rất khó và phức tạp, từ việc xác định phạm vi, nội dung, phương pháp thực hiện đến quá trình phối hợp với các cơ quan liên quan, trong khi đó kinh nghiệm lập quy hoạch liên quan đến biển ở nước ta còn mới và hạn chế.

Chính vì thế, ông Ngân kỳ vọng hội thảo sẽ là dịp để nghe chia sẻ kinh nghiệm quốc tế và các đề xuất cho quá trình lập quy hoạch biển của Việt Nam; cung cấp cơ sở cho việc xác định trách nhiệm, sự tham gia của các cơ quan liên quan trong quá trình lập quy hoạch, từ đó đề xuất Ban Chỉ đạo lập quy hoạch chỉ đạo, phân công cho các thành viên là đại diện lãnh đạo các ban, bộ và địa phương có biển phối hợp triển khai cũng như xác định một số định hướng ban đầu về quy hoạch phát triển của một số ngành kinh tế biển quan trọng…

Tàu thuyền cập cảng An Thới, Phú Quốc, Kiên Giang. (Ảnh: Duy Khương/TTXVN)

Góp thêm ý kiến, ông Tạ Đình Thi, Tổng cục trưởng Tổng cục Biển và Hải đảo Việt Nam cho biết Quy hoạch không gian biển quốc gia và Quy hoạch tổng thể khai thác, sử dụng bền vững tài nguyên vùng bờ thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2045 là quy hoạch đa ngành nhằm phân định, sắp xếp không gian biển hợp lý cho các ngành, lĩnh vực từ đó thiết lập phương án sử dụng không gian biển và giải quyết các mâu thuẫn trong khai thác, sử dung tài nguyên, không gian biển.

Các quy hoạch trên được lập trên cơ sở tích hợp các quy hoạch ngành quốc gia, nhưng có sự điều chỉnh, sắp xếp theo thứ tự ưu tiên trên một không gian biển nhất định; xử lý các khu vực chồng lấn giữa các quy hoạch; mâu thuẫn giữa các hoạt động khai thác, sửu dung tài nguyên biển. Vì thế sẽ có khoảng 34 quy hoạch ngành quốc gia xác định cần được xem xét, tích hợp trong hai quy hoạch này.

Đánh giá cao tầm quan trọng của việc lập các quy hoạch trên, ông Dinesh Aryal - điều phối viên chương trình quản lý môi trường và kinh tế biển của Ngân hàng Thế giới (WB) tại Việt Nam, khẳng định WB sẽ hợp tác lâu dài với Việt Nam để góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế biển bền vững.

Theo ông Dinesh Aryal, việc quản lý bền vững các khu vực ven biển và biển có vai trò quan trọng đối với Việt Nam trong phát triển kinh tế cũng như tạo việc làm. Bởi thế, nhiệm vụ quy hoạch không gian biển quốc gia có ý nghĩa lớn đối với Việt Nam để khai thác hiệu quả các nguồn tài nguyên biển tạo tăng trưởng và việc làm, duy trì được hệ sinh thái, nguồn tài nguyên đảm bảo môi trường, duy trì khả năng chống chịu trước biến đổi khí hậu.

Tại hội thảo, các nhà khoa học, các chuyên gia cũng tập trung thảo lận các chuyên đề quan trọng về du lịch và dịch vụ biển, đô thị ven biển, năng lượng tái tạo và các ngành kinh tế biển mới, nuôi trồng và khai thác hải sản, kinh tế hàng hải./.

Hùng Võ (Vietnam+)

Nguồn VietnamPlus: http://www.vietnamplus.vn/thuc-day-su-vao-cuoc-cua-cac-bo-nganh-trong-quy-hoach-khong-gian-bien/706221.vnp