Thúc đẩy quản lý và tái chế rác nhựa

Theo các nhà chuyên môn, Việt Nam cần triển khai các hoạt động liên quan trong phát triển kinh tế tuần hoàn gồm cách thức để gia tăng chuỗi giá trị của sản phẩm nhựa cũng như quản lý rác nhựa

Trung bình mỗi năm Việt Nam thải ra khoảng 1,8 triệu tấn rác thải nhựa, nằm trong số 20 quốc gia có lượng rác thải lớn nhất và cao hơn mức trung bình của thế giới, do việc quản lý và xử lý rác thải nhựa chưa triệt để.

Nỗi ám ảnh rác thải nhựa

Việc xã hội lạm dụng sử dụng sản phẩm nhựa, nhất là túi ni-lông khó phân hủy, sản phẩm nhựa dùng một lần đã và đang để lại những hậu quả nghiêm trọng đối với môi trường. Theo Bộ Tài nguyên và Môi trường (TN-MT), thực trạng ô nhiễm rác thải nhựa hiện rất nghiêm trọng, lượng chất thải nhựa hiện vẫn ở mức rất cao. Đây là một "gánh nặng" nghiêm trọng cho môi trường. Mỗi năm, tổng lượng chất thải rắn sinh hoạt là 25 triệu tấn nhưng chỉ có 30% được xử lý đốt hoặc sản xuất phân hữu cơ, hơn 70% chôn lấp trực tiếp. Trong đó, lượng chất thải nhựa và túi ni-lông chiếm khoảng 8%-12%; số lượng rác thải nhựa, túi ni-lông tăng dần theo từng năm.

GS-TS Nguyễn Hữu Dũng, Viện trưởng Viện Môi trường Đô thị và Công nghiệp Việt Nam, cho rằng nước ta đang đối mặt với nhiều nguy cơ từ rác thải nhựa. Tại Việt Nam, bình quân mỗi hộ gia đình sử dụng khoảng 1 kg túi ni-lông/tháng, riêng tại 2 thành phố lớn là Hà Nội và TP HCM trung bình mỗi ngày thải ra môi trường khoảng 80 tấn rác thải nhựa và túi ni-lông.

Theo thống kê của Hiệp hội Nhựa Việt Nam, lượng chất thải nhựa và túi ni-lông ở Việt Nam, chiếm khoảng 8%-12% chất thải rắn sinh hoạt nhưng chỉ có khoảng 11%-12% số lượng chất thải nhựa, túi ni-lông được xử lý, tái chế, số còn lại chủ yếu là chôn lấp, đốt và thải ra ngoài môi trường. Đây có thể dẫn đến thảm họa môi trường, đặc biệt ô nhiễm đại dương.

Tại Diễn đàn Kinh tế thế giới khởi động chương trình "Đối tác Hành động quốc gia về nhựa tại Việt Nam", Bộ trưởng Bộ TN-MT Trần Hồng Hà đã nhấn mạnh: Những vấn nạn về rác thải nhựa đối với môi trường hiện nay không phải lỗi của các sản phẩm nhựa mà thuộc về cách thức chúng ta sử dụng, thải bỏ các sản phẩm nhựa không đúng cách.

Vì vậy, chúng ta cần thay đổi cách ứng xử với nhựa thông qua việc quản lý một cách khoa học, tăng cường tái chế, tái sử dụng các sản phẩm nhựa để kéo dài vòng đời của nhựa, góp phần giảm thiểu việc khai thác tài nguyên thiên nhiên, giảm thiểu phát thải khí nhà kính. Chỉ như vậy, chúng ta mới phát huy được hết các tính năng của sản phẩm nhựa, góp phần bảo vệ môi trường, ứng phó với biến đổi khí hậu.

Số lượng rác thải nhựa, túi ni-lông tăng dần theo từng năm

Số lượng rác thải nhựa, túi ni-lông tăng dần theo từng năm

Kinh tế tuần hoàn - xu thế tất yếu

Hội thảo trực tuyến "Rác nhựa và kinh tế tuần hoàn" do Tổng cục Biển và Hải đảo Việt Nam (VASI), Trung tâm Nghiên cứu Đông Nam Á (CSEAS) và Viện Nghiên cứu nước Na Uy (NIVA) đồng tổ chức đầu tháng 9 vừa qua cho rằng cần thúc đẩy việc quản lý chất thải và tái chế rác nhựa tại Việt Nam.

Theo Bộ trưởng TN-MT Trần Hồng Hà, kinh tế tuần hoàn đang trở thành xu thế tất yếu nhằm đáp ứng yêu cầu phát triển bền vững trong bối cảnh tài nguyên ngày càng suy thoái, cạn kiệt, môi trường bị ô nhiễm, biến đổi khí hậu diễn biến khốc liệt. "Kinh tế tuần hoàn không chỉ là tái sử dụng chất thải, coi chất thải là tài nguyên mà còn là sự kết nối giữa các hoạt động kinh tế một cách có tính toán từ trước, tạo thành các vòng tuần hoàn trong nền kinh tế" - Bộ trưởng Trần Hồng Hà nói.

Theo Bộ trưởng Trần Hồng Hà, một số cơ chế, chính sách thúc đẩy kinh tế tuần hoàn đã được thể chế hóa trong Luật Bảo vệ Môi trường năm 2020, như: phân loại chất thải tại nguồn, thu phí chất thải dựa trên khối lượng; tái chế, tái sử dụng chất thải; trách nhiệm mở rộng của nhà sản xuất; các công cụ, chính sách kinh tế như thuế tài nguyên, phí bảo vệ môi trường; phát triển công nghiệp môi trường, dịch vụ môi trường...

Để thúc đẩy phát triển kinh tế tuần hoàn ở Việt Nam, Bộ trưởng TN-MT cho rằng cần thực hiện đồng bộ các giải pháp từ nâng cao nhận thức đến hoàn thiện thể chế và tổ chức thực hiện. Trong đó, nhà nước cần thực hiện tốt vai trò kiến tạo để doanh nghiệp, người dân phát huy vai trò trung tâm trong xây dựng, phát triển kinh tế tuần hoàn ở Việt Nam.

Trong một nghiên cứu vừa được Tổ chức Quốc tế về bảo tồn thiên nhiên (WWF) tại Việt Nam công bố, kết quả khảo sát chỉ ra rằng các hộ gia đình có nhận thức về các vấn đề ô nhiễm nhựa tốt hơn nhóm doanh nghiệp và các công nhân thu gom rác thải. Công nhân thu gom rác còn có bày tỏ lo ngại về tác động của rác thải nhựa, trong khi doanh nghiệp dường như ít quan tâm đến thực trạng và tác động của ô nhiễm nhựa lên môi trường và sức khỏe. Sự khác nhau trong nhận thức sẽ gây khó khăn cho việc khuyến khích cộng đồng chung tay và có trách nhiệm với các vấn đề rác thải nhựa.

Theo các nhà chuyên môn, Việt Nam cần cụ thể hóa và triển khai các hoạt động liên quan trong phát triển kinh tế tuần hoàn gồm cách thức để gia tăng chuỗi giá trị của các sản phẩm nhựa, cũng như quản lý rác nhựa.

Sẽ giảm 75% rác thải nhựa đại dương

Theo đánh giá của Viện Nghiên cứu Biển và Hải đảo, rác thải nhựa chiếm khoảng từ 50% đến 80% lượng rác thải biển. Hiện Việt Nam là một trong những nước có lượng chất thải xả ra biển nhiều thứ 4 trên thế giới, với khối lượng khoảng từ 0,28 đến 0,73 triệu tấn/năm (tương đương khoảng 6% tổng chất thải nhựa được thải ra biển của thế giới).

Các chuyên gia nhận định nguồn gây ô nhiễm chính liên quan đến chất thải nhựa trên biển ở Việt Nam bao gồm nguồn thải trên đất liền và các nguồn thải trên biển, trong đó có hoạt động du lịch biển.

Theo Kế hoạch hành động quốc gia về quản lý rác thải nhựa đại dương, đến năm 2030, Việt Nam sẽ giảm 75% rác thải nhựa đại dương; 100% số ngư cụ khai thác thủy sản bị mất hoặc bị vứt bỏ được thu gom; 100% các khu, điểm du lịch, cơ sở kinh doanh dịch vụ lưu trú du lịch và dịch vụ du lịch khác ven biển không sử dụng sản phẩm nhựa dùng một lần và túi ni-lông khó phân hủy; 100% các khu bảo tồn không còn rác thải nhựa.

Thứ trưởng Bộ TN-MT Lê Minh Ngân cho biết để thực hiện kế hoạch này, ngoài một số giải pháp cơ bản, bộ này đề xuất, phối hợp các địa phương ven biển xây dựng và thực hiện thí điểm mô hình phân loại chất thải, rác thải nhựa tại nguồn ở một số khu kinh tế, khu đô thị, khu công nghiệp và khu chế xuất ven biển...

Bài và ảnh: Văn Duẩn

Nguồn NLĐ: http://nld.com.vn/thoi-su/thuc-day-quan-ly-va-tai-che-rac-nhua-20210929200105442.htm