Thúc đẩy quan hệ

Tổng thống Pháp E.Macron có chuyến thăm chính thức đầu tiên tới Ai Cập kể từ khi nhậm chức năm 2017. Chuyến công du đất nước Kim tự tháp được 'chủ nhân Điện Elysee' thực hiện ngay trong tháng đầu năm 2019, thể hiện chính sách ưu tiên của Pháp thúc đẩy quan hệ với quốc gia Bắc Phi này.

Chuyến thăm Ai Cập được Tổng thống Pháp E.Macron chờ đợi từ lâu, sau chuyến thăm Pháp của người đồng cấp Ai Cập A.Sisi hồi tháng 10-2017. Chuyến thăm Ai Cập của Tổng thống Pháp lần này diễn ra trong bối cảnh hai nước tổ chức năm văn hóa Pháp - Ai Cập 2019, cũng là năm đặc biệt trong lịch sử quan hệ hai nước, đánh dấu 150 năm mở cửa kênh đào Suez, một trong những thành tựu to lớn trong tiến trình quan hệ giữa hai nước.

Tại Cairo, Tổng thống nước chủ nhà A.Sisi và người đồng cấp Pháp E.Macron đã có cuộc hội đàm tại Dinh Tổng thống Ai Cập và chứng kiến lễ ký hàng loạt thỏa thuận hợp tác song phương nhằm phát triển giáo dục, an sinh xã hội, y tế, giao thông, đối ngoại, thương mại, văn hóa và các vấn đề thanh niên tại Ai Cập. Hai nhà lãnh đạo cũng tổ chức một cuộc họp báo chung sau lễ ký thỏa thuận hợp tác và chia sẻ về một số vấn đề khu vực và quốc tế cùng quan tâm.

Đáng chú ý, hai nhà lãnh đạo đã chứng kiến đại diện hai nước ký ba biên bản ghi nhớ (MoU) giữa Bộ Đầu tư và Hợp tác quốc tế Ai Cập và Cơ quan phát triển Pháp, trong đó có hợp tác chiến lược trong phát triển kinh tế - xã hội từ năm 2019 đến 2023, dựa trên kế hoạch phát triển bền vững Ai Cập năm 2030. Việc ký các văn kiện hợp tác còn nhằm thúc đẩy thỏa thuận tín dụng thông qua khoản vay trị giá sáu triệu euro của Pháp nhằm hỗ trợ lĩnh vực an sinh xã hội tại Ai Cập và thỏa thuận tín dụng hỗ trợ các doanh nghiệp vừa và nhỏ của các nữ doanh nhân với quy mô gói vay trị giá 50 triệu euro. Pháp và Ai Cập cũng ký thỏa thuận cấp vốn cho giai đoạn thứ tư của dự án xây dựng tuyến tàu điện ngầm Cairo - Heliopolis thông qua gói cho vay trị giá 336 triệu euro.

Tổng thống Ai Cập A.Sisi từng bày tỏ mong muốn tiếp tục hợp tác với Pháp và thúc đẩy quan hệ giữa hai nước trong mọi lĩnh vực, đồng thời nhấn mạnh tầm quan trọng của việc phối hợp và tham vấn về các vấn đề khu vực và quốc tế mà hai bên cùng quan tâm, đặc biệt là các cuộc khủng hoảng hiện nay ở Trung Đông. Hai bên đã thảo luận về việc tăng cường hợp tác ở mức tối đa trong những lĩnh vực như y tế, năng lượng tái tạo, vận tải và logistics, cũng như tiềm năng hợp tác giữa Pháp và châu Phi trong thời gian Ai Cập giữ chức Chủ tịch luân phiên của Liên minh châu Phi (AU) năm 2019.

Là một trong những nước có vai trò và vị trí quan trọng ở khu vực Bắc Phi, Ai Cập được coi là đối tác quan trọng của Pháp trong nhiều vấn đề. Duy trì mối quan hệ hợp tác tốt với Ai Cập, Pháp vừa có thể gây ảnh hưởng đối với các vấn đề trong khu vực thông qua vai trò của Cairo trong việc tìm kiếm các giải pháp cho các cuộc khủng hoảng ở Trung Đông. Ai Cập đang tăng cường cuộc chiến chống tổ chức tự xưng Nhà nước Hồi giáo (IS) cũng như phát triển các dự án nhằm phục hồi nền kinh tế từng có giai đoạn khủng hoảng, Pháp có thể tìm kiếm những cơ hội hợp tác trong lĩnh vực kinh tế và quân sự với Cairo. Những thỏa thuận bán máy bay chiến đấu cho Cairo cũng đã được Paris tính tới. Về hợp tác quân sự, hai nước đã tổ chức các cuộc tập trận chung ở Địa Trung Hải. Gần đây, các lực lượng hải quân Ai Cập và Pháp đã tiến hành cuộc tập trận chung tại một căn cứ hải quân của Ai Cập ở Biển Đỏ. Mục đích của các cuộc tập trận là tăng cường hiệu quả chiến đấu của các lực lượng hải quân hai nước nhằm đạt được khả năng sẵn sàng chiến đấu ở mức cao nhất để có thể thực hiện bất kỳ nhiệm vụ chung nào, đồng thời chứng tỏ mối quan hệ khăng khít giữa hai nước trong lĩnh vực quốc phòng.

Kể từ sau cuộc chính biến tại Ai Cập năm 2011 dẫn tới sự ra đi của Tổng thống khi đó là H.Mubarak, quốc gia đông dân nhất các nước A-rập ở Trung Đông đã chứng kiến sự sụt giảm mạnh về doanh thu du lịch và đầu tư nước ngoài do bất ổn chính trị và vấn đề an ninh. Ai Cập những năm gần đây lấy lại đà phục hồi thông qua hàng loạt chính sách cải cách và phát triển các dự án lớn. Quốc gia Bắc Phi này cũng đang tuyên chiến với khủng bố với quyết tâm “diệt tận gốc” các tay súng nổi dậy ở bán đảo Sinai.

Trong bối cảnh đó, Ai Cập đang mở rộng cánh cửa hợp tác với các nước, nhất là các cường quốc. Bên cạnh Mỹ, một nhà cung cấp vũ khí lớn cho Ai Cập, Pháp cũng đang muốn thúc đẩy hợp tác với xứ sở Kim tự tháp, qua đó tăng cường ảnh hưởng ở khu vực Trung Đông - Bắc Phi.

THÁI AN

Nguồn Nhân Dân: http://nhandan.com.vn/thegioi/binh-luan-quoc-te/item/39069902-thuc-day-quan-he.html