Thúc đẩy quá trình giảm nghèo nhanh và bền vững gắn với xây dựng nông thôn mới

Nghị quyết Đại hội đại biểu Đảng bộ TP Sầm Sơn lần thứ XVII, nhiệm kỳ 2020-2025, xác định: Tập trung nâng cao đời sống vật chất, tinh thần cho Nhân dân; phấn đấu xây dựng Sầm Sơn đến năm 2025 trở thành đô thị du lịch thông minh, hấp dẫn, thân thiện và đạt tiêu chí đô thị loại II. Để góp phần hiện thực hóa mục tiêu trên, TP Sầm Sơn đã và đang tập trung nguồn lực cho công tác giảm nghèo, gắn với xây dựng nông thôn mới.

Nhà văn hóa được đầu tư xây dựng khang trang đã góp phần nâng cao đời sống văn hóa - tinh thần cho người dân xã Quảng Hùng.

Những giải pháp phù hợp

Những năm qua, cấp ủy và chính quyền thành phố xác định công tác giảm nghèo bền vững là một trong những nhiệm vụ chính trị quan trọng. Chương trình giảm nghèo nhanh và bền vững được thực hiện đồng bộ và phù hợp với điều kiện kinh tế - xã hội của thành phố, đã phát huy hiệu quả, có tác động hỗ trợ mạnh mẽ, giúp nhiều hộ nghèo thoát nghèo nhanh chóng. Trong đó, thành phố đã và đang tập trung lãnh đạo và dành nguồn lực cho công tác giảm nghèo, gắn với quá trình xây dựng nông thôn mới ở 3 xã là Quảng Hùng, Quảng Minh và Quảng Đại. Bởi đây là những địa phương có tốc độ tăng trưởng kinh tế chậm; chuyển dịch cơ cấu sản xuất chưa theo kịp với yêu cầu thực tiễn; ngành nghề trong nông thôn, sản phẩm nông nghiệp hàng hóa giá trị kinh tế cao còn hạn chế... Thực trạng ấy dẫn đến đời sống vật chất, tinh thần của một bộ phận người dân nông thôn còn thấp; việc thực hiện chính sách an sinh xã hội còn nhiều bất cập, thiếu việc làm, thu nhập thấp, tỷ lệ hộ nghèo vẫn còn ở mức cao.

Để làm cơ sở cho việc thực hiện các mục tiêu giảm nghèo, hàng năm, TP Sầm Sơn đã ban hành các kế hoạch giảm nghèo bền vững. Kế hoạch giảm nghèo gắn với các giải pháp phù hợp cho từng đối tượng nghèo để tổ chức thực hiện. Công tác kiểm tra đánh giá việc thực hiện các chính sách, chương trình giảm nghèo cần được tổ chức thường xuyên. Chú trọng đa dạng các hình thức truyền thông về giảm nghèo; phát hiện, tuyên truyền, phổ biến các mô hình điển hình giảm nghèo có hiệu quả để nhân rộng. Đồng thời, làm tốt công tác điều tra cơ bản, nắm chắc đối tượng, cập nhật thông tin thường xuyên về hộ nghèo và tình hình thực hiện các dự án, chính sách để có đủ căn cứ phục vụ công tác lãnh đạo, chỉ đạo của cấp ủy, chính quyền các cấp.

Để giảm nghèo bền vững khu vực nông thôn, thành phố xác định phải gắn chặt với quá trình xây dựng nông thôn mới. Bởi xây dựng nông thôn mới là chủ trương lớn, đúng đắn, hợp lòng dân nên ngay khi bắt tay triển khai đã được Nhân dân đồng tình hưởng ứng và tích cực tham gia. Đồng thời, nhằm tạo tiền đề cho việc giảm nghèo nhanh, HĐND thành phố đã ban hành 5 nghị quyết khuyến khích phát triển sản xuất, hỗ trợ các chương trình mục tiêu kinh tế - xã hội và xây dựng nông thôn mới, như Nghị quyết về khuyến khích phát triển ngành nông nghiệp; Nghị quyết khuyến khích phát triển ngành tiểu thủ công nghiệp; Nghị quyết hỗ trợ kinh phí xây dựng đường bê tông liên thôn, xóm; Kế hoạch phát triển thương hiệu gắn với Chương trình Mỗi xã một sản phẩm trên địa bàn TP Sầm Sơn, giai đoạn 2021-2025... Điển hình trong đó phải kể đến Nghị quyết số 26/NQ-HĐND về ban hành cơ chế, chính sách khuyến khích phát triển ngành nông nghiệp; Nghị quyết số 05/NQ-HĐND về sửa đổi, bổ sung một số điều Nghị quyết số 26/NQ-HĐND, với tổng kinh phí thực hiện cả 2 nghị quyết là gần 2,67 tỷ đồng. Trong đó, hỗ trợ giá giống lúa 829,24 triệu đồng; hỗ trợ kinh phí bảo vệ thực vật 494,085 triệu đồng; hỗ trợ sửa chữa, nâng cấp kênh mương 1 tỷ đồng; hỗ trợ nâng cấp, sửa chữa giao thông nội đồng 230 triệu đồng; hỗ trợ kinh phí mua máy cấy, máy gặt 116,52 triệu đồng.

Nhiều kết quả khả quan

Các cơ chế hỗ trợ đã góp phần khuyến khích, kích cầu cho các xã tích cực đẩy mạnh sản xuất, nâng cao đời sống Nhân dân. Đến nay, trên địa bàn 3 xã đã hình thành một số vùng sản xuất tập trung, như: vùng lúa hơn 150 ha tại xã Quảng Minh, Quảng Hùng; vùng sản xuất rau màu tập trung hơn 50 ha tại 3 xã. Giá trị sản xuất ngành trồng trọt không ngừng tăng qua các năm, giá trị sản phẩm trên một ha đất trồng trọt và nuôi trồng thủy sản đạt từ 61 triệu đồng năm 2010 lên 150 triệu đồng năm 2021. Đồng thời, tập trung chuyển đổi hơn 155 ha đất canh tác lúa kém hiệu quả, sang cây trồng khác. Trong đó chuyển đổi sang mô hình lúa – cá tại các xã Quảng Hùng, Quảng Minh với tổng diện tích sản xuất 124 ha; chuyển sang trồng ngô, màu, trồng hoa tại các xã với diện tích 31 ha. Ngoài ra, các xã tập trung phát triển các loại cây rau màu, cây công nghiệp có giá trị kinh tế cao như dưa hấu, cây na, cây thanh long ruột đỏ, bưởi và các loại rau ăn lá phục vụ các nhà hàng, khách sạn. Đặc biệt, việc đưa cơ giới hóa vào sản xuất được tập trung chỉ đạo mạnh mẽ, đồng bộ. Thành phố đã có chính sách hỗ trợ cho nông dân, HTX tổ chức mua sắm máy móc, thiết bị để thực hiện cơ giới hóa đồng bộ trong sản xuất lúa. Đến nay, khâu làm đất đã cơ giới hóa 90% diện tích, thu hoạch lúa bằng máy gặt đập liên hợp trên 80% diện tích...

Cùng với tập trung phát triển sản xuất làm nền tảng cho công cuộc giảm nghèo và xây dựng nông thôn mới, công tác đào tạo nghề gắn với giải quyết việc làm, tăng thu nhập cho người lao động cũng được thành phố đặc biệt quan tâm. Từ năm 2010 đến năm 2019, thành phố tổ chức đào tạo nghề nông nghiệp lao động nông thôn cho 439 học viên, kinh phí 805 triệu đồng. Đồng thời, triển khai thực hiện các dự án hỗ trợ phát triển sản xuất, đa dạng hóa sinh kế cho các đối tượng hộ nghèo, cận nghèo tham gia. Cũng từ năm 2016 đến nay, thành phố đã thực hiện được 11 dự án hỗ trợ phát triển sản xuất, đa dạng hóa sinh kế và dự án nhân rộng mô hình giảm nghèo với tổng kinh phí 3,3 tỷ đồng. Đồng thời, huy động các nguồn lực xây dựng quỹ “Vì người nghèo” được trên 10 tỷ đồng, hỗ trợ xây mới 242 nhà, sửa chữa 51 nhà Đại đoàn kết...

Xác định công tác giải quyết việc làm là một trong những nhiệm vụ trọng tâm trong chiến lược phát triển kinh tế - xã hội, những năm qua thành phố đã thực hiện nhiều giải pháp để giải quyết việc làm cho người lao động. Cụ thể như tăng cường công tác tuyên truyền về giáo dục nghề nghiệp; đẩy mạnh công tác hướng nghiệp phân luồng học sinh trong giáo dục phổ thông; liên kết giữa các cơ sở dạy nghề với các doanh nghiệp để đào tạo nghề gắn với giải quyết việc làm tại chỗ và xuất khẩu lao động, đặc biệt là đối với lao động nông thôn. Kết quả, tính đến cuối năm 2021 (thống kê theo kết quả hoàn thành xây dựng nông thôn mới của thành phố), 3 xã nông thôn kể trên đã có 246 người đi lao động ở nước ngoài. Công tác giải quyết việc làm cũng đã đạt được những kết quả tích cực tại các xã; trong đó tỷ lệ lao động có việc làm của thành phố là 97%, tăng 1,5% so với năm 2010; riêng, tỷ lệ lao động có việc làm khu vực nông thôn của 3 xã nông thôn là 94,5%, tăng 4,5% so với năm 2010. Tỷ lệ lao động có việc làm qua đào tạo của thành phố là 75%, tăng 35% so với năm 2010; riêng tỷ lệ lao động có việc làm qua đào tạo của các xã khu vực nông thôn là 66,37%, tăng 36,8% so với năm 2010.

Với sự quyết tâm và bằng nhiều giải pháp hiệu quả kể trên, công tác giảm nghèo của TP Sầm Sơn đã đạt được nhiều kết quả tích cực. Trong đó, thu nhập của người dân nông thôn ngày càng được nâng cao. Cụ thể: năm 2021 đạt 53,36 triệu đồng/người/năm, tăng 32,36 triệu đồng so với năm 2010; trong đó, thu nhập bình quân của 3 xã Quảng Hùng, Quảng Đại và Quảng Minh là 50,9 triệu đồng/năm, tăng 36,4 triệu đồng so với năm 2010. Từ đó, khoảng cách chênh lệch thu nhập giữa khu vực nông thôn và thành thị của thành phố từng bước được thu hẹp. Đến nay, tỷ lệ hộ nghèo bình quân toàn thành phố là 1,25% (tỷ lệ hộ nghèo sau khi trừ các hộ bảo trợ xã hội còn 0,45%), giảm 12,65% so với năm 2010; trong đó, tỷ lệ hộ nghèo 3 xã khu vực nông thôn là 2,08% (tỷ lệ hộ nghèo đã trừ các hộ bảo trợ xã hội còn 0,42%), giảm 23,32% so với năm 2010.

Đặc biệt, cùng với đời sống vật chất được cải thiện, đời sống tinh thần của người dân cũng có bước chuyển biến tích cực. Đến nay, cả 3/3 xã đều đạt danh hiệu “Xã đạt chuẩn văn hóa nông thôn mới”; 16/16 thôn trên địa bàn 3 xã đều được công nhận danh hiệu “Thôn văn hóa”. Các hoạt động văn hóa có nhiều đổi mới, đa dạng về hình thức, chất lượng không ngừng được nâng cao; 100% các thôn đã tiến hành điều chỉnh hương ước, quy ước, bổ sung các thiết chế văn hóa tại nhà văn hóa các thôn. Cảnh quan, môi trường được xây dựng theo hướng sáng - xanh - sạch - đẹp - an toàn. Đặc biệt, đảng bộ và chính quyền 3 xã từ năm 2016 đến nay được cấp có thẩm quyền đánh giá “trong sạch vững mạnh” và hoàn thành tốt nhiệm vụ trở lên; các tổ chức chính trị - xã hội hoạt động hiệu lực, hiệu quả. Đây được xem là cơ sở, là nền tảng để khơi dậy tinh thần đoàn kết và phát huy sức mạnh tổng hợp để giảm nghèo bền vững, gắn với xây dựng nông thôn mới trên địa bàn 3 xã khu vực nông thôn ở TP Sầm Sơn.

Xác định, giảm nghèo bền vững vừa là mục tiêu, vừa là giải pháp để xây dựng nông thôn mới và hướng đến mục tiêu cao hơn là xây dựng 3 phường Quảng Hùng, Quảng Đại, Quảng Minh, thời gian tới TP Sầm Sơn tập trung lồng ghép các nguồn vốn từ các đề án, dự án, chính sách khác để nâng cao các tiêu chí nông thôn mới làm cơ sở cho việc giảm nghèo. Đồng thời, tăng cường huy động các nguồn lực, nhất là vận động các doanh nghiệp, các nhà hảo tâm, cộng đồng hỗ trợ các hộ nghèo, đặc biệt là hộ nghèo thuộc diện bảo trợ xã hội, hộ nghèo là phụ nữ... để làm điểm tựa cho các đối tượng vươn lên. Đặc biệt, xác định người nghèo là chủ thể để tập trung hỗ trợ và tuyên truyền, vận động, nâng cao nhận thức cho hộ nghèo để họ vươn lên chủ động thoát nghèo.

Trần Hằng

Nguồn Thanh Hóa: http://baothanhhoa.vn/nong-thon-moi/thuc-day-qua-trinh-giam-ngheo-nhanh-va-ben-vung-gan-voi-xay-dung-nong-thon-moi/169175.htm