Thúc đẩy phong trào thi đua yêu nước: Không thể coi nhẹ nguồn lực vật chất

Những năm qua, xác định thực hiện tốt phong trào thi đua yêu nước là một động lực quan trọng trong thúc đẩy hoạt động sản xuất kinh doanh của cơ quan, đơn vị, các cấp CĐ ngành Công Thương Việt Nam (CTVN) luôn chủ động phối hợp với chuyên môn đồng cấp, lãnh đạo DN đẩy mạnh việc thực hiện hiệu quả các phong trào thi đua yêu nước do các cấp, các ngành phát động. Để duy trì và thúc đẩy phong trào thi đua phát triển, ngoài các điều kiện, nguồn lực về con người, không gian và thời gian, không thể coi nhẹ nguồn lực vật chất.

Chủ tịch CĐ Công Thương Việt Nam Trần Quang Huy (thứ 3 từ trái sang) trao quà cho CNLĐ nhận Giải thưởng Nguyễn Đức Cảnh năm 2018. Ảnh: CĐCT

Nhiều hình thức khuyến khích vật chất độc đáo

Trao đổi với PV Báo Lao Động, Chủ tịch CĐ CTVN Trần Quang Huy cho biết, việc tạo nguồn lực vật chất để động viên và thúc đẩy các phong trào thi đua yêu nước góp phần xây dựng DN phát triển bền vững là một trong những yêu cầu quan trọng trong giai đoạn hiện nay. Những năm qua, các cấp CĐ ngành CTVN luôn phối hợp với chuyên môn đưa ra các giải pháp nhằm nâng cao hiệu quả sản xuất kinh doanh. Trong đó “Lao động giỏi”, “Lao động sáng tạo” là phong trào mũi nhọn, có tính điển hình nhất về phát huy nội lực, có sức hút mạnh mẽ và lan tỏa rộng khắp tới 100% số đoàn viên CĐ và người lao động (NLĐ) toàn ngành.

Một số đơn vị thực hiện tốt như CĐ Công nghiệp Hóa chất Việt Nam, CĐ TCty Cổ phần Bia Rượu Nước giải khát Sài Gòn, CĐ TCty Thép Việt Nam - CTCP. Trong đó hằng năm, TGĐ Tập đoàn và Chủ tịch CĐ Công nghiệp Hóa chất VN đều có văn bản liên tịch về hướng dẫn các đơn vị tổ chức các phong trào thi đua và đã nhận được sự hưởng ứng của đông đảo CNVCLĐ. Kết quả, tại Tập đoàn Hóa chất VN mỗi năm có có gần 2.300 ý tưởng được đề xuất, trong đó nhiều ý tưởng đã trở thành sáng kiến áp dụng trong sản xuất. Đã có 1.468 sáng kiến được áp dụng vào thực tiễn với số tiền làm lợi trên 218,45 tỉ đồng.

Tại Cty Supe phốt phát và hóa chất Lâm Thao (CĐ Công nghiệp Hóa chất VN) có hình thức khuyến khích vật chất độc đáo như mỗi CNLĐ có sáng kiến mới trong lao động sản xuất được đưa vào áp dụng làm lợi cho DN và được cấp Cty công nhận thì được biểu dương, tặng tiền; được tặng 1 Bằng Lao động sáng tạo của Tổng LĐLĐVN thì được đi du lịch Châu Á, được tặng 2 Bằng Lao động sáng tạo thì được đi du lịch Châu Âu. Đây là những phần thưởng không những động viên về vật chất mà còn về tinh thần cho NLĐ để họ say mê nghiên cứu, có nhiều sáng tạo trong lao động sản xuất, góp phần phát triển DN ổn định.

Bên cạnh xu thế các đơn vị trong ngành đã thưởng cho CNLĐ hằng năm bằng chuyến du lịch nước ngoài với số tiền hàng chục triệu đồng/người như Cty Cổ phần Đầu tư Thương mại SMC, Cty Cổ phần Nhựa Thiếu niên Tiền phong, Cty Cổ phần Tập đoàn Intimex hay Cty TNHH MTV Thuốc lá Thăng Long, còn rất nhiều đơn vị khuyến khích, khen thưởng cho đoàn viên CĐ và NLĐ bằng những phần thưởng không thể quy được giá trị bằng tiền như xem xét, đề xuất được đi học nâng cao trình độ chính trị, trình độ chuyên môn, được giới thiệu các lớp tìm hiểu về Đảng, giới thiệu cho Đảng xem xét, kết nạp được đứng trong hàng ngũ của Đảng, được quy hoạch, xem xét đề bạt cán bộ.

Tổ chức phong trào thi đua phải đa dạng

Theo kinh nghiệm của các cấp CĐ CTVN, việc tạo các nguồn lực vật chất để động viên và thúc đẩy các phong trào thi đua yêu nước không phải chỉ ở tổ chức CĐ, chuyên môn, từ các tổ chức chính trị xã hội, từ các tập thể, cá nhân trong nước và ngoài nước mà còn ở chính thành quả của NLĐ tạo ra trong quá trình thi đua lao động sản xuất, trong quá trình nghiên cứu, thực hiện phong trào tiết kiệm, phong trào lao động sáng tạo và hơn ai hết chính NLĐ qua các phong trào thi đua đã góp phần xây dựng DN phát triển bền vững.

Và hiện nay phong trào thi đua vẫn còn một số hạn chế như nhiều nơi khí thế của phong trào thi đua chưa cao, tính hiệu quả thấp, tác dụng giáo dục chưa thật sự sâu rộng, chưa đáp ứng được yêu cầu, nhiệm vụ do đơn vị, DN đặt ra. Trong quá trình tổ chức thực hiện phong trào thi đua thiếu sự kiểm tra, giám sát của các cấp, từ đó dẫn tới tình trạng phát động là do cấp trên còn thực hiện như thế nào là do cấp dưới. Việc xây dựng, bồi dưỡng nhân rộng điển hình tiên tiến cũng chưa được quan tâm đúng mức. Và đặc biệt chưa phát huy, chưa huy động hết các khả năng vật chất phục vụ cho công tác thi đua khen thưởng.

Từ thực tiễn tổ chức chỉ đạo phong trào lao động sáng tạo trong CNVCLĐ, Chủ tịch CĐ CTVN Trần Quang Huy cho rằng, muốn phát động phong trào thi đua đạt hiệu quả cao cần có nhận thức đúng đắn đầy đủ, thống nhất của các cấp ủy Đảng, lãnh đạo chuyên môn, của tổ chức CĐ và của CNVCLĐ về vị trí, vai trò, tầm quan trọng của công tác thi đua khen thưởng trong giai đoạn mới.

“Tổ chức phong trào thi đua phải đa dạng, phong phú về hình thức, nội dung phải cụ thể. Phải tăng cường công tác kiểm tra, đôn đốc nuôi dưỡng phong trào, có tổng kết rút kinh nghiệm, biểu dương khen thưởng kịp thời và chú trọng xây dựng, nhân rộng các mô hình mới. Tổ chức phong trào thi đua cần phù hợp và mang lại lợi ích thiết thực cho xã hội, cho tập thể và cá nhân tham gia thi đua. Phải huy động mọi nguồn lực vật chất, động viên và thúc đẩy các phong trào thi đua yêu nước góp phần xây dựng, cơ quan, DN phát triển bền vững” - ông Trần Quang Huy nhấn mạnh.

VIỆT LÂM - THU TRÀ

Nguồn Lao Động: https://laodong.vn/cong-doan/thuc-day-phong-trao-thi-dua-yeu-nuoc-khong-the-coi-nhe-nguon-luc-vat-chat-636223.ldo