Thúc đẩy phong trào sáng tạo khoa học - công nghệ

Những năm qua, phong trào tham gia Giải thưởng Sáng tạo khoa học và công nghệ Việt Nam (VIFOTEC) đã được triển khai sâu rộng trong các cấp, ngành, trường đại học, doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh. Các công trình của tỉnh tham gia VIFOTEC đều thể hiện tính sáng tạo, tính hiệu quả và khả năng áp dụng thực tiễn cao.

Tác giả Nguyễn Văn Tuấn và hệ thống “Xử lý nguồn hồi kẽm từ nước rửa bã sắt Nhà máy Kẽm điện phân Thái Nguyên”.

Tác giả Nguyễn Văn Tuấn và hệ thống “Xử lý nguồn hồi kẽm từ nước rửa bã sắt Nhà máy Kẽm điện phân Thái Nguyên”.

Giải thưởng VIFOTEC được tổ chức nhằm khuyến khích các nhà khoa học đi sâu nghiên cứu, áp dụng các thành tựu khoa học - công nghệ (KH&CN) hiện đại thích hợp với hoàn cảnh Việt Nam vào sản xuất và đời sống. UBND tỉnh đã giao Liên hiệp các Hội Khoa học kỹ thuật (Liên hiệp hội) - là cơ quan chủ trì phối hợp với các cơ quan liên quan triển khai các hoạt động liên quan đến Giải thưởng này. Từ năm 2015 đến nay, Giải thưởng đã được phát động và tổ chức thực hiện trên địa bàn toàn tỉnh. Hàng năm, Liên hiệp hội đã tổ chức tuyên truyền Thể lệ Giải thưởng đến các sở, ban, ngành, đoàn thể, các trường đại học, các hội thành viên, UBND các huyện, thành, thị, các doanh nghiệp, tổ chức nghiên cứu khoa học…trên địa bàn tỉnh bằng nhiều hình thức: Phát hành tờ rơi hướng dẫn tham gia Giải thưởng; đăng tải Thể lệ Giải thưởng trên Website và trên ấn phẩm “Thông tin khoa học và công nghệ” của Liên hiệp hội; phối hợp với Báo Thái Nguyên, Đài Phát thanh - Truyền hình tỉnh tuyên truyền về những gương điển hình trong hoạt động sáng tạo kỹ thuật… Sau khi nhận hồ sơ tham dự, Liên hiệp Hội tổ chức đánh giá và lựa chọn những hồ sơ đáp ứng đủ tiêu chuẩn để gửi đến Ban tổ chức Giải thưởng toàn quốc.

Qua 4 năm triển khai thực hiện, tuy số lượng hồ sơ tham dự Giải thưởng của tỉnh còn khiêm tốn (năm 2015 có 3 hồ sơ tham dự, năm 2019 có 10 hồ sơ tham dự), nhưng đã đạt được kết quả đáng ghi nhận. Các đề tài chủ yếu tập trung vào các lĩnh vực sinh học phục vụ sản xuất và đời sống; công nghệ thông tin, điện tử, viễn thông; cơ khí và tự động hóa; công nghệ vật liệu; công nghệ nhằm bảo vệ môi trường và sử dụng hợp lý tài nguyên; công nghệ nhằm tiết kiệm năng lượng...

Đơn cử như giải pháp “Xử lý nguồn hồi kẽm từ nước rửa bã sắt Nhà máy kẽm điện phân Thái Nguyên” của nhóm tác giả Nguyễn Văn Tuấn và các cộng sự (Công ty Kim loại màu Thái Nguyên). Theo tính toán, việc áp dụng giải pháp không những giúp Nhà máy Kẽm điện phân Thái Nguyên tiết kiệm được gần 10 tỷ đồng mỗi năm từ việc thu hồi hàng trăm tấm kẽm thải mà còn có hiệu quả lớn trong xử lý tác động chất thải lên môi trường. Đây là giải pháp rất hữu ích, nếu áp dụng sẽ góp phần nâng cao năng suất, chất lượng và hiệu quả sản xuất, kinh doanh tại các đơn vị.

Hay như đề tài “Nghiên cứu chế tạo phân bón nhả chậm thông minh, thân thiện môi trường ứng dụng trong sản xuất nông nghiệp” của TS Trần Quốc Toàn và các cộng sự (Trường Đại học Sư phạm - Đại học Thái Nguyên). Đây là một trong số những đề tài được Ban Tổ chức đánh giá cao vì có tính ứng dụng vào thực tiễn. TS Trần Quốc Toàn cho biết: Qua khảo sát thị trường cho thấy, phân nhả chậm ở Việt Nam hiện nay chủ yếu là phân nhập khẩu có giá thành cao, gây chi phí lớn trong sản xuất. Với mong muốn tạo ra sản phẩm phân bón giúp ích cho nông dân mà lại tiết kiệm tối đa chi phí chúng tôi đã nghiên cứu ra phân bón nhả chậm thông minh. Sản phẩm này sẽ khai thác triệt để nguồn nguyên liệu rẻ tiền, sẵn có trong nước (bentonit, tinh bột sắn) để hạ giá thành sản phẩm nên có giá thành thấp (chỉ bằng từ 1/5 sản phẩm nhập khẩu) nhưng vẫn cho chất lượng tốt. Qua ứng dụng thử nghiệm sản phẩm trên một số cây trồng như bí xanh, cây chè… đã cho thấy hiệu quả rất tốt. Hai đề tài trên đã được Ban tổ chức Giải thưởng VIFOTEC năm 2019 trao giải Ba.

TS Nguyễn Văn Vỵ, Chủ tịch Liên Hiệp các hội Khoa học kỹ thuật tỉnh khẳng định: Giải thưởng VIFOTEC đã trở thành một sân chơi trí tuệ, bổ ích, thu hút mọi thành phần tham gia. Từ đó, xuất hiện nhiều sáng kiến, giải pháp cải tiến kỹ thuật được ứng dụng vào thực tiễn sản xuất và đời sống, góp phần nâng cao năng suất, chất lượng sản phẩm, đồng thời thúc đẩy phong trào thi đua lao động sáng tạo. Có thể thấy, các công trình, đề tài nghiên cứu đều thể hiện được tính mới, tính sáng tạo, tính hiệu quả và khả năng áp dụng thực tiễn, đại diện cho hoạt động sáng tạo KH&CN trên địa bàn tỉnh.

Để tiếp tục nâng cao chất lượng, vị thế của Giải thưởng trên địa bàn tỉnh, chúng tôi sẽ tham mưu các cấp, ngành chức năng có chính sách bảo hộ quyền sở hữu trí tuệ để bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của các nhà khoa học; tiếp tục hỗ trợ, làm cầu nối giữa nhà khoa học với doanh nghiệp để đưa sản phẩm khoa học vào cuộc sống; có chính sách giúp các đề tài nghiên cứu khoa học sớm được đưa vào ứng dụng, các nhà khoa học làm giàu bằng chính sản phẩm của mình…

Thu Nga

Nguồn Thái Nguyên: http://baothainguyen.org.vn/tin-tuc/khoa-hoc-cn/thuc-day-phong-trao-sang-tao-khoa-hoc-cong-nghe-276486-99.html