Thúc đẩy phong trào học tập suốt đời trước bối cảnh Cách mạng công nghiệp 4.0

Nghị quyết Đại hội X (2006) của Đảng nêu rõ: 'Chuyển dần mô hình giáo dục hiện nay sang mô hình giáo dục mở-mô hình xã hội học tập với hệ thống học tập suốt đời, đào tạo liên tục, liên thông giữa các ngành học, bậc học, xây dựng và phát triển hệ thống học tập cho mọi người và những hình thức học tập, thực hành linh hoạt, đáp ứng nhu cầu học tập thường xuyên, tạo nhiều khả năng, cơ hội cho người học, bảo đảm sự công bằng xã hội trong giáo dục'.

Đoạn trích văn kiện quan trọng trên đây tuy ngắn gọn nhưng bao hàm những ý tưởng lớn mang tính đổi mới căn bản đối với hệ thống giáo dục nước nhà.

Từ khi Thủ tướng Chính phủ ban hành Quyết định số 89/QĐ-TTg về việc phê duyệt Đề án “Xây dựng xã hội học tập giai đoạn 2012-2020”, việc triển khai phong trào học tập suốt đời nhanh chóng được thực hiện trên toàn bộ địa bàn cấp xã, gồm 8.979 xã, 1.581 phường, 603 thị trấn.

Mấy năm gần đây, vấn đề học tập suốt đời ở Việt Nam không chỉ đặt ra khi tính đến những yêu cầu của kinh tế tri thức, mà còn phải đề cập tới những vấn đề chất lượng lao động trong một xã hội muốn tiếp cận với những thành tựu mới của Cách mạng công nghiệp (CMCN) 4.0. Từ đây, chúng ta cần giải quyết hàng loạt những công việc đòi hỏi phải tư duy lại về giáo dục và đào tạo.

Trong khi chưa kết thúc dứt điểm việc xóa mù chữ cơ bản thì xóa mù chữ chức năng lại trở nên cấp bách. Đó là tình trạng bất cập của con người trước các công việc được trang bị mới những công nghệ hiện đại và những kỹ thuật tiên tiến. Nhiều nhà quản lý, lãnh đạo không sử dụng được những công nghệ thông tin để cập nhật tri thức mới cho mình và để đổi mới công việc chỉ đạo, điều hành bộ máy mà mình phụ trách. Nhiều lao động không sử dụng được những công cụ, những công nghệ được đưa vào sản xuất và không tự học để khắc phục sự thiếu hụt những kỹ năng trước tiến trình hiện đại hóa cơ sở sản xuất của mình.

Đào tạo nghề cho thanh niên nông thôn tại Trung tâm học tập cộng đồng xã Phú Hộ (Phú Thọ). Ảnh: UYÊN NHI.

Phong trào học tập suốt đời lôi cuốn được đông đảo nông dân và lao động nông thôn tham gia dựa vào hệ thống trung tâm học tập cộng đồng trên địa bàn xã, phường và thị trấn thông qua cuộc vận động thi đua xây dựng các mô hình gia đình học tập, dòng họ học tập, cộng đồng học tập và đơn vị học tập. Có hàng triệu gia đình, hàng chục nghìn chi tộc, hàng chục nghìn thôn bản được chính quyền địa phương công nhận đã đạt các tiêu chí học tập, như: Trẻ em không bị lưu ban, bỏ học; người lớn đã thường xuyên tham dự các hình thức học tập và áp dụng các điều đã học vào làm ăn mà nhờ đó thoát nghèo; nhiều làng bản đã có quỹ khuyến học để giúp các gia đình nghèo có điều kiện tham gia học tập, sản xuất ở địa phương đạt năng suất cao hơn, và môi trường sống được giữ gìn không bị ô nhiễm...

Học tập thường xuyên và suốt đời đòi hỏi mỗi con người phải có ý thức và tinh thần tự nguyện tham gia, đồng thời phải cần rèn luyện năng lực tự học. Nhiều cán bộ, công chức được trang bị máy tính tại nơi làm việc, rất nhiều người đều luôn có trong tay điện thoại di động và thường là điện thoại thông minh. Rất tiếc, nhiều máy tính vẫn được sử dụng như một công cụ làm các văn bản và để giải trí, còn điện thoại di động chỉ dùng để liên hệ công việc công và tư. Ít người coi đó là phương tiện cơ bản để dùng vào việc tự học, tự cập nhật tri thức để nâng cao chất lượng công việc và cuộc sống.

Trong khi đó, hệ thống trường học dành cho trẻ em vẫn được tổ chức theo mô hình cổ điển. Chương trình sách giáo khoa và phương pháp dạy học rất ít thay đổi, mặc dù liên tục được tuyên bố là đổi mới. Phương pháp dạy học vẫn chủ yếu dựa vào hình thức “thầy giảng, trò nghe”, nhà trường khép kín. Việc vận dụng cơ chế thị trường vào giáo dục một cách vô nguyên tắc đang làm suy yếu ngành giáo dục: Học phí cao, quá nhiều khoản thu cho việc tổ chức dạy học, sách giáo khoa dùng hết sức lãng phí, thi cử tốn kém và nhiều tiêu cực, đầu tư vào học tập thì nhiều nhưng học xong không có việc làm... Những hiện tượng ấy trở thành rào cản cho sự phát triển ý thức học vì tương lai của bản thân và đất nước.

Chỉ điểm ra một số hiện tượng trên cũng đủ thấy chúng ta đang đối diện với những thách thức của CMCN 4.0. Nguy cơ tụt hậu về tri thức có vẻ lớn hơn chứ chưa có dấu hiệu giảm đi.

Trước tình hình này, Quốc hội đã chấp thuận việc sửa đổi và bổ sung Luật Giáo dục hiện hành. Một tia hy vọng lóe lên nếu như những vấn đề giáo dục sau đây được luật định rõ ràng. Trước hết, hệ thống giáo dục nước nhà phải thực sự là một hệ thống mở, tức là một hệ thống mà trong đó việc học tập của bất cứ công dân nào cũng không có rào cản về cơ hội học tập, tạo điều kiện để ai cũng phải học tập để thích ứng với sự thay đổi liên tục và nhanh chóng của thế giới bên ngoài.

Tiếp theo, Nhà nước coi trọng việc học tập thường xuyên của cán bộ, công chức, viên chức, công nhân kỹ thuật, nông dân lao động... Nếu chúng ta chăm lo cho thế hệ trẻ được phổ cập giáo dục đúng độ tuổi được vững chắc thì cũng cần quan tâm đến chất lượng đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao tại các trường đào tạo công nhân cũng như các trường đại học. Đồng thời, việc nâng cao chất lượng nhân lực tại chỗ trong các cơ quan, công sở, trường học, doanh nghiệp, hợp tác xã và trong các tổ chức chính trị, chính trị-xã hội... cũng phải được chăm lo đầu tư như thế. Sự tụt hậu về sản xuất lúc này lại là ở việc học tập của người lớn bị xem nhẹ.

Chất lượng giáo dục đại học là điều kiện để chúng ta tiếp cận với CMCN 4.0. Cần một sự đổi mới thật sự, thật cơ bản đối với trường đại học, giáo dục phổ thông là quan trọng và hết sức quan trọng, nhưng dù giáo dục phổ thông có thật hiện đại, thật chất lượng thì cũng không thể đi vào CMCN 4.0 bằng trình độ học vấn phổ thông được. Cần bình tĩnh tháo gỡ những vấn đề giáo dục phổ thông, nhưng cần lo lắng thực sự cho sự phát triển giáo dục đại học hiện nay.

Cuối cùng, giáo dục nghề nghiệp cần có một vị trí quan trọng trong chính sách đầu tư và trong tâm lý của từng người dân. Bất cứ nền giáo dục của quốc gia nào cũng phải làm tốt chức năng nghề nghiệp hóa con người. Coi nhẹ giáo dục nghề nghiệp sẽ không thể đạt yêu cầu mỗi công dân đều phải là một người lao động có nghề như Quyết định số 89/QĐ-TTg đã khẳng định. Nhưng, giáo dục nghề nghiệp không chỉ là nhiệm vụ của hệ thống trường dạy nghề, mà nó cần được thể hiện trong chương trình giáo dục phổ thông và chương trình giáo dục đại học thông qua việc truyền thụ và hun đúc trong giáo dục hướng nghiệp, giáo dục khởi nghiệp tại mọi cơ sở có chức năng giáo dục và đào tạo.

GS, TS PHẠM TẤT DONG

Phó chủ tịch kiêm Tổng Thư ký Trung ương Hội Khuyến học Việt Nam

Nguồn QĐND: http://www.qdnd.vn/van-hoa-giao-duc/giao-duc/thuc-day-phong-trao-hoc-tap-suot-doi-truoc-boi-canh-cach-mang-cong-nghiep-4-0-551055