Thúc đẩy phòng chống tham nhũng trong lĩnh vực tư

Ngày 28/7, Thanh tra Chính phủ phối hợp với Chương trình Phát triển Liên Hợp quốc (UNDP) và VCCI tổ chức hội thảo tham vấn 'Dự thảo báo cáo đánh giá và hướng dẫn DN, tổ chức khu vực ngoài nhà nước thực thi quy định pháp luật về phòng, chống tham nhũng'.

Tham dự diễn đàn có đại diện lãnh đạo Thanh tra một số Bộ, ngành, địa phương; đại diện lãnh đạo các cục, vụ, đơn vị thuộc Thanh tra Chính phủ; đại diện các cơ quan trung ương, bộ ngành như VKSNDTC, TANDTC, Bộ Công an,….

Hướng dẫn các doanh nghiệp, tổ chức khu vực ngoài nhà nước thực thi các quy định của pháp luật về phòng, chống tham nhũng đóng vai trò vô cùng quan trọng trong việc thúc đẩy kinh doanh liêm chính và phát triển kinh tế lành mạnh, ổn định.

Tham nhũng luôn được coi là một trong những trở ngại lớn nhất đối với hoạt động kinh doanh trong khu vực vì nó làm tăng chi phí kinh doanh, làm biến dạng môi trường cạnh tranh, hạn chế cơ hội đầu tư và gia tăng bất bình đẳng xã hội. Theo Chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh (PCI) tại Việt Nam trong những năm gần đây, hơn một nửa số công ty được khảo sát đã báo cáo về việc chi trả các chi phí không chính thức.

 Quang cảnh hội thảo

Quang cảnh hội thảo

Tại Việt Nam, Luật phòng, chống tham nhũng mới (năm 2018) có hiệu lực từ ngày 1/7/2019. Nghị định 59/2019/NĐ-CP sau đó đã được thông qua để hướng dẫn thực thi Luật chống tham nhũng. Một trong những điểm mới quan trọng của Luật phòng, chống tham nhũng là dành cả một chương mới về phòng, chống tham nhũng trong các doanh nghiệp và tổ chức khu vực ngoài Nhà nước. Đây là lần đầu tiên Luật phòng, chống tham nhũng mở rộng phạm vi điều chỉnh sang khu vực ngoài Nhà nước.

Phát biểu tại hội thảo, ông Trần Ngọc Liêm, Phó tổng Thanh tra Chính phủ nhấn mạnh, nỗ lực phòng, chống tham nhũng của Việt Nam đã được cộng đồng quốc tế ghi nhận trong khuôn khổ thực thi Công ước Liên hợp quốc về Chống tham nhũng mà Việt Nam là thành viên cũng như tại các diễn đàn quốc tế song phương và đa phương khác.

Nhiều vụ án tham nhũng nghiêm trọng, phức tạp, dư luận xã hội quan tâm đã được điều tra, xử lý nghiêm minh, được dư luận xã hội đồng tình ủng hộ, đã thể hiện rõ quyết tâm chính trị của Đảng, Nhà nước trong phòng, chống tham nhũng.

Tuy nhiên, Việt Nam vẫn đang đứng trước nguy cơ, thách thức lớn về tham nhũng; tình hình tham nhũng vẫn diễn biến phức tạp, nghiêm trọng ở nhiều nơi, ảnh hưởng tiêu cực đến nhiều mặt của đời sống xã hội, đặc biệt là hoạt động sản xuất kinh doanh và tác động xấu đến môi trường đầu tư. Thực tiễn hiện nay, tham nhũng là một vấn nạn và thách thức đối với doanh nghiệp hoạt động kinh doanh ở Việt Nam.

Trong bối cảnh tham nhũng trong khu vực tư đang diễn biến phức tạp và có nguy cơ gây ra hệ lụy đối với sự ổn định, phát triển kinh tế - xã hội, một yêu cầu tất yếu đặt ra đó là phòng, chống tham nhũng trong khu vực tư.

Ông Nguyễn Quang Vinh, Tổng Thư ký VCCI cũng cho rằng: “Phòng chống tham nhũng là nỗ lực tập thể của tất cả các bên bao gồm Chính phủ, cộng đồng doanh nghiệp, các tổ chức xã hội, các nhà tài trợ quốc tế, báo chí và toàn xã hội. Với nỗ lực này chúng ta có thể tin tưởng rằng tham nhũng sẽ được đẩy lùi, các thực hành kinh doanh có trách nhiệm, minh bạch và liêm chính sẽ được thúc đẩy và hướng tới đạt được các Mục tiêu Phát triển bền vững (SDGs) cũng như thực hiện nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội của đất nước trong thời gian tới”.

Thông qua báo cáo này, UNDP đưa ra đánh giá về các quy định pháp luật về phòng, chống tham nhũng trong khu vực ngoài nhà nước được quy định trong Luật và Nghị định, đồng thời nghiên cứu kinh nghiệm của các nước khác trong việc triển khai hiệu quả các quy định pháp luật và đưa ra hướng dẫn thi hành. Báo cáo cũng đưa ra đề xuất hướng dẫn các doanh nghiệp, tổ chức khu vực ngoài nhà nước thi hành các quy định của pháp luật về phòng, chống tham nhũng, xây dựng văn hóa kinh doanh lành mạnh, không tham nhũng.

Tại hội thảo, các đại biểu tham dự thảo luận về thực trạng thực thi những quy định hiện hành của pháp luật trong nước và quốc tế về phòng chống tham nhũng trong doanh nghiệp và tổ chức khu vực ngoài nhà nước.

Bên cạnh đó, các đại biểu cũng chia sẻ kinh nghiệm trong việc thúc đẩy kinh doanh liêm chính của doanh nghiệp, tổ chức khu vực ngoài nhà nước ở cả thị trường trong nước và quốc tế, cụ thể là những quy định nội bộ của doanh nghiệp, khu vực ngoài nhà nước về các biện pháp PCTN.

Bà Nguyễn Vân Trang, Trưởng bộ phận các chương trình phát triển, Quỹ thịnh vượng, Đại sứ quán Anh tại Hà Nội cũng cho rằng: “Đấu tranh với tham nhũng và tăng cường minh bạch rất quan trọng đối với Việt Nam trong nỗ lực cải thiện môi trường kinh doanh. Điều này quan trọng hơn bao giờ hết vì Việt Nam đang có một vị trí thuận lợi có thể tận dụng lợi thế của việc di chuyển chuỗi cung ứng. Đại sứ quán Anh là đối tác lâu dài với Việt Nam về vấn đề này và rất vui khi tiếp tục hợp tác với Thanh tra Chính phủ, VCCI và UNDP thúc đẩy các thay đổi để hỗ trợ tăng trưởng kinh tế tại Việt Nam và trong khu vực”.

Phó đại diện thường trú của UNDP tại Việt Nam, bà Sitara Syed hoan nghênh Việt Nam mở rộng phạm vi của Luật phòng, chống tham nhũng sang khu vực ngoài Nhà nước. Điều này thể hiện quyết tâm của Chính phủ Việt Nam phòng, chống tham nhũng trên tất cả các lĩnh vực nhằm thực hiện các yêu cầu của Công ước Liên hợp quốc về phòng, chống tham nhũng, mà Việt Nam phê chuẩn năm 2009. Tuy nhiên, việc thực thi Luật đòi hỏi những nỗ lực mạnh mẽ không chỉ của Chính phủ mà cả của các doanh nghiệp.

Hội thảo là một trong những hoạt động trọng tâm của Dự án vùng “Thúc đẩy môi trường kinh doanh công bằng ở ASEAN”, được Quỹ Thịnh vượng Vương Quốc Anh tài trợ cho khu vực Đông Nam Á thuộc Chương trình cải cách kinh tế, do UNDP hợp tác với Chính phủ Anh thực hiện từ năm 2018 – 2021 nhằm hỗ trợ cải thiện cơ chế giải quyết tranh chấp, xây dựng môi trường kinh doanh công bằng tại Việt Nam.

Quốc Huy

Nguồn Công Lý: http://congly.vn/kinh-doanh/doanh-nghiep/thuc-day-phong-chong-tham-nhung-trong-linh-vuc-tu-352764.html