Thúc đẩy phát triển Vùng kinh tế trọng điểm phía nam

Vùng kinh tế trọng điểm (KTTĐ) phía nam chưa thực hiện được việc liên kết vùng, tập trung nguồn lực để phát triển, từ đó làm giảm vai trò đầu tàu kinh tế của cả nước. Theo nhiều chuyên gia, để phát triển bền vững, cần có sự đổi mới mang tính đột phá về tư duy kinh tế vùng thay cho tư duy kinh tế từng địa phương…

Với tám tỉnh, thành phố, trong đó TP Hồ Chí Minh giữ vai trò đầu tàu, năm 2018, Vùng KTTĐ phía nam đóng góp 45,4% GDP; thu ngân sách chiếm 42,6% tổng số thu của cả nước. Cơ cấu kinh tế chuyển dịch theo hướng tích cực, tập trung vào các ngành công nghiệp dịch vụ có lợi thế tạo ra giá trị gia tăng cao. Vùng KTTĐ phía nam cũng là trung tâm thu hút đầu tư nước ngoài lớn nhất cả nước với hơn 15 nghìn dự án FDI còn hiệu lực; có 140 khu công nghiệp, khu chế xuất đang hoạt động. Với hệ thống cảng biển, sân bay quốc tế lớn đã giúp vùng kinh tế này trở thành trung tâm du lịch, phát triển các loại hình dịch vụ công nghệ thông tin, viễn thông, logistics... lớn nhất cả nước.

Theo Chỉ thị số 19/CT-TTg ngày 19-7-2019 của Thủ tướng Chính phủ về các giải pháp thúc đẩy tăng trưởng và phát triển bền vững Vùng KTTĐ phía nam, thì vẫn còn nhiều hạn chế cần được tháo gỡ. Trong đó, tăng trưởng kinh tế của vùng đang có xu hướng chậm lại, tốc độ tăng trưởng bình quân giai đoạn 2016 - 2018 chỉ ngang mức bình quân cả nước. Cơ chế, chính sách phát triển vùng còn chưa hoàn thiện, thiếu đột phá; nhận thức về lợi ích của các chủ thể liên quan chưa đầy đủ, còn khác nhau, thiếu liên kết vùng chặt chẽ. Cùng với đó, cơ chế phối hợp giữa các tỉnh, thành phố trong Vùng KTTĐ phía nam còn mang tính tự phát, hình thức; chương trình phối hợp phát triển kinh tế còn mang tính cục bộ, chưa phát huy hiệu quả lợi thế so sánh của vùng…

Tiến sĩ Vũ Tiến Lộc, Chủ tịch Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) cho rằng: “Vùng KTTĐ phía nam là một trong những vùng kinh tế tạo động lực phát triển quan trọng hàng đầu của cả nước, đồng thời đóng vai trò một cửa ngõ kinh tế và cầu nối giao thương của Việt Nam với thế giới. Khu vực này đang hội tụ những lợi thế nổi trội và có nhiều điều kiện để phát triển công nghiệp, dịch vụ, đi đầu trong sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước. Tuy nhiên, vùng đang “dừng lại” trong cuộc đua với các khu vực kinh tế khác trong cả nước do những lợi thế chưa được phát huy đầy đủ nhằm tạo ra động lực mới cho tăng trưởng”.

Cũng theo TS Vũ Tiến Lộc, với vai trò đầu tàu, TP Hồ Chí Minh phải tạo ra mạng lưới cho các địa phương khác phát triển. Các địa phương trong vùng cần liên kết tạo chuỗi giá trị với mục tiêu sự phát triển của mỗi nơi là tiền đề cho các địa phương khác cùng phát triển.

TS Vũ Thành Tự Anh, Giám đốc Trường Chính sách công và quản lý, Đại học Fulbright Việt Nam, đề xuất về giải pháp mang tính lợi ích chung của vùng: “Tăng trưởng kinh tế của địa phương này có tính lan tỏa, giúp địa phương kia tăng trưởng tích cực hơn và ngược lại. Kinh tế TP Hồ Chí Minh tăng trưởng thì kinh tế của các địa phương trong vùng cũng sẽ được hưởng hiệu ứng lan tỏa và tăng trưởng tích cực hơn. Vì vậy, sự phối hợp với nhau sẽ tạo thuận lợi thương mại, tăng sức hấp dẫn đầu tư của cả vùng trên cơ sở phân bổ lĩnh vực xúc tiến đầu tư phù hợp với lợi thế của từng địa phương. Địa phương này lại bổ trợ cho địa phương khác. Đó là lợi ích chung”…

Xác định Vùng KTTĐ phía nam với trung tâm là TP Hồ Chí Minh, là trung tâm thương mại, tài chính, ngân hàng, chứng khoán lớn nhất cả nước, nhiều chuyên gia đề xuất cần có một thể chế thúc đẩy để TP Hồ Chí Minh trở thành một cực tăng trưởng bảo đảm tính lan tỏa cho cả vùng và các vùng khác. TP Hồ Chí Minh phải được quy hoạch theo hướng quản trị đô thị mở thông qua hình thành các đô thị vệ tinh của thành phố và kết nối các đô thị khác của các tỉnh thuộc vùng. Thành phố phải giữ vai trò chủ đạo trong vùng, đóng vai trò tiên phong liên kết vùng để nâng cao năng lực cạnh tranh quốc tế và bảo đảm tính lan tỏa các thế mạnh về tri thức, chuyển giao công nghệ, đào tạo cho các địa phương khác.

Vùng KTTĐ phía nam cần ưu tiên quy hoạch đầu tư các công trình hạ tầng mang tính liên kết vùng, nhất là các tuyến cao tốc, hệ thống cảng - logistics... tạo động lực cho các doanh nghiệp đầu tư. Đồng thời, các địa phương cũng phải tạo điều kiện để các doanh nghiệp liên kết sản xuất theo chuỗi giá trị. Khi doanh nghiệp có thêm cơ hội để phát triển thì đóng góp của cộng đồng doanh nghiệp vào kinh tế cho toàn Vùng KTTĐ phía nam sẽ nhiều hơn. Từng địa phương cần đặt lợi ích chung của vùng lên hàng đầu, tránh tình trạng chạy theo lợi ích cục bộ chỉ vì địa phương mình…

Theo Chỉ thị số 19/CT-TTg của Thủ tướng Chính phủ, đến năm 2025, phấn đấu 7 trong số 8 tỉnh, thành phố trong Vùng KTTĐ phía nam có điều tiết về ngân sách trung ương. Đẩy nhanh tiến độ triển khai các dự án trọng điểm, các dự án kết nối trong khu vực, nhất là cao tốc Bến Lức - Long Thành, phấn đấu khởi công Dự án Cảng hàng không quốc tế Long Thành trong quý IV năm 2020. Chỉ đạo thông tuyến kỹ thuật cao tốc Trung Lương - Mỹ Thuận; Mỹ Thuận - Cần Thơ trong năm 2021. Chú trọng đầu tư đường thủy nội địa kết nối vận tải thủy đồng bằng sông Cửu Long với TP Hồ Chí Minh và các tỉnh Đông Nam Bộ. Ưu tiên phát triển mạng lưới trung tâm logistics của vùng tập trung ở nơi có lợi thế về vị trí địa lý, gần nguồn cung cấp hàng hóa như các khu công nghiệp, hệ thống cảng, gần khách hàng tiêu thụ; trong đó lấy TP Hồ Chí Minh và gắn kết với trục cảng hàng không quốc tế Tân Sơn Nhất - Long Thành làm trung tâm và phát triển lan tỏa ra các khu vực lân cận...

Nguồn Nhân Dân: http://nhandan.com.vn/tphcm/item/41895702-thuc-day-phat-trien-vung-kinh-te-trong-diem-phia-nam.html