Thúc đẩy phát triển thương mại điện tử

Với mục tiêu hình thành nền kinh tế số hiện đại, Hà Nội đang tập trung thực hiện nhiều giải pháp, nhằm tạo điều kiện thuận lợi và đẩy mạnh phát triển thương mại điện tử. Đồng thời, siết chặt công tác quản lý để hoạt động này ngày càng lành mạnh hơn.

Khách hàng tìm hiểu thông tin sản phẩm tại ngày hội mua sắm trực tuyến Online Friday. Ảnh: MINH HÀ

Khách hàng tìm hiểu thông tin sản phẩm tại ngày hội mua sắm trực tuyến Online Friday. Ảnh: MINH HÀ

Góp phần hình thành nền kinh tế số

Lần đầu tại Việt Nam, mô hình siêu thị ảo đã ra đời. Thay cho việc đến tận siêu thị, cửa hàng, chọn đồ rồi chờ được thanh toán, giờ đây, chỉ với một chiếc điện thoại có cài ứng dụng VinID và một cuốn Cẩm nang mua sắm thông minh của hệ thống siêu thị VinMart, khách mua hàng chọn tính năng Scan & Go, quét mã vạch các sản phẩm muốn mua, thanh toán ngay bằng ví điện tử. Hai đến bốn giờ sau, nhân viên của VinMart sẽ giao hàng đến tận nơi. Người tiêu dùng cũng có thể quét mã QR sản phẩm mình muốn mua được in trên các tấm áp-phích khổ lớn của siêu thị ảo “VinMart 4.0” đặt tại các khu dân cư, tòa nhà văn phòng, trường học, điểm chờ xe buýt... để “đi chợ” mọi lúc.

Đại diện Công ty CP dịch vụ thương mại tổng hợp VinCommerce cho biết, ban đầu đơn vị lựa chọn khoảng 20 điểm tại Hà Nội và TP Hồ Chí Minh để triển khai siêu thị ảo VinMart 4.0, từ đó mở rộng ra cả nước. Đồng thời, phát hành Cẩm nang mua sắm thông minh bằng cả ấn bản giấy và điện tử. Từ giữa tháng 5-2019, sau thời gian thí điểm, tính năng Scan & Go được triển khai rộng ra 73 siêu thị VinMart. Doanh nghiệp mong muốn ứng dụng công nghệ để tạo ra cuộc cách mạng trong tiêu dùng bán lẻ tại Việt Nam, đưa ra giải pháp tiết kiệm thời gian và gia tăng tiện ích cho khách hàng.

Thương mại điện tử đang làm thay đổi cơ bản cách người bán tiếp cận khách hàng và cách người dân mua sắm. Năm 2018, Sở Công thương Hà Nội đã khảo sát 1.000 doanh nghiệp trên địa bàn. Kết quả, có 61% số doanh nghiệp đã áp dụng hình thức kinh doanh trên nền tảng mạng xã hội. Hơn 50% số doanh nghiệp tham gia khảo sát cho biết, doanh thu từ thương mại điện tử chiếm từ 30 đến 50% tổng doanh thu của doanh nghiệp. Giám đốc Công ty CP Truyền thông Domino Nguyễn Công Quang nhận định: Thương mại điện tử tại Hà Nội nói riêng và Việt Nam nói chung hiện đang hội tụ các điều kiện phát triển tốt nhất. Đó là cộng đồng người tiêu dùng trẻ, ưa thích sử dụng công nghệ. Hạ tầng viễn thông, công nghệ phát triển từng ngày. Vấn đề khó khăn nhất trong thương mại điện tử là logistics hiện cũng đã được giải quyết nhờ hàng loạt đơn vị vận chuyển chuyên nghiệp. Bên cạnh đó là nhiều hình thức thanh toán khác nhau như COD (giao hàng thu tiền), chuyển khoản, các cổng thanh toán điện tử, ví điện tử, mã QR... Đại diện Công ty TNHH Văn hóa và Truyền thông Trí Việt cho biết, mảng thương mại điện tử ngày càng đóng vai trò quan trọng trong hoạt động của đơn vị. Muốn các ấn phẩm có thể quảng bá rộng hơn và đem lại doanh thu cao thì cần đưa lên các sàn thương mại điện tử như Tiki, Shopee…

Đến cuối năm 2018, trên địa bàn Hà Nội có 8.932 trang web, ứng dụng thương mại điện tử của tổ chức, cá nhân được tiếp nhận và chấp thuận thông báo, đăng ký hoạt động. Doanh thu năm 2018 của lĩnh vực thương mại điện tử ước đạt 38.507 tỷ đồng, chiếm 8% tổng mức bán lẻ hàng hóa và dịch vụ tiêu dùng (tăng 1% so với năm 2017). Còn theo báo cáo Chỉ số Thương mại điện tử Việt Nam 2019 của Hiệp hội Thương mại điện tử Việt Nam (VECOM), Hà Nội hiện xếp thứ hai cả nước, chỉ sau TP Hồ Chí Minh về chỉ số phát triển thương mại điện tử với 84,3 điểm, tăng 4,5 điểm so với năm 2018.

Giám đốc Sở Công thương Hà Nội Lê Hồng Thăng nhận định, đến nay hầu hết các doanh nghiệp trên địa bàn thành phố đã ứng dụng thương mại điện tử, coi thương mại điện tử là một phần không thể thiếu để phát triển sản xuất, kinh doanh. Doanh nghiệp đã nhanh nhạy bắt kịp các xu hướng mới về thương mại điện tử của thế giới, tranh thủ được thành tựu khoa học công nghệ của cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 để phục vụ hiệu quả hoạt động kinh doanh, góp phần nâng cao năng lực cạnh tranh. Hằng năm, Hà Nội phối hợp Bộ Công thương và các đơn vị tổ chức các chương trình, hoạt động để thu hút, đẩy mạnh thói quen mua sắm trực tuyến như Ngày mua sắm trực tuyến Online Friday, Tuần Vàng Online (nằm trong chương trình Tháng Khuyến mại Hà Nội)... Các chương trình này đã nhận được hàng triệu lượt truy cập và đặt hàng thành công.

Một yếu tố rất quan trọng để thúc đẩy thương mại điện tử phát triển, góp phần hình thành nền kinh tế số chính là các giao dịch không dùng tiền mặt. Đại diện Ngân hàng Nhà nước TP Hà Nội cho biết, thanh toán không dùng tiền mặt trên địa bàn chiếm phần lớn trong phương tiện thanh toán qua ngân hàng. Số lượng thiết bị đầu cuối (POS, EFTPOS, EDC) đạt hơn 90 nghìn thiết bị. Các tổ chức tín dụng đang tiếp tục mở rộng mạng lưới chấp nhận thanh toán không dùng tiền mặt tại các siêu thị, cửa hàng, trường học, đơn vị vận tải, các đơn vị cung cấp dịch vụ điện, nước, viễn thông... Đồng thời, triển khai các dịch vụ ngân hàng nhiều tiện ích như Phone Banking, Internet Banking, Home Banking, Ví điện tử… ứng dụng trên các thiết bị công nghệ hiện đại, đáp ứng nhu cầu của người dân.

Lấp các “lỗ hổng” trong quản lý

Thương mại điện tử đang phát triển nhanh, mạnh ở thị trường Hà Nội, nhưng cũng bộc lộ nhiều lỗ hổng trong quản lý, kiểm soát hình thức thương mại hiện đại này. Theo Cục Quản lý thị trường TP Hà Nội, những hành vi gian lận thương mại trong lĩnh vực này đang là thách thức không nhỏ đối với cơ quan chức năng. Đơn cử, các sản phẩm, dịch vụ khi chào bán, giới thiệu trên mạng có thể không hoàn toàn giống với sản phẩm, dịch vụ người tiêu dùng nhận được sau khi đặt mua. Thông tin cá nhân của người tiêu dùng bị các doanh nghiệp sử dụng cung cấp cho bên thứ ba. Nhiều trang web thương mại điện tử không cung cấp địa chỉ hoặc địa chỉ không chính xác. Khi kiểm tra, chủ cơ sở cho dừng, đóng, khóa... trang web, lúc đó công tác chứng minh vi phạm trên trang web cũng khó thực hiện. Chưa kể, hầu hết giao dịch không có hóa đơn, chứng từ, khi người mua gặp phải hàng giả, hàng nhái thì công tác xử lý càng trở nên khó khăn. Bên cạnh đó, hiện các doanh nghiệp Việt Nam chủ yếu sử dụng hóa đơn giấy, cho nên việc thu thuế của các giao dịch thương mại điện tử gặp khó.

Về phía các doanh nghiệp, năng lực giao hàng cũng còn nhiều hạn chế. Hiện nay, phương tiện chủ yếu dùng để chở hàng là xe máy, cho nên chưa tăng được công suất và hiệu quả giao hàng. Bên cạnh đó, vẫn còn tình trạng trễ đơn hàng, giao hàng không đúng, phía khách đặt hàng nhưng “bùng” hoặc nhận hàng mà không thanh toán... Ngoài ra, hiện có quá nhiều đơn vị cung cấp, từ cá nhân cho đến doanh nghiệp, chi phí marketing trên các kênh như Facebook, Google, sàn thương mại điện tử... lại khá cao. Nếu doanh nghiệp không làm bài bản, đầu tư công phu về nội dung, phù hợp với người dùng thì khó cạnh tranh được.

Năm 2019, Hà Nội đặt mục tiêu doanh thu bán lẻ trực tuyến chiếm 9% tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng trên địa bàn (cao hơn năm 2018 là 1%). Đồng thời, tăng tỷ lệ người dân tham gia mua sắm trực tuyến lên 68% số người sử dụng in-tơ-nét. Về phía các doanh nghiệp, 85% số cơ sở phân phối, bán lẻ hiện đại, đơn vị cung cấp điện, nước, dịch vụ viễn thông và 25% số cửa hàng xăng dầu chấp nhận thanh toán không dùng tiền mặt khi mua bán hàng hóa, dịch vụ. 95% số doanh nghiệp có trang web hoặc ứng dụng cung cấp thông tin doanh nghiệp, tình hình hoạt động sản xuất, kinh doanh. 80% số chuỗi liên kết sản xuất, cung ứng nông sản thực phẩm an toàn tham gia Hệ thống thông tin điện tử sử dụng mã QR truy xuất nguồn gốc. 10 nghìn lượt đăng ký thành viên tham gia Chợ thương mại điện tử tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp an toàn, sản xuất theo chuỗi TP Hà Nội (tại địa chỉ www.chonhaminh.gov.vn)...

Để đạt các mục tiêu này, thành phố cần nghiên cứu, đề xuất điều chỉnh các văn bản pháp lý liên quan để phù hợp với tốc độ phát triển của thương mại điện tử, nhằm quản lý tiến trình giao dịch trên mạng. Các ngành công thương, thông tin và truyền thông, quản lý thị trường, các nhà mạng và ngân hàng, cơ quan quản lý thuế phải thường xuyên thanh tra, giám sát các hoạt động này để tránh tình trạng trốn thuế của doanh nghiệp. Cần tiếp tục đẩy mạnh ứng dụng thương mại điện tử cho doanh nghiệp, phát triển các dịch vụ trực tuyến trong các lĩnh vực như du lịch, giao thông vận tải, giáo dục, y tế, truyền thông… Thông qua các trang web, ứng dụng, sàn thương mại điện tử…, hàng hóa của doanh nghiệp, cơ sở sản xuất trên địa bàn sẽ có cơ hội tốt để mở rộng thị trường, tiến tới xuất khẩu, đóng góp hiệu quả cho nền kinh tế phát triển.

NGUYÊN TRANG

Nguồn Nhân Dân: http://nhandan.com.vn/kinhte/tin-tuc/item/40363502-thuc-day-phat-trien-thuong-mai-dien-tu.html