Thúc đẩy phát triển kinh tế nông thôn

Nghị quyết Đại hội Đại biểu lần thứ XVII (nhiệm kỳ 2020 - 2025) Đảng bộ thành phố Hà Nội đã chỉ rõ: Tiếp tục đẩy mạnh chất lượng xây dựng nông thôn mới, cơ cấu lại ngành nông nghiệp và phát triển kinh tế nông thôn. Thực hiện nhiệm vụ này, Thành ủy Hà Nội đã ban hành 10 Chương trình công tác Khóa XVII, trong đó có chương trình số 04-CTr/TU về 'Đẩy mạnh thực hiện hiệu quả chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới gắn với cơ cấu lại ngành nông nghiệp và phát triển kinh tế nông thôn, nâng cao đời sống vật chất, tinh thần của nông dân giai đoạn 2021 - 2025'.

Động lực quan trọng để xây dựng, phát triển Thủ đô
Cục Thuế thành phố Hà Nội phạt, truy thu hơn 1.200 tỷ đồng

Tái cơ cấu, tạo cơ chế phát triển

Theo Phó Chủ tịch UBND thành phố Hà Nội Nguyễn Mạnh Quyền, nông nghiệp Thủ đô có đặc thù riêng, do vậy, cần có hướng đi riêng để phát huy tiềm năng, lợi thế vốn có của Thủ đô như nguồn nhân lực khoa học công nghệ, đồng thời tạo nguồn vốn để đầu tư phát triển theo hướng nông nghiệp sinh thái, công nghệ cao…

Hiện nay, nhiều địa phương đã xây dựng đề án tái cơ cấu, tạo cơ chế để phát triển nông nghiệp trên cơ sở những lợi thế đặc thù. Huyện Chương Mỹ đã triển khai các đề án: phát triển nông nghiệp theo hướng hàng hóa, nông sản sạch, tiếp tục sản xuất theo chuỗi giá trị sản phẩm chất lượng cao; tăng cường xúc tiến tiêu thụ sản phẩm giai đoạn 2021 - 2025, tiếp tục xây dựng và triển khai thực hiện tái cơ cấu ngành chăn nuôi.

Huyện Phúc Thọ đã ban hành Đề án tái cơ cấu ngành nông nghiệp giai đoạn 2022 - 2025 và những năm tiếp theo. Huyện sẽ hỗ trợ xây dựng các vùng sản xuất theo tiêu chuẩn VietGAP, GlobalGAP, theo hướng hữu cơ gắn với sơ chế, chế biến và liên kết theo chuỗi giá trị; đồng thời ứng dụng công nghệ cao, công nghệ số trong quản lý, giám sát và truy xuất nguồn gốc sản phẩm.

Theo Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn Hà Nội Chu Phú Mỹ, ngành nông nghiệp Thủ đô đã tập trung hỗ trợ các địa phương hình thành chuỗi giá trị nông sản; xây dựng các vùng sản xuất tập trung với các sản phẩm chủ lực như: Lúa hữu cơ, nhãn chín muộn... Các sản phẩm nông nghiệp chủ lực của Hà Nội như: rau an toàn cho thu nhập từ 400 triệu đồng đến 1,2 tỷ đồng/ha/năm; cây ăn quả từ 500 triệu đồng đến 1 tỷ đồng/ha/năm; hoa, cây cảnh từ 500 triệu đồng đến 1,5 tỷ đồng/ha/năm… mang lại giá trị kinh tế cao cho người nông dân. Tuy nhiên, theo nhận định của ngành nông nghiệp, tái cơ cấu ngành vẫn chưa tương xứng với tiềm năng và lợi thế của Thủ đô.

Chăm sóc rau tại Hợp tác xã Rau quả sạch Chúc Sơn (huyện Chương Mỹ)
Nguồn: ITN

Quản lý sản phẩm bằng công nghệ

Với vị trí, vai trò đặc thù, ngành nông nghiệp Thủ đô vẫn còn nhiều dư địa để phát triển, đặc biệt trong việc ứng dụng khoa học công nghệ đối với các sản phẩm đặc thù của mỗi địa phương. Ngành nông nghiệp Hà Nội đã hỗ trợ các hợp tác xã, doanh nghiệp ứng dụng công nghệ Check VN để thiết lập dữ liệu, số hóa, theo dõi, kiểm soát, bảo mật, xác thực thông tin về sản phẩm hàng hóa đủ điều kiện vệ sinh an toàn thực phẩm; đồng thời kết nối nhà sản xuất, nhà quản lý với người tiêu dùng thông qua mã phản hồi nhanh QRcode và phần mềm ứng dụng trên Check VN.

Đại diện Chi Cục Quản lý chất lượng nông, lâm sản và thủy sản Hà Nội cho biết, để minh bạch thông tin sản phẩm, Hà Nội đã hỗ trợ, hướng dẫn và cấp tài khoản quản lý cho 3.109 cơ sở sản xuất nông sản. Cùng với đó là hoàn thiện thủ tục quản lý minh bạch thông tin cho 653 doanh nghiệp của Hà Nội và 238 doanh nghiệp ở các tỉnh, thành phố với 10.952 bộ mã truy xuất nguồn gốc nông sản đủ điều kiện an toàn thực phẩm.

Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn Hà Nội Nguyễn Ngọc Sơn cho biết, thời gian tới, Hà Nội sẽ đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin truy xuất nguồn gốc thực phẩm; khuyến khích các trung tâm thương mại, siêu thị, cửa hàng thực phẩm ưu tiên kinh doanh các mặt hàng có mã số, mã vạch, tem truy xuất nguồn gốc… Các siêu thị nên có nhân viên hướng dẫn cho người tiêu dùng cách truy xuất nguồn gốc thực phẩm qua ứng dụng công nghệ thông tin như điện thoại thông minh...

Cùng với đó, Hà Nội tiếp tục duy trì và phát triển chuỗi liên kết sản xuất, tiêu thụ tại các vùng chuyên canh tập trung; tăng cường khả năng tiếp cận thị trường, xây dựng thương hiệu và hướng tới xuất khẩu. Thành phố sẽ phát triển chăn nuôi theo hướng công nghiệp, ứng dụng công nghệ cao, tuần hoàn ở cả quy mô trang trại và hộ chăn nuôi, bảo đảm an toàn sinh học, an toàn dịch bệnh, thân thiện với môi trường và thực hiện sản xuất theo chuỗi giá trị... Ngoài ra, Hà Nội sẽ phát triển cây, con giống, phấn đấu trở thành trung tâm cung cấp cây, con giống cho các địa phương trong cả nước…

Anh Lương

Nguồn Đại Biểu Nhân Dân: https://daibieunhandan.vn/doi-song-xa-hoi/thuc-day-phat-trien-kinh-te-nong-thon-i292689/