Thúc đẩy phát triển kinh tế khu vực Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương

Ngày 30/7, tại Diễn đàn 'Sáng kiến kinh tế Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương' do Phòng Thương mại Mỹ (USCC) tổ chức ở Washington, Ngoại trưởng Mỹ Mike Pompeo đã công bố một loạt sáng kiến đầu tư ở khu vực này, trong đó tập trung vào kinh tế số, năng lượng và cơ sở hạ tầng.

Theo đánh giá của Bộ Tài chính Mỹ, khu vực Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương có thể chiếm đến 1/2 nền kinh tế toàn cầu trong vòng nhiều thập kỷ tới, song vẫn rất cần đầu tư gần 26.000 tỷ USD để hoàn thiện tiềm năng này.

Tại Diễn đàn có sự tham gia của đại diện Nhật Bản, Australia, Singapore, Ấn Độ và Indonesia, Ngoại trưởng Mike Pompeo cũng cho biết Mỹ sẽ chi 113 triệu USD phát triển các lĩnh vực nghiên cứu và phát triển công nghệ, năng lượng và mở rộng hệ thống cơ sở hạ tầng mới tại châu Á.

Người đứng đầu ngành ngoại giao Mỹ còn tuyên bố Mỹ không bao giờ can dự vào khu vực Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương và phản đối bất kỳ nước nào có ý định này.

Cùng ngày, phát biểu với báo giới, ông Brian Hook, Cố vấn chính sách cấp cao của Ngoại trưởng Mỹ nhận xét Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương là một ưu tiên tuyệt đối của các nhà hoạch địch chính sách Mỹ ở nhánh hành pháp và tại Quốc hội.

Nhằm cụ thể hóa “Sáng kiến kinh tế Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương”, ngày 31/7, Bộ Ngoại giao và Thương mại Australia, Hiệp hội Đầu tư tư nhân nước ngoài của Mỹ cùng Ngân hàng Hợp tác quốc tế Nhật Bản ra tuyên bố chung nhấn mạnh 3 nước vừa thiết lập mối quan hệ đối tác 3 bên nhằm huy động vốn đầu tư cho các dự án hướng tới thúc đẩy tăng trưởng kinh tế, mở ra các cơ hội, cũng như khuyến khích một khu vực Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương tự do, mở cửa, toàn diện và thịnh vượng.

Các lĩnh vực sẽ được chú trọng đầu tư bao gồm hạ tầng năng lượng, giao thông vận tải, du lịch và công nghệ, với việc chính phủ các quốc gia trên hướng mục tiêu tới thu hút vốn đầu tư tư nhân cho các dự án liên quan.

Trong khi đó gần đây, Australia đã đẩy mạnh các cam kết đối với khu vực Thái Bình Dương khi dành phần viện trợ lớn nhất trích từ ngân sách công cho khu vực này. Còn Nhật Bản cũng đang thúc đẩy chính sách ngoại giao tại đây, với việc mở đại sứ quán ở thủ đô Port Vila của quốc đảo Vanuatu.

Đây là bước khởi đầu cho một sáng kiến mang tầm quốc tế nhằm thúc đẩy kinh tế ở khu vực Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương phát triển tự do, mở cửa, toàn diện và thịnh vượng.

Tuyết Minh

Nguồn Chính Phủ: http://baochinhphu.vn/quocte/thuc-day-phat-trien-kinh-te-khu-vuc-an-do-duongthai-binh-duong/342785.vgp