Thúc đẩy phát triển du lịch cộng đồng bền vững

Được ví như là một 'Việt Nam thu nhỏ' với 'rừng vàng, biển bạc', đầy đủ nông thôn, đô thị, di tích cổ, làng nghề truyền thống… Quảng Ninh là nơi có nhiều tiềm năng để phát triển du lịch cộng đồng. Để tiềm năng này được khai thác, phát triển, tỉnh đã xây dựng và triển khai Đề án Phát triển du lịch cộng đồng bền vững trên địa bàn tỉnh Quảng Ninh đến năm 2025.

Theo rà soát, đánh giá của Sở Du lịch Quảng Ninh, thời gian qua, du lịch cộng đồng được đánh giá là những mô hình phát triển du lịch có nhiều đóng góp cho xỏa đói giảm nghèo và phát triển bền vững, tạo ra những trải nghiệm thú vị cho khách du lịch, trên cơ sở khai thác những giá trị tài nguyên du lịch tại cộng đồng. Du lịch cộng đồng cho phép gắn kết các nhân tố bên trong cũng như ngoài địa phương trong quá trình phát triển. Song song với các hiệu quả cho người kinh doanh du lịch, du lịch cộng đồng đem lại lợi ích chung cho cộng đồng ở các mức độ khác nhau, bao gồm cả lợi ích kinh tế và những lợi ích xã hội, tinh thần, văn hóa... Du lịch cộng đồng thúc đẩy vai trò của người dân địa phương trong việc tham gia phát triển và hoạch định phát triển du lịch.

Khách du lịch trải nghiệm tại bãi biển Minh Châu (Vân Đồn).

Khách du lịch trải nghiệm tại bãi biển Minh Châu (Vân Đồn).

Quảng Ninh có nhiều tiềm năng về tài nguyên du lịch, có điều kiện tự nhiên và văn hóa để phát triển du lịch cộng đồng tại một số địa phương như: Đông Triều, Quảng Yên, Hoành Bồ, Tiên Yên, Bình Liêu, Ba Chẽ, Hải Hà, Đầm Hà..vv. Tuy nhiên, hiện nay tại Quảng Ninh mới chỉ có một số mô hình du lịch sinh thái, cộng đồng như: Làng quê Yên Đức ở Đông Triều, Hợp tác xã dịch vụ du lịch chèo đò đưa khách tham quan Vịnh Hạ Long, du lịch sinh thái cộng đồng đảo Quan Lạn. Một số địa phương như: Bình Liêu, Ba Chẽ, Hoành Bồ, Cô Tô... cũng đang hướng tới phát triển mô hình du lịch cộng đồng.

Các sản phẩm du lịch cộng đồng tại Quảng Ninh rất đa dạng. Điển hình như ở Đông Triều, làng quê Yên Đức từ lâu đã trở thành thương hiệu quen thuộc của du lịch. Đến đây, du khách được trải nghiệm cuộc sống thường ngày của bà con nông dân như: Xay lúa, giã gạo, úp cá, tham quan ngôi chùa cổ của làng, xem múa rối nước, tìm hiểu nét đẹp văn hóa. Hay ở Tiên Yên, du khách cũng có thể đi bộ ở phố cổ, tham gia làm bánh gật gù hay món khau nhục. Các bản vùng cao Bình Liêu, Ba Chẽ, Tiên Yên cũng luôn gọi mời khách phương xa đến để dự lễ hội hoa sở, hoa trà vàng, lễ hội cầu mùa với khèn, với những điệu hát then, các cuộc thi bắn cung...

Các mô hình du lịch cộng đồng ở các địa phương trên đã nhận được sự quan tâm của chính quyền, người dân các địa phương và sự phối hợp tích cực từ du khách, song vẫn còn manh mún, chưa bền vững. Trong khi đó, phát triển được du lịch cộng đồng thì ngoài các tài nguyên du lịch, các giá trị văn hóa bản địa, cần phải có các yếu tố thiết yếu về hạ tầng như giao thông đi lại thuận lợi, thông tin, dịch vụ cho khách, an toàn sức khỏe trong khu vực du lịch cộng đồng, nguồn nhân lực, mua sắm... Mặt khác, cần phải có công tác hoạch định, xác định các khu vực có tiềm năng để phát triển du lịch cộng đồng, trên cơ sở đó có các chính sách hỗ trợ để đảm bảo việc xây dựng các mô hình cộng đồng có tính bản sắc, hiệu quả và khả thi.

Trên cơ sở đánh giá, phân tích tiềm năng, hiện trạng hạ tầng, Đề án Phát triển du lịch cộng đồng bền vững trên địa bàn tỉnh Quảng Ninh đến năm 2025 định hướng phát triển sản phẩm, không gian du lịch cộng đồng tỉnh Quảng Ninh tại 9 điểm ở 8 địa phương, chia thành 3 phân khu chính. Trong đó, không gian du lịch phía Đông định hướng phát triển du lịch cộng đồng dựa trên giá trị văn hóa bản địa vùng miền núi và sinh thái khu vực ven biển phía Đông, tập trung vào các địa phương: Bình Liêu, Ba Chẽ, Tiên Yên, Đầm Hà, Móng Cái. Không gian du lịch phía Tây định hướng phát triển triển du lịch cộng đồng kết hợp du lịch nông nghiệp, làng nghề truyền thống, du lịch tâm linh, du lịch sinh thái, tập trung vào các địa phương: Uông Bí, Quảng Yên. Không gian du lịch Trung tâm là trung tâm đón khách do vị trị thuận lợi về giao thông, phát huy giá trị du lịch tại địa phương, cụ thể là huyện Vân Đồn.

Để đảm bảo việc phát triển các điểm du lịch cộng đồng có tính khả thi cao, tránh trùng lặp, đảm bảo sự kết nối với các địa bàn trung tâm du lịch, Sở Du lịch đã đề xuất ưu tiên phát triển du lịch cộng đồng cho các địa phương Ba Chẽ, Đầm Hà, Tiên Yên, Bình Liêu đến năm 2025.

Tại cuộc họp trực tuyến nghe và cho ý kiến về Đề án Phát triển du lịch cộng đồng bền vững trên địa bàn tỉnh Quảng Ninh đến năm 2025 tháng 10 vừa qua, đồng chí Nguyễn Thị Hạnh, Phó Chủ tịch UBND tỉnh đã yêu cầu Sở Du lịch nghiên cứu, học hỏi thêm kinh nghiệm của các địa phương đã triển khai du lịch cộng đồng, quan tâm đến chính sách hỗ trợ hạ tầng, đào tạo nghề, hình thành sản phẩm du lịch. Đặc biệt, phối hợp với Sở Tài chính và các địa phương nghiên cứu kỹ các mức hỗ trợ ở từng hạng mục cụ thể như: đường đi lại, nhà vệ sinh, cảnh quan, điểm dừng chân, bãi đỗ xe…; quan tâm đến công tác đào tạo nguồn nhân lực phù hợp với tình hình thực tế tại địa phương; khảo sát ý kiến các hộ dân tham gia. Bên cạnh đó, xây dựng chiến dịch truyền thông cho các địa điểm du lịch cộng đồng; có chính sách hỗ trợ riêng cho doanh nghiệp, hãng lữ hành.

Hà Chi

Nguồn Quảng Ninh: http://baoquangninh.com.vn/du-lich/202012/thuc-day-phat-trien-du-lich-cong-dong-ben-vung-2514842/