THÚC ĐẨY NĂNG LỰC HÀNG HÓA NỘI ĐỊA

Đại dịch Covid-19 trở nên phức tạp, căng thẳng không chỉ ở nước ta mà hầu như khắp nơi trên thế giới đều bị ảnh hưởng nghiêm trọng. Kinh tế bị đình trệ, xuất khẩu hàng hóa gần như bị 'đóng băng'.

Tình hình trở nên nghiêm trọng hơn khi các nhà dịch tễ học Trung Quốc tìm thấy bằng chứng virus SARS-CoV-2 có trên mặt hàng thực phẩm đông lạnh nhập khẩu, cụ thể là trên bao bì cánh gà nhập từ Brazil và tôm nhập từ Ecuador. Một hướng giải pháp được nhiều nước nêu ra là “Nội địa hóa hàng xuất khẩu”, tức coi thị trường nội địa là cách để “giải cứu” hàng hóa.

Đối với thị trường trong nước, trên các siêu thị, chợ, cửa hàng thì hàng Việt Nam chiếm đa số và ngày càng khẳng định vị thế áp đảo. Tâm lý chuộng hàng Việt Nam ngày càng phổ biến, không chỉ khiến người tiêu dùng yên tâm về xuất xứ mà thực tế, chất lượng hàng Việt ngày càng được nâng cao, khẳng định được chỗ đứng trên thị trường trong nước và xuất khẩu. Một số mặt hàng xuất khẩu như: Gạo, nước mắm, dệt may, thủy sản... đang có tiếng vang và được ưa chuộng. Chúng ta đã tạo ra loại gạo được khẳng định “ngon nhất thế giới”... Những tin vui ấy tất nhiên sẽ thúc đẩy năng lực hàng hóa nội địa ngày một phát triển. Bởi thế mới có tình trạng, hàng nước ngoài lợi dụng danh tiếng để đóng mác hàng Việt Nam hay xuất xứ Việt Nam ngày càng bị phát hiện nhiều hơn. Trong tình hình đại dịch chưa có nhiều dấu hiệu giảm xuống thì các giải pháp thúc đẩy phát triển năng lực hàng hóa nội địa càng được quan tâm. Làm sao để “kích cầu” thị trường gần một trăm triệu dân? Dưới đây là một vài tham khảo trên cơ sở soi chiếu từ truyền thống và đối sánh với một vài nền kinh tế có nhiều biện pháp đối phó hiệu quả với đại dịch.

 Ảnh minh họa: TTXVN

Ảnh minh họa: TTXVN

Trước tiên, vận dụng các yếu tố “phi thị trường”, tức các yếu tố tinh thần như kêu gọi sự đoàn kết, ủng hộ, chia sẻ, giúp đỡ... Vì dù “thương trường là chiến trường” thì con người cũng luôn mang yếu tố quyết định. Bài học thành công của hai nhà tư sản dân tộc Bạch Thái Bưởi (1874-1932) nổi tiếng với thương hiệu “tàu Bưởi”, “vua tàu thủy”, “vua mỏ” và Nguyễn Sơn Hà (1894-1980) nổi tiếng với hãng sơn Gecko với logo hình con tắc kè xanh, là đề cao tư tưởng dân tộc, kêu gọi tinh thần yêu nước Việt, yêu người Việt vốn là truyền thống sâu đậm của dân tộc. Hai ông đề ra và làm theo khẩu hiệu “Người Việt dùng hàng Việt”, “Người Việt đi tàu Việt”... Mấy chục năm trước, chúng ta đã thành công với khẩu hiệu “Dùng hàng Việt là yêu nước”. Trong bối cảnh hôm nay, rất nên phát động phong trào này sâu rộng hơn.

Chúng ta cũng cần hướng mạnh về địa bàn nông thôn, coi đó là thị trường chủ yếu. Ở Việt Nam, nông thôn chiếm 70% doanh số hàng tiêu dùng. Tuy dân số đông, đa dạng hóa, nhưng các cửa hàng “siêu thị” ở nông thôn so với thành phố không chỉ ít hơn rất nhiều mà còn thua xa về số lượng cũng như chủng loại hàng hóa. Tại nhiều nước lại đang hình thành ở nông thôn những doanh nghiệp nội địa lớn, giữ vai trò định hướng.

Bên cạnh việc cải tiến, nâng cao chất lượng là việc giảm giá, quảng cáo rộng rãi, đề ra nhiều hình thức khuyến mại hấp dẫn. Tâm lý người Việt vẫn còn thiên về ưa hàng giá rẻ. Nhiều nước đang đề ra phương pháp “cầm cự” như bán chịu, chấp nhận bán lỗ, biếu hàng mẫu... Cùng với đó, để hàng Việt ngày càng khẳng định chỗ đứng thì cần tạo cơ chế, chính sách khuyến khích các doanh nghiệp “bám trụ”, cố gắng tạo ra bản sắc riêng (như nhà tư sản Nguyễn Sơn Hà chăm chút từ hình ảnh logo trở đi), tạo ra thị trường riêng.

Một biện pháp rất quan trọng là cần tăng cường chống nạn hàng giả, hàng nhái, hàng nhập lậu. Nhiều nước coi đây là nhiệm vụ chính, vì nếu không nó sẽ “bóp chết” hàng thật bằng... giá rẻ. Trong bất cứ hoàn cảnh nào thì việc phát huy nội lực luôn là vấn đề quan trọng nhất.

PGS, TS NGUYỄN THANH TÚ

Nguồn QĐND: https://www.qdnd.vn/cung-ban-luan/thuc-day-nang-luc-hang-hoa-noi-dia-631937