Thúc đẩy mở rộng sản xuất vắc-xin ngừa Covid-19

Theo TTXVN và tin nước ngoài, trong bối cảnh nguồn cung vắc-xin ngừa Covid-19 thiếu hụt và phân phối không đồng đều, nhiều nhà lãnh đạo thế giới và tổ chức quốc tế kêu gọi thúc đẩy hoạt động sản xuất vắc-xin. Trong tuyên bố ngày 5-5, các Bộ trưởng Ngoại giao G7 cam kết hành động để mở rộng sản xuất các loại vắc-xin với mức giá có thể chấp nhận. G7 khẳng định sẽ thúc đẩy quan hệ đối tác giữa các công ty, khuyến khích các thỏa thuận trao đổi công nghệ và cung cấp vắc-xin.

Theo TTXVN và tin nước ngoài, trong bối cảnh nguồn cung vắc-xin ngừa Covid-19 thiếu hụt và phân phối không đồng đều, nhiều nhà lãnh đạo thế giới và tổ chức quốc tế kêu gọi thúc đẩy hoạt động sản xuất vắc-xin. Trong tuyên bố ngày 5-5, các Bộ trưởng Ngoại giao G7 cam kết hành động để mở rộng sản xuất các loại vắc-xin với mức giá có thể chấp nhận. G7 khẳng định sẽ thúc đẩy quan hệ đối tác giữa các công ty, khuyến khích các thỏa thuận trao đổi công nghệ và cung cấp vắc-xin.

Tổng Thư ký Liên hợp quốc A.Gu-tê-rét cũng kêu gọi các nhà sản xuất vắc-xin chuyển giao công nghệ, chia sẻ bản quyền và giấy phép sản xuất vắc-xin. Lời kêu gọi được đưa ra trong bối cảnh Tổ chức Thương mại thế giới (WTO) thảo luận việc miễn trừ bản quyền sáng chế vắc-xin ngừa Covid-19, nhằm thúc đẩy hoạt động sản xuất và cung cấp vắc-xin cho các nước đang phát triển.

Tại cuộc họp Đại hội đồng WTO ngày 5-5, lãnh đạo tổ chức này kêu gọi sớm đạt thỏa thuận quốc tế về cách thức bảo đảm tiếp cận công bằng với vắc-xin ngừa Covid-19. WTO cũng kêu gọi Nga tăng nguồn cung, các nước Trung Quốc, Bra-xin, hay Cu-ba đẩy nhanh hoạt động nghiên cứu và sản xuất vắc-xin.

Cùng ngày, Tổng thống Mỹ G.Bai-đơn tuyên bố ủng hộ dỡ bỏ các rào cản trên toàn cầu liên quan các bằng sáng chế vắc-xin ngừa Covid-19 và khẳng định, Mỹ sẽ tham gia đàm phán các điều khoản tại WTO liên quan vấn đề sở hữu trí tuệ đối với vắc-xin. Quan điểm của chính phủ Mỹ được WTO và Tổ chức Y tế thế giới (WHO) hoan nghênh.

Ca-na-đa trở thành quốc gia đầu tiên cấp phép sử dụng vắc-xin ngừa Covid-19 của hãng Pfizer/BioNTech cho trẻ hơn 12 tuổi. Mỹ và Liên hiệp châu Âu (EU) cũng đang xem xét về quyết định tương tự. Giới chức y tế Nga cho biết, có thể chứng minh vắc-xin ngừa bại liệt có hiệu quả trong phòng, chống Covid-19.

Cộng đồng quốc tế tiếp tục hỗ trợ Ấn Độ chống chọi làn sóng dịch bùng phát. Ngày 5-5, Nhật Bản thông báo bổ sung khoảng 50 triệu USD viện trợ Ấn Độ, cùng gói thiết bị y tế Tô-ki-ô đã công bố trước đó. Đến sáng 6-5, Ấn Độ xác nhận thêm khoảng 412 nghìn ca mắc và gần bốn nghìn người chết vì Covid-19.

Trong khi đó, ngày càng có thêm nhiều nước ghi nhận các ca mắc biến thể vi-rút gây Covid-19 có nguồn gốc từ Ấn Độ. I-ran thông báo ba ca và Kê-ni-a xác nhận một trường hợp mắc biến thể được phát hiện ở Ấn Độ. Hàn Quốc cảnh báo về tình trạng số ca nhiễm các biến thể mới gia tăng...

Ô-xtrây-li-a đẩy nhanh việc truy vết sau khi phát hiện hai ca mắc biến thể nêu trên ở thành phố Xít-ni. Trong khi đó, Niu Di-lân thông báo tạm ngừng hoạt động đi lại miễn cách ly với bang Niu Xao Uên của Ô-xtrây-li-a.

Ngày 6-5, Cam-pu-chia dỡ bỏ lệnh phong tỏa tại thủ đô Phnôm Pênh và thành phố Ta Khmao. Trong khi đó, số ca mắc tăng trở lại tại Lào, khi Bộ Y tế Lào xác nhận thêm 105 ca trong 24 giờ.

Chính phủ Lít-va triển khai quy định mới, gọi là “hộ chiếu cơ hội”. Theo đó, những người được tiêm vắc-xin, bệnh nhân Covid-19 bình phục và người có kết quả xét nghiệm âm tính với Covid-19 được miễn áp dụng một số biện pháp hạn chế.

Theo trang thống kê worldometers.info, đến tối 6-5, toàn thế giới ghi nhận gần 156 triệu ca mắc Covid-19, trong đó có hơn 3,25 triệu người chết. Số bệnh nhân được điều trị khỏi là hơn 133,3 triệu người.

Nguồn Nhân Dân: https://nhandan.com.vn/tin-tuc-the-gioi/thuc-day-mo-rong-san-xuat-vac-xin-ngua-covid-19-644932/