Thúc đẩy mạnh mẽ công tác đào tạo và phát triển nguồn nhân lực của địa phương

Thực hiện Nghị quyết Đại hội đại biểu Đảng bộ tỉnh Thanh Hóa lần thứ XVIII, nhiệm kỳ 2015-2020, dưới sự lãnh đạo của Tỉnh ủy, HĐND, UBND tỉnh, các cơ sở giáo dục đại học (ĐH) trên địa bàn tỉnh đã đạt được những kết quả đáng khích lệ.

Có thể nêu lên một số kết quả nổi bật, như: Hệ thống giáo dục ĐH và giáo dục nghề nghiệp trên địa bàn được quy hoạch, rà soát, sắp xếp lại theo hướng tinh gọn, hiệu quả; gắn kết quá trình đào tạo của các cơ sở giáo dục với thực tiễn của các đơn vị, nhà tuyển dụng, đáp ứng nhu cầu xã hội. Trong giai đoạn 2016-2020 các cơ sở giáo dục ĐH trong tỉnh đã đào tạo, cung ứng cho thị trường 18.000 lao động, trong đó, Trường ĐH Hồng Đức đã đào tạo 14.648 người tốt nghiệp (gồm 1.186 thạc sĩ, 11.328 cử nhân ĐH, 1.397 cử nhân cao đẳng và 557 học sinh trung cấp); nguồn nhân lực được bố trí, sử dụng hợp lý phục vụ phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh và các địa phương. Để nâng cao hiệu quả đào tạo, phát triển nguồn nhân lực Trường ĐH Hồng Đức cũng đã chú trọng công tác mở ngành đào tạo, trong đó mở mới những ngành xã hội có nhu cầu, bám vào định hướng phát triển kinh tế - xã hội của địa phương như: Du lịch, kỹ thuật điện, ngôn ngữ Anh, kỹ thuật xây dựng,... đa dạng hóa và nâng cấp các trình độ, hình thức đào tạo, đáp ứng nhu cầu xã hội...

Đại hội đại biểu Đảng bộ tỉnh lần thứ XIX, nhiệm kỳ 2020-2025 là sự kiện chính trị quan trọng của địa phương. Trước thềm đại hội cán bộ, giảng viên Trường ĐH Hồng Đức mong muốn đề đạt tới đại hội tiếp tục quan tâm và có những chủ trương, chính sách thúc đẩy mạnh mẽ hơn nữa công tác đào tạo và phát triển nguồn nhân lực của địa phương. Mong muốn cấp ủy, chính quyền các cấp quan tâm một số nội dung, như: Tiếp tục chỉ đạo rà soát, sắp xếp ngành nghề đào tạo để phát huy thế mạnh của từng cơ sở đào tạo, tránh chồng chéo giữa các cơ sở đào tạo làm lãng phí nguồn lực. Có cơ chế, chính sách để thu hút sinh viên giỏi vào học các ngành tỉnh có nhu cầu nguồn nhân lực, như: sư phạm, du lịch, nông nghiệp công nghệ cao, công nghiệp chế biến, chế tạo, công nghệ thông tin... Trình Chính phủ cơ chế đặc thù về tuyển dụng không qua thi tuyển đối với sinh viên tốt nghiệp loại khá, giỏi chương trình đào tạo sư phạm chất lượng cao. Thực hiện cơ chế đặt hàng để cơ sở giáo dục ĐH thực hiện đào tạo nhân lực, bồi dưỡng, chuyên môn nghiệp vụ cho cán bộ, công chức trên cơ sở đó thúc đẩy quá trình tự chủ của các cơ sở giáo dục ĐH trên địa bàn.

Lê Hoằng Bá Huyền

Phó Hiệu trưởng Trường ĐH Hồng Đức

Nguồn Thanh Hóa: http://baothanhhoa.vn/xay-dung-dang/thuc-day-manh-me-cong-tac-dao-tao-va-nbsp-phat-trien-nguon-nhan-luc-cua-dia-phuong/126167.htm