Thúc đẩy liên kết doanh nghiệp tham gia chuỗi giá trị toàn cầu

Việc định hướng hỗ trợ phát triển thị trường bền vững cho doanh nghiệp đối với các nhiệm vụ được giao cho Bộ Công Thương trong bối cảnh nước ta đang hội nhập một cách sâu rộng vào nền kinh tế thế giới đặt trong tổng thể phát triển bền vững của đất nước.

Liên kết doanh nghiệp là xu thế tất yếu hiện nay (Ảnh: HNV)

Phát triển thị trường bền vững cho các doanh nghiệp là một quá trình đòi hỏi sự nỗ lực rất lớn từ phía Chính phủ, các Bộ, ngành, đặc biệt là Bộ Công Thương và từ chính các doanh nghiệp.

Trong quá trình đó, yêu cầu về liên kết doanh nghiệp tham gia mạng lưới sản xuất, chuỗi cung ứng giá trị toàn cầu càng trở nên cấp thiết và để thúc đẩy hiệu quả của liên kết đó, cần sự đồng bộ của các nhóm giải pháp thiết thực, phù hợp với điều kiện, hoàn cảnh của đất nước ta.

Với việc không ngừng hội nhập và hội nhập ngày càng sâu vào khu vực nói riêng và thế giới nói chung, Việt Nam đang chứng minh cho tầm quan trọng của liên kết chuỗi giá trị và mạng lưới sản xuất rộng khắp, liên vùng, liên quốc gia, liên khu vực…

Hiệu quả sau khi gia nhập các tổ chức ASEAN và WTO

Thực tế, kể từ sau khi gia nhập Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO) vào năm 2007 tới nay, Việt Nam đã tham gia đàm phán và ký kết 17 Hiệp định thương mại tự do (FTA) với trong đó có 14 FTA đã được ký kết, đưa Việt Nam trở thành một trong những nền kinh tế mở cửa với việc có quan hệ thương mại với trên 230 thị trường toàn cầu, trong đó có 60 nền kinh tế có FTA với Việt Nam với 15/20 nước G20. Qua đó, tạo điều kiện cho các doanh nghiệp của Việt Nam mở rộng tiếp cận thị trường toàn cầu bởi phần lớn các rào cản trong thương mại quốc tế đã dần được dỡ bỏ, các rào cản về thủ tục pháp lý đồng thời cũng được giảm thiểu và tối giản hơn... là những cơ hội để doanh nghiệp kết nối và tham gia sâu hơn vào chuỗi giá trị và mạng lưới sản xuất toàn cầu.

Sau 25 năm kể từ khi gia nhập ASEAN (năm 1995), hơn 12 năm gia nhập WTO (năm 2007), Việt Nam đã trở thành nền kinh tế có quy mô xuất khẩu đứng thứ 22 trên thế thế giới.

Xuất khẩu của Việt Nam đã gia tăng nhanh chóng với tốc độ tăng trưởng cao trên 15% trong giai đoạn 2011-2019 và chính thức cán mốc kim ngạch 500 tỷ USD vào giữa tháng 12/2019. Thành tích này càng có ý nghĩa trong bối cảnh kinh tế, thương mại thế giới đang sụt giảm do tác động của các xung đột thương mại và cạnh tranh chiến lược giữa các nền kinh tế lớn trên thế giới. Thành tích này đã đưa Việt Nam tiếp tục duy trì thành tích xuất siêu năm thứ 4 liên tiếp trong năm 2019 (xuất siêu khoảng 9,9 tỷ USD).

Củng cố thị trường trong nước song hành với mở rộng thị trường xuất khẩu

Cùng với đó, thị trường trong nước cũng được Việt Nam xác định là một động lực quan trọng để cùng với xuất khẩu và đầu tư tạo nên trụ cột chính cho tăng trưởng của nền kinh tế.

Với việc triển khai mạnh mẽ Chương trình xúc tiến thương mại thị trường trong nước và đặc biệt là Cuộc vận động “người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam” đã góp phần tạo chuyển biến về nhận thức trong toàn xã hội, dần trở thành động lực thúc đẩy sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp và đã có đóng góp không nhỏ trong việc đảm bảo cho phát triển thị trường trong nước luôn giữ vững được đà tăng trưởng cao, ổn định với tốc độ tăng của tổng mức lưu chuyển hàng hóa bán lẻ và dịch vụ xã hội đạt xấp xỉ 17,5% trong 10 năm qua, cao hơn 3 lần so với mức tăng trưởng GDP và đưa Việt Nam trở thành một trong những thị trường bán lẻ hấp dẫn nhất toàn cầu (đứng vị trí thứ 6 trong nhóm 30 quốc gia có tiềm năng và mức độ hấp dẫn đầu tư trong lĩnh vực bán lẻ toàn cầu – theo khảo sát của Công ty tư vấn A.T Kearney).

Quá trình phát triển thị trường trong nước luôn gắn liền với sự tham gia của khu vực doanh nghiệp ngoài nhà nước, trong đó có sự xuất hiện của hệ thống các doanh nghiệp FDI với một số thương hiệu lớn như Central Group, AEON Group, E-Mark, Lotte Mart... Đáng mừng là các thương hiệu bán lẻ của doanh nghiệp trong nước cũng đã và đang phát triển mạnh mẽ với một số thương hiệu lớn như Saigon Co.opmart, Hapro, Satra, Vinmart với tốc độ phát rất nhanh.

Nhìn lại quá trình hội nhập và phát triển, chúng ta có thể nhận thấy rằng, doanh nghiệp Việt Nam đã và đang tận dụng tốt các cơ hội có được từ các FTA và các khung khổ hợp tác khu vực và đa phương khác.

Việt Nam đã khai thác một cách có hiệu quả các FTA đã ký kết khi mà các thị trường có FTA đều ghi nhận tăng trưởng xuất khẩu cao so với thời điểm trước khi có FTA như Hàn Quốc (tăng 21,6 lần), Ấn Độ (tăng 15,6 lần), Chile (tăng 3,6 lần). Đáng ghi nhận, những năm gần đây ta đã có bước chuyển biến tích cực ở khối doanh nghiệp trong nước so với khối doanh nghiệp FDI về thành tích xuất khẩu trong vài năm trở lại đây với việc tốc độ tăng kim ngạch xuất khẩu của khối các doanh nghiệp trong nước cao hơn tốc độ tăng của khu vực các doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài, qua đó đưa tỷ trọng xuất khẩu của khu vực doanh nghiệp trong nước trong cơ cấu xuất khẩu tiếp tục tăng (chiếm trên 30%) trở thành điểm sáng trong hoạt động xuất khẩu hàng hóa của Việt Nam./.

Lê Nguyễn

Nguồn ĐCSVN: http://dangcongsan.vn/kinh-te/thuc-day-lien-ket-doanh-nghiep-tham-gia-chuoi-gia-tri-toan-cau-552418.html