Thúc đẩy lâm nghiệp phát triển bằng KHKT

Những năm gần đây, nhờ đẩy mạnh nghiên cứu, chuyển giao KH&CN, nhất là về các lĩnh vực chọn tạo, nhân giống cây, bảo vệ nguồn gen quý, quản lý và bảo vệ tài nguyên rừng, phát triển các sản phẩm, thương hiệu lâm sản, đã góp phần nâng cao giá trị rừng, thúc đẩy tăng trưởng, phục vụ tái cơ cấu ngành nông nghiệp của tỉnh.

Nghiên cứu, sản xuất các giống cây trồng tại Công ty TNHH MTV Thương mại dịch vụ khoa học Thái Dương (TX Quảng Yên).

Nghiên cứu, sản xuất các giống cây trồng tại Công ty TNHH MTV Thương mại dịch vụ khoa học Thái Dương (TX Quảng Yên).

Một trong những nhiệm vụ quan trọng để thực hiện mục tiêu phát triển bền vững là làm tốt công tác chọn tạo, nhân giống cây lâm nghiệp. Đây là nhân tố đầu tiên quyết định năng suất và chất lượng cây trồng, do đó, các nhiệm vụ KH&CN thời gian qua hướng đến việc nghiên cứu, nhân giống, phát triển sản xuất các giống cây có năng suất, chất lượng cao nhằm phục vụ trồng rừng kinh tế, rừng gỗ lớn, lâm sản ngoài gỗ.

Tiêu biểu như nhiệm vụ khoa học cấp Bộ của Trung tâm KH&SX nông lâm nghiệp Quảng Ninh về nghiên cứu phát triển công nghệ nhân nhanh 3 giống bạch đàn GLSE 9, GLGU 9, GLU 4. Qua đó đã làm chủ các công đoạn trong việc nhân giống, như: Chế độ khử trùng và vào mẫu; mùa vụ vào mẫu; môi trường nhân nhanh; môi trường ra rễ; cách chăm sóc cây con ngoài vườn ươm. Đến nay, các giống bạch đàn trên đã được Tổng cục Lâm nghiệp (Bộ NN&PTNT) công nhận để đưa vào sản xuất.

Việc nghiên cứu xây dựng mô hình sản xuất giống và trồng rừng thâm canh keo tai tượng cũng đã cho thấy hiệu quả tích cực khi phát triển được giống cây keo chất lượng, hiệu quả kinh tế cao. Mô hình này đang được triển khai rộng rãi tại các địa phương trong tỉnh, được nhiều doanh nghiệp, đơn vị trong nước đặt hàng cây giống.

Lãnh đạo Sở KH&CN tham quan khu nuôi cấy mô của Công ty CP Phát triển Agri-Tech.

Hiện trên địa bàn tỉnh có 4 cơ sở nuôi cấy mô tế bào áp dụng công nghệ hiện đại, là: Công ty CP Phát triển Agri-Tech, Trung tâm KH&SX nông lâm nghiệp Quảng Ninh, Công ty TNHH MTV Thương mại dịch vụ khoa học Thái Dương, Trường CĐ Nông Lâm Đông Bắc. Các cơ sở này đang nghiên cứu, sản xuất gần 20 triệu cây giống/năm.

Bên cạnh phát triển sản xuất giống cây lâm nghiệp, tỉnh dành nguồn lực thực hiện các nhiệm vụ KH&CN về nghiên cứu bảo tồn, phát triển nguồn gen các loài cây quý hiếm, có giá trị kinh tế, giá trị dược liệu. Trong đó tập trung bảo tồn tại chỗ các loài cây gỗ có giá trị, như loài cây lim xanh, cây kim giao núi đá tại Vườn quốc gia Bãi Tử Long; cây dẻ tùng sọc trắng tại Khu Bảo tồn thiên nhiên Đồng Sơn - Kỳ Thượng; quần thể cây tùng cổ tại Khu di tích và rừng quốc gia Yên Tử…

Cùng với đó, đẩy mạnh ứng dụng công nghệ tiên tiến trong khai thác, phát triển một số nguồn gen cây lâm nghiệp trở thành sản phẩm thương mại. Tiêu biểu như áp dụng công nghệ điều khiển thời gian nở hoa mai vàng Yên Tử; công nghệ sản xuất sản phẩm bổ dưỡng sức khỏe từ lan kim tuyến, lan thạch hộc tía, ba kích tím, trà hoa vàng; công nghệ sản xuất nhựa thông đạt tiêu chuẩn xuất khẩu.

Viện Khoa học lâm nghiệp Việt Nam đánh giá mô hình trồng keo tai tượng tại Quảng Ninh.

Tỉnh cũng tập trung hỗ trợ các doanh nghiệp ứng dụng, đổi mới công nghệ giải quyết những điểm nghẽn trong chuỗi sản xuất, chế biến lâm sản. Qua đó, giúp các doanh nghiệp nâng cao năng suất, chất lượng sản phẩm, đáp ứng các tiêu chuẩn xuất khẩu sang các thị trường có yêu cầu khắt khe, như Nhật Bản, Hàn Quốc, Đức… Đồng thời, ban hành chính sách hỗ trợ xây dựng nhãn hiệu sản phẩm lâm sản gắn với địa danh của tỉnh nhằm phát huy giá trị của sản phẩm lâm nghiệp. Đến nay, đã có nhiều nhãn hiệu sản phẩm được xây dựng đăng ký bảo hộ sở hữu công nghiệp như: Nhựa thông Quảng Ninh; rượu ba kích tím Quảng Ninh; nấm lim, mật ong, sâm cau, trà hoa vàng Ba Chẽ; dầu sở Bình Liêu…, tiêu thụ ở nhiều tỉnh trong nước, mở rộng thị trường xuất khẩu.

Thời gian tới, tỉnh tiếp tục đẩy mạnh nghiên cứu khoa học, chuyển giao công nghệ trong lĩnh vực lâm nghiệp nhằm xây dựng vườn ươm; chuyển đổi giống cây trồng phục vụ chương trình phát triển rừng gỗ lớn, cây dược liệu giá trị kinh tế cao; xây dựng, phát triển thương hiệu gỗ và lâm sản ngoài gỗ; đổi mới công nghệ chế biến sâu, nâng cao chất lượng sản phẩm lâm sản. Đồng thời, triển khai ứng dụng công nghệ thông minh trong phòng cháy, chữa cháy rừng; theo dõi giám sát tài nguyên rừng và đất lâm nghiệp.

Nguyên Ngọc - Lâm Phong (CTV)

Nguồn Quảng Ninh: http://baoquangninh.com.vn/khoa-hoc-cong-nghe/202007/thuc-day-lam-nghiep-phat-trien-bang-khkt-2492092/