Thúc đẩy kinh tế tuần hoàn, kiến tạo tương lai xanh

Kinh tế tuần hoàn (KTTH) là một mô hình kinh tế trong đó toàn bộ các hoạt động từ thiết kế, sản xuất đến cung cấp dịch vụ hướng tới tái sử dụng vật chất và loại bỏ tác động tiêu cực đến môi trường. Với tính ưu việt trên, KTTH được xem là xu hướng phát triển tất yếu trong bối cảnh hiện nay, góp phần xây dựng một nền kinh tế phát triển nhanh, bền vững…

Manh nha...

Mô hình khởi nghiệp tiệm trà sử dụng vật liệu thân thiện môi trường tại TP Cần Thơ.

Mô hình khởi nghiệp tiệm trà sử dụng vật liệu thân thiện môi trường tại TP Cần Thơ.

Theo các chuyên gia, KTTH dựa trên các nguyên tắc chính gồm: thiết kế để tái sử dụng; khả năng linh động nhờ sự đa dạng; sử dụng năng lượng từ các nguồn vô tận; tư duy hệ thống và nền tảng sinh học. KTTH chú trọng việc quản lý, tái tạo tài nguyên theo một vòng khép kín nhằm tránh tạo ra chất thải và việc tận dụng tài nguyên được thực hiện bằng nhiều hình thức tái chế, tái sử dụng. Chính vì thế, trong vòng vài thập niên trở lại đây, phát triển mô hình KTTH là xu hướng chung của toàn cầu, đã được chứng minh thành công ở nhiều quốc gia trên thế giới.

Bí thư Thành ủy Cần Thơ Lê Quang Mạnh cho rằng thời gian qua, những tác động từ tình trạng gia tăng dân số, biến đổi khí hậu toàn cầu, yêu cầu tăng trưởng kinh tế cao... nhiều quốc gia trên thế giới, trong đó, có Việt Nam, phải đối diện với nhiều thách thức do tình trạng ô nhiễm môi trường, nguồn tài nguyên thiên nhiên bị khai thác ngày càng suy kiệt, thiên tai dịch họa ngày càng gia tăng, đe dọa nghiêm trọng đến môi trường sống, sức khỏe con người. Trước thực trạng đó, để phát triển nhanh, bền vững, giải quyết hài hòa mối quan hệ giữa tăng trưởng kinh tế và bảo vệ môi trường, "không đánh đổi" tăng trưởng kinh tế với ô nhiễm và suy thoái môi trường, khai thác sử dụng có hiệu quả nguồn tài nguyên thiên nhiên, chuyển đổi sang KTTH là hướng đi thích hợp.

Cùng với cả nước, các tỉnh, thành phía Nam cũng đã xuất hiện một số mô hình hoạt động theo các nguyên tắc của mô hình KTTH và bước đầu đem lại nhiều thành quả đáng khích lệ. Điển hình như; TP Cần Thơ bước đầu hình thành một vài mô hình theo hướng KTTH như: Nhà máy đốt rác phát điện Cần Thơ; Vườn ươm Công nghệ Công nghiệp Việt Nam - Hàn Quốc; xây dựng Hệ sinh thái khởi nghiệp đổi mới sáng tạo TP Cần Thơ (CanTho Starup Ecosystem). Từ năm 2018, tỉnh Bình Dương đã đưa vào vận hành khu liên hợp xử lý chất thải Bình Dương. Ngoài việc thu gom và xử lý rác thải, khu liên hợp này còn được đầu tư nhiều công nghệ mới để biến rác thải thành nguồn nguyên liệu tạo ra sản phẩm có giá trị. Tỉnh Tiền Giang hiện có 26 cơ sở ứng dụng công nghệ cao trong chăn nuôi. Các cơ sở này áp dụng hệ thống chăn nuôi chuồng kín, có thể quản lý được nhiệt độ, ẩm độ và sức gió trong chuồng nuôi, có hệ thống xử lý chất thải… hạn chế mùi hôi, không gây ô nhiễm môi trường. Tỉnh Vĩnh Long có mô hình lúa hữu cơ của Hợp tác xã Tấn Đạt sản xuất lúa khép kín, tạo các sản phẩm giá trị gia tăng, đóng gói, cung cấp thị trường.

Phó Chủ tịch UBND tỉnh Bến Tre Nguyễn Trúc Sơn cho biết: Bến Tre nổi bật với 3 mô hình KTTH. Đó là sản xuất chế biến dừa theo chuỗi giá trị khép kín với 44 sản phẩm; mô hình chăn nuôi bò lấy phân nuôi trùn quế và lấy trùn quế nuôi thủy sản và mô hình đốt giấy thải tại nhà máy giấy để phát điện công suất đủ phục vụ cho cả cụm công nghiệp.

Phát triển sâu rộng KTTH

Trên thực tế, mô hình KTTH tại các tỉnh, thành phía Nam nói riêng và Việt Nam nói chung chỉ mới bắt đầu manh nha và còn khá mới mẻ, nhất là đối với cộng đồng doanh nghiệp (DN) và người dân. Để mô hình KTTH được triển khai sâu rộng, tại hội thảo khoa học với chủ đề: Phát triển KTTH ở các tỉnh, thành phía Nam - vấn đề và giải pháp do Bộ Biên tập Tạp chí Cộng sản phối hợp Thành ủy Cần Thơ tổ chức mới đây, nhiều ý kiến cho rằng: vấn đề trước tiên là nhận thức đúng về bản chất của mô hình KTTH được thực hiện từ thiết kế đến triển khai, trong các ngành, lĩnh vực, đối với từng DN, người dân và các cấp quản lý, lãnh đạo để tạo ra một đồng thuận chung. Bên cạnh đó, văn hóa tiêu dùng quy định ứng xử của DN đối với hàng hóa, cần định hướng người tiêu dùng hướng đến tiêu dùng xanh, tiêu dùng thông minh... Có như vậy mới điều chỉnh được hành vi sản xuất của DN theo hướng KTTH.

Đồng quan điểm trên, bà Đoàn Thị Hồng Vân, Trường Đại học Kinh tế TP Hồ Chí Minh, đề xuất trang bị những kiến thức chính xác, toàn diện, đầy đủ và cập nhật về KTTH cho nhà quản lý các cấp, DN và người dân. Chỉ khi nào có nhận thức đúng thì mới có thể hành động đúng. Bên cạnh đó, xây dựng một hành lang pháp lý rõ ràng cho việc hình thành, phát triển KTTH từ chủ trương của Đảng đến pháp luật của Nhà nước.

Trước cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư, KTTH sẽ không phải là điều xa vời đối với DN Việt Nam, bà Đinh Thị Kiều Oanh, Trường Đại học Kỹ thuật - Công nghệ Cần Thơ, cho rằng: DN có ngành gần có thể liên kết, hợp tác với nhau để thực hiện và chia sẻ những kinh nghiệm áp dụng sản xuất sạch; thành lập các tổ hợp sản xuất sạch hơn. Đồng thời, liên kết với các trường đại học, viện nghiên cứu đưa các mô hình sản xuất sạch, kỹ thuật và công nghệ mới… vào quá trình sản xuất của đơn vị.

Theo ông Lê Văn Sử, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Cà Mau, phát triển KTTH là vấn đề lớn đối với nền kinh tế và đất nước. Điều này đòi hỏi xây dựng chiến lược tổng thể với hệ thống các giải pháp đầy đủ để triển khai thực hiện. Cùng với đó, cần có chính sách đủ mạnh hướng đến DN để phát huy vai trò dẫn dắt trong KTTH.

Thượng tướng Nguyễn Văn Thành, Ủy viên Trung ương Đảng, Thứ trưởng Bộ Công an, nhấn mạnh: Để quản lý các nguồn tài nguyên thiên nhiên đang cạn kiệt và đối phó với lượng chất thải ngày càng tăng, phải tránh xa tư duy phát triển kinh tế tuyến tính, chuyển sang chu trình khép kín đối với tất cả các tài nguyên được sử dụng. Để đạt được sự chuyển đổi này, đòi hỏi sự hợp tác chưa từng có bằng cách thúc đẩy 3 trụ cột chính. Đó là biến đổi chuỗi giá trị vật chất, hình thành phát triển các chuỗi giá trị vật chất toàn cầu để thúc đẩy các mô hình tuần hoàn - từ nhựa, điện tử, pin, xe hơi, đến thời trang/dệt may; kinh tế thương mại tuần hoàn, cần thiết hình thành mô hình thương mại quốc tế gắn với mô hình tuần hoàn; mô hình KTTH thích ứng với cách mạng công nghiệp 4.0…

Bài, ảnh: T. TRINH

Nguồn Cần Thơ: https://baocantho.com.vn/thuc-day-kinh-te-tuan-hoan-kien-tao-tuong-lai-xanh-a127469.html