Thúc đẩy kiểm toán môi trường

Với tư cách nước chủ nhà đăng cai Đại hội Tổ chức các cơ quan kiểm toán tối cao châu Á lần thứ 14 (Đại hội ASOSAI 14), Kiểm toán Nhà nước (KTNN) Việt Nam đề xuất chủ đề Đại hội là 'Kiểm toán môi trường (KTMT) vì sự phát triển bền vững' và đã nhận được sự đồng thuận rất cao của tất cả 46 thành viên. Bởi môi trường đang là vấn đề thách thức trên toàn cầu, đòi hỏi sự chung tay giải quyết của các quốc gia.

KTMT không còn xa lạ ở các nước có nền công nghiệp hiện đại nhưng còn khá mới mẻ ở các nước đang phát triển, trong đó có Việt Nam. Đến nay, KTNN Việt Nam chưa xây dựng được một đội ngũ kiểm toán viên môi trường chuyên nghiệp, cho nên nội dung KTMT chủ yếu được thực hiện lồng ghép trong các cuộc kiểm toán năm. Từ năm 2016, KTMT được đẩy mạnh với việc thực hiện hàng loạt cuộc kiểm toán liên quan môi trường như kiểm toán quản lý nhà nước về tài nguyên khoáng sản giai đoạn 2014 - 2016 của một số bộ và địa phương; kiểm toán về quản lý, khai thác, đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng, khu công nghiệp gắn liền với bảo vệ môi trường tại Hậu Giang; kiểm toán giải pháp sử dụng túi ni-lông thông thường tại TP Hồ Chí Minh; kiểm toán quản lý môi trường tại các khu công nghiệp tỉnh Bắc Ninh... Đáng lưu ý, trong kế hoạch kiểm toán năm 2019 vừa báo cáo Ủy ban Thường vụ Quốc hội, KTNN Việt Nam đã đưa vào chủ đề kiểm toán việc quản lý nhập khẩu phế liệu từ nước ngoài vào Việt Nam.

Việt Nam đứng thứ năm trong số 10 quốc gia bị ảnh hưởng nghiêm trọng nhất do biến đổi khí hậu. Thiên tai ở Việt Nam gần đây diễn biến ngày càng nguy hiểm và khó lường, thiệt hại rất lớn, nhưng ý thức bảo vệ môi trường vì sự phát triển bền vững trong nhận thức và hành động của cả xã hội vẫn còn nhiều hạn chế. Sáu tháng đầu năm 2018, giá trị phế liệu nhập khẩu vào Việt Nam đã gần bằng giá trị cả năm 2017, trung bình mỗi tháng nhập khẩu gần 200 triệu USD. Theo kết quả kiểm tra thực tế, nhiều lô hàng nhập về là rác tại các nước kinh tế phát triển, như máy móc, thiết bị đã qua sử dụng, pin cũ… Trong bối cảnh cách mạng công nghiệp 4.0, Việt Nam tiếp tục thu hút nguồn vốn đầu tư nước ngoài rất lớn đổ vào, nếu không có biện pháp ngăn chặn, phòng ngừa sẽ có nguy cơ biến thành “bãi rác” của thế giới.

Bên cạnh nhiệm vụ “gác cửa” của các bộ, ngành chức năng, sự tham gia của KTNN trong vấn đề bảo vệ môi trường là rất cần thiết. KTMT được thực hiện sớm và hiệu quả sẽ giúp chúng ta lường trước được mức độ ảnh hưởng của các dự án đến môi trường để phòng tránh. Thông qua các cuộc KTMT sẽ thấy được bức tranh tổng thể về tình hình quản lý và bảo vệ môi trường của cả nước, từ đó cung cấp thông tin cho Quốc hội, Chính phủ đưa ra những chính sách, văn bản luật kịp thời, phù hợp.

Để hoạt động KTMT đạt hiệu quả cao hơn, KTNN Việt Nam xác định Đại hội ASOSAI 14 là cơ hội để tranh thủ học hỏi kinh nghiệm và hợp tác với các thành viên trong lĩnh vực KTMT, nâng cao năng lực của KTNN Việt Nam trong chuyên ngành mới này. Từ đó, giúp KTNN Việt Nam trở thành một trong những nhân tố tích cực trong công tác bảo vệ môi trường. Để chung tay bảo vệ môi trường, cần tăng cường trách nhiệm xã hội của các đơn vị, tổ chức và cá nhân trong nền kinh tế, nhất là các doanh nghiệp. Kiểm toán nội bộ các đơn vị cũng cần quan tâm đến công tác KTMT, như: tư vấn cho lãnh đạo đơn vị có giải pháp phù hợp để thực hiện các kiến nghị của KTNN; đề xuất hội đồng quản trị tổ chức KTMT...

TÔ HÀ

Nguồn Nhân Dân: http://nhandan.com.vn/chinhtri/item/37694702-thuc-day-kiem-toan-moi-truong.html