Thúc đẩy kết nối để khai trương Trục liên thông văn bản quốc gia

Bộ trưởng, Chủ nhiệm VPCP Mai Tiến Dũng cho biết, việc khai trương Trục liên thông văn bản quốc gia vào ngày 20/2/2019 sắp tới là một trong bước đi của quá trình xây dựng Chính phủ điện tử, lấy người dân, doanh nghiệp làm trung tâm phục vụ.

Bộ trưởng, Chủ nhiệm VPCP Mai Tiến Dũng chủ trì hội nghị

Chiều 18/1, tại trụ sở Chính phủ, Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ (VPCP) Mai Tiến Dũng đã chủ trì hội nghị về giải pháp thúc đẩy thực hiện Quyết định số 28/2018/QĐ-TTg ngày 12/7/2018 của Thủ tướng Chính phủ về gửi, nhận văn bản điện tử giữa các cơ quan trong hệ thống hành chính nhà nước.

Tham dự hội nghị có đại diện lãnh đạo các Bộ, cơ quan ngang Bộ, cơ quan thuộc Chính phủ; đại diện Tập đoàn Viettel, VNPT... Hội nghị được tổ chức trực tuyến đến đầu cầu 63 tỉnh, thành phố.

Phát biểu khai mạc hội nghị, Bộ trưởng, Chủ nhiệm VPCP Mai Tiến Dũng nhấn mạnh, xây dựng Chính phủ điện tử tiến tới Chính phủ số, nền kinh tế số là ưu tiên của Chính phủ, là nhiệm vụ trọng tâm Chính phủ đang triển khai. Vì vậy, ngày 28/8/2018, Thủ tướng đã thành lập Ủy ban quốc gia về Chính phủ điện tử do Thủ tướng Chính phủ là Chủ tịch Ủy ban; Phó Thủ tướng Chính phủ là Phó Chủ tịch Ủy ban; Bộ trưởng, Chủ nhiệm VPCP là ủy viên Thường trực kiêm Tổng thư ký. Theo đó, VPCP trực tiếp cùng Bộ Thông tin và Truyền thông triển khai nhiệm vụ này.

Để triển khai nhiệm vụ, VPCP đã tham mưu trình Thủ tướng Chính phủ ban hành Quyết định số 28/2018/QĐ-TTg ngày 12/7/2018 về gửi, nhận văn bản điện tử giữa các cơ quan trong hệ thống hành chính nhà nước.

Để gửi, nhận văn bản điện tử giữa các cơ quan trong hệ thống hành chính nhà nước phải có Trục liên thông văn bản quốc gia để gửi, nhận chia sẻ thông tin nhằm tiếp tục cung cấp dịch vụ công cho người dân, doanh nghiệp.

“Triển khai Quyết định số 28/2018/QĐ-TTg, ngày 20/2/2019 sẽ quyết tâm công bố, khai trương Trục liên thông văn bản quốc gia”, Bộ trưởng, Chủ nhiệm VPCP cho biết.

Theo Bộ trưởng, Chủ nhiệm, việc làm này chính là thay đổi cách làm truyền thống bằng việc cải cách để người dân không cần đến cơ quan hành chính nhà nước, không cần gặp trực tiếp cán bộ khi cần giải quyết TTHC, từ đó giảm thời gian và chi phí khác mà doanh nghiệp, người dân phải bỏ ra.

84/95 đơn vị kết nối trục liên thông

Cũng theo Bộ trưởng, Chủ nhiệm VPCP, trong quá trình thử nghiệm, có 95 đầu mối kết nối, liên thông thử nghiệm gửi, nhận văn bản điện tử. Hiện đã có 84/95 đơn vị kết nối và có phản hồi (81 đơn vị phản hồi tốt, 3 đơn vị chưa phản hồi). Còn lại 11 dơn vị đang tiến hành thử nghiệm.

Để khai trương Trục liên thông văn bản quốc gia, Bộ trưởng, Chủ nhiệm VPCP đề nghị các Bộ, ngành, địa phương quán triệt quan điểm chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ để cải cách mạnh mẽ về quy trình, thủ tục hành chính. Thủ tướng Chính phủ cũng đang chỉ đạo xây dựng văn bản liên quan xây dựng Chính phủ điện tử, quy định kết nối chia sẻ thông tin, bảo mật thông tin, lưu trữ hồ sơ điện tử.

Bộ trưởng, Chủ nhiệm VPCP cũng nhấn mạnh, quan trọng nhất là công tác truyền thông, đào tạo cán bộ công chức thực thi để người dân hiểu thực sự về những cải cách của Chính phủ. Vì vậy, Bộ trưởng, Chủ nhiệm VPCP đề nghị Văn phòng UBND và Sở Thông tin và Truyền thông các tỉnh, thành phố sẽ là hai hạt nhân trực tiếp tham gia. Về phía Trung ương, VPCP và Bộ Thông tin và Truyền thông sẽ thực hiện tiên phong và chia sẻ với các Bộ, cơ quan. Cụ thể, hiện nay VPCP đang là cơ quan đi đầu và là mẫu hình trong xây dựng văn phòng phi giấy tờ, toàn bộ văn bản được duyệt trên môi trường điện tử và sử dụng chữ ký số.

Bộ trưởng, Chủ nhiệm VPCP cũng đề nghị các Bộ, ngành, địa phương quyết tâm thực hiện để để đúng lịch 20/2/2019 tổ chức công bố, khai trương Trục liên thông văn bản quốc gia.

Cam kết khai trương đúng thời hạn

Tại hội nghị, 18 ý kiến của các cơ quan và địa phương đều bày tỏ quyết tâm trong việc triển khai kết nối hệ thống văn bản quản lý điều hành với Trục liên thông văn bản quốc gia đúng thời hạn ngày 20/2/2019.

Các địa phương chưa kết nối với Trục liên thông văn bản quốc gia như: Khánh Hòa, Hậu Giang, Trà Vinh đều đưa ra cam kết đến 25/1 hoàn thành việc kết nối. Tỉnh Khánh Hòa cho biết đã triển khai kết nối với 53 cơ quan cấp tỉnh, đảng, đoàn thể, cấp xã. Tỉnh Hậu Giang đã thực hiện kết nối phần mềm quản lý văn bản với trục liên thông giữa 3 cấp tỉnh, huyện xã và đang điều chỉnh hoàn thiện phần mềm để hoàn thành đúng hạn.

Đại diện các địa phương đã thực hiện kết nối liên thông như Hà Nội, Cần Thơ, Đà Nẵng… đều chia sẻ đã sẵn sàng cho việc kết nối. TP. Hà Nội cam kết phối hợp các đơn vị để kết nối chính thức vào ngày 20/2; tỉnh Cần Thơ cho biết đã có 459 đơn vị kết nối qua trục liên thông của địa phương; còn Đà Nẵng cho biết đã kết nối và sẵn sàng nâng cấp phần mềm, bảo đảm triển khai chính thức đúng thời hạn.

Theo đại diện Bộ Nội vụ, Bộ trưởng Bộ Nội vụ đã chỉ đạo các đơn vị liên quan để cùng VPCP, Bộ Thông tin và Truyền thông hình mẫu sử dụng phần mềm liên thông với trục văn bản điện tử quốc gia. Vì vậy, Bộ đã triển khai thí điểm việc kết nối văn bản điện tử vào trục liên thông từ 1/1/2019 và đến nay đã chính thức đưa vào hoạt động.

Với những quyết tâm thực hiện để khai trương Trục liên thông văn bản quốc gia đúng thời hạn, ông Ngô Hải Phan, Cục trưởng Cục Kiểm soát TTHC (VPCP) đánh giá, đây là tín hiệu đáng mừng, là tiền đề để các Bộ, ngành, địa phương cùng nhau thực hiện việc kết nối văn bản điện tử, để ngày 20/2/2019 chính thức vận hành Trục liên thông văn bản quốc gia.

Nguồn Chính Phủ: http://baochinhphu.vn/thoi-su/thuc-day-ket-noi-de-khai-truong-truc-lien-thong-van-ban-quoc-gia/357427.vgp