THÚC ĐẨY HỢP TÁC SONG PHƯƠNG VÀ ĐA PHƯƠNG TRONG KIỂM SOÁT KHỦNG HOẢNG Y TẾ, PHÁT TRIỂN KINH TẾ - XÃ HỘI BỀN VỮNG

Tiếp tục chương trình nghị sự, chiều ngày 29/11, tại Thành phố Đà Nẵng, các đại biểu tham dự Hội nghị lần thứ X Vùng châu Á – Thái Bình Dương đã tập trung thảo luận về chủ đề ''Vai trò của nghị viện trong kiểm soát khủng hoảng y tế, tái thiết và phát triển kinh tế - xã hội'. Nghị sĩ M. Leat YIM – đại diện Phân ban Campuchia chủ trì Phiên thảo luận.

TĂNG CƯỜNG HỢP TÁC TRONG CỘNG ĐỒNG PHÁP NGỮ VỀ ỨNG PHÓ VỚI BIẾN ĐỔI KHÍ HẬU

Toàn cảnh Hội nghị

Toàn cảnh Hội nghị

Gần 03 năm nay, đại dịch COVID-19 là đại dịch lớn nhất trong hơn 100 năm qua thế giới đã trải qua. Đại dịch này không chỉ đẩy hệ thống y tế toàn cầu rơi vào khủng hoảng mà còn kéo theo cuộc khủng hoảng kinh tế nghiêm trọng nhất kể từ Đại suy thoái vào những năm 30 của thế kỷ trước; đặt ra những thách thức chưa từng có, có thể làm chậm tiến trình đạt được các mục tiêu phát triển của các quốc gia, đặc biệt ở những quốc gia đang phát triển, trong đó có Việt Nam.

Tham gia thảo luận, đại biểu Phạm Khánh Phong Lan – Đoàn đại biểu Quốc hội Thành phố Hồ Chí Minh nêu rõ, với vai trò là cơ quan quyền lực cao nhất của Nhà nước, Quốc hội Việt Nam đã chủ động, dự báo tình huống, dự liệu từ sớm, từ xa trong việc ban hành chính sách để ứng phó với các tình huống khẩn cấp về sức khỏe, đưa ra những quyết sách mạnh mẽ, quyết liệt, tạo điều kiện tốt nhất cho Chính phủ thực hiện công tác phòng, chống dịch COVID-19 cũng như tái thiết, phát triển kinh tế - xã hội.

Trong kiểm soát khủng hoảng y tế, phòng, chống dịch bệnh COVID-10, ngay sau khi Quốc hội khóa XV được bầu, để ứng phó kịp thời, có hiệu quả với diễn biến phức tạp của tình hình dịch COVID-19, sớm ổn định và kiểm soát dịch bệnh, đưa đất nước trở lại trạng thái “bình thường mới”, tại Kỳ họp thứ Nhất, Quốc hội đã thông qua Nghị quyết Kỳ họp số 30/2021/QH15 với nhiều nội dung chưa từng có tiền lệ.

Nghị sĩ M. Leat YIM – đại diện Phân ban Campuchia chủ trì Phiên thảo luận

Về công tác giám sát, tại các kỳ họp, Quốc hội nghe Chính phủ báo cáo về công tác phòng, chống dịch bệnh COVID-19 cũng như việc thực hiện Nghị quyết 30/2021/QH15 và một số nội dung khác. Bên cạnh đó, Ủy ban Thường vụ Quốc hội thành lập Tổ Công tác về việc thực hiện Nghị quyết 30/2021/QH15 liên quan đến phòng, chống COVID-19 (hoạt động 24/7) để theo dõi, giám sát việc thực hiện Nghị quyết đặc biệt này của Quốc hội. Trong việc quyết định ngân sách, Quốc hội đã thực hiện việc chuyển nguồn kinh phí để mua vaccine và cho công tác phòng, chống dịch. Với chức năng đại diện cho nhân dân, các đại biểu Quốc hội phát huy được vai trò của mình trong bối cảnh dịch bệnh.

Theo đại biểu, đến nay, Việt Nam đã cơ bản kiểm soát dịch COVID-19, đời sống của nhân dân dần trở lại bình thường, các hoạt động kinh tế - xã hội đang từng bước phục hồi mạnh mẽ và đạt được những kết quả quan trọng, khẳng định tính kịp thời, đúng đắn, hiệu quả trong công tác lãnh đạo, chỉ đạo của Đảng, Lãnh đạo Đảng, Nhà nước và các quyết sách của Quốc hội, việc ban hành chính sách của Chính phủ đối với công tác phòng, chống dịch COVID-19.

Tuy nhiên, có ý kiến chỉ ra rằng, đại dịch COVID-19 đã chỉ ra những yếu kém trong hệ thống y tế của mỗi nước, trong đó có Việt Nam đối với ứng phó và đáp ứng đại dịch quy mô toàn cầu. Do đó, các đại biểu Phân ban Việt Nam cho biết trong thời gian tới, Quốc hội Việt Nam sẽ tập trung vào việc hoàn thiện chính sách, pháp luật trong lĩnh y tế; tiếp tục triển khai có hiệu quả công tác giám sát và tiếp tục kiến nghị Chính phủ thực hiện các giải pháp hữu hiệu nhằm tăng chi cho công tác y tế, tăng đầu tư cho y tế cơ sở, y tế dự phòng, bảo đảm việc cung ứng thuốc, thiết bị y tế…

Các đại biểu tham gia thảo luận

Các đại biểu cũng cho biết, trong thời kỳ dịch bệnh COVID-19, Việt Nam đặt ra mục tiêu kép vừa phòng, chống dịch, vừa phục hồi, phát triển kinh tế - xã hội nhanh, bền vững. Song song với việc ban hành các chính sách phòng, chống dịch, Quốc hội cũng ban hành các chính sách hỗ trợ người dân, người lao động, doanh nghiệp từng bước phục hồi, phát triển kinh tế - xã hội. Theo đó, tháng 01/2022, Quốc hội tổ chức Kỳ họp bất thường để ban hành riêng Nghị quyết số 43/2022/QH15 về chính sách tài khóa, tiền tệ hỗ trợ Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội. Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội luôn đồng hành cùng Chính phủ, nhân dân trong cuộc chiến đấu phòng, chống dịch bệnh COVID-19. Trước hết được thể hiện thông qua việc ủng hộ những quyết sách của Chính phủ để kịp thời hỗ trợ người dân, doanh nghiệp bị tác động bởi dịch bệnh COVID-19, luôn nỗ lực để không ai bị bỏ lại phía sau trong bối cảnh dịch bệnh.

Từ thực tiễn Quốc hội tham gia phòng, chống dịch bệnh COVID-19, tái thiết và phát triển kinh tế - xã hội ở Việt Nam, thay mặt Đoàn Việt Nam, đại biểu Phạm Khánh Phong Lan cho rằng Nghị viện các nước trong Cộng đồng Pháp ngữ cần chung tay hỗ trợ lẫn nhau để cùng hợp tác đẩy lùi dịch bệnh, phát triển kinh tế - xã hội bền vững. Đồng thời tập trung hoàn thiện thể chế, pháp luật; thúc đẩy để ban hành chính sách để nâng cao hiệu quả hoạt động, tính bền vững và khả năng chống chịu của hệ thống y tế.

Đại biểu Phạm Khánh Phong Lan – Đoàn đại biểu Quốc hội Thành phố Hồ Chí Minh

Cùng với đó, thúc đẩy hợp tác song phương và đa phương, nghiên cứu, chung tay, phối hợp chặt chẽ và chia sẻ thông tin, kinh nghiệm với Quốc hội các nước trong việc xây dựng một cộng đồng các nước Pháp ngữ vững mạnh để ngăn chặn đại dịch COVID-19, dịch bệnh mới nổi và các khủng hoảng y tế khác trong tương lai vì lợi ích chung và sức khỏe người dân mỗi nước. Tăng cường vai trò giám sát của Quốc hội trong việc thực hiện chính sách và trách nhiệm giải trình của Chính phủ để các chính sách được thực hiện kịp thời, hiệu quả đến từng người dân.

Về phía Campuchia, đại diện Phân ban Campuchia cho biết, Chính phủ Campuchia đã áp dụng nhiều biện pháp để phòng chống dịch, sử dụng trang thiết bị hiện đại, phương pháp hỗ trợ y tế mới, thông tin nhanh chóng, kịp thời tới người dân để kiểm soát hiệu quả dịch bệnh. Đưa ra một số khuyến nghị trong phòng, chống dịch bệnh, đại diện Phân ban Campuchia cho rằng cần tiếp tục hoàn thiện, cải tiến các phương pháp phòng tránh ở mức độ địa phương để đáp ứng kịp thời trường hợp dịch bệnh quay trở lại trong tương lai.

Cũng trong chiều nay, sau khi kết thúc Phiên thảo luận, Hội nghị lần thứ X Vùng châu Á – Thái Bình Dương trong Liên minh Nghị viện Pháp ngữ (APF) đã bế mạc sau 3 ngày làm việc tích cực, trách nhiệm, hiệu quả. Các đại biểu đã thông qua báo cáo tổng kết hội nghị và quy chế hoạt động của Vùng châu Á – Thái Bình Dương trong APF.

Trân trọng giới thiệu một số hình ảnh:

Các đại biểu tham gia Hội nghị

Các đại biểu tham gia thảo luận về nhiều vấn đề liên quan đến vai trò của nghị viện trong kiểm soát khủng hoảng y tế, tái thiết và phát triển kinh tế - xã hội

Các đại biểu cho rằng cần tiếp tục hoàn thiện, cải tiến các phương pháp phòng tránh ở mức độ địa phương để đáp ứng kịp thời trường hợp dịch bệnh quay trở lại trong tương lai.

Chủ nhiệm Ủy ban Xã hội Nguyễn Thúy Anh chụp ảnh lưu niệm cùng các đại biểu tham dự Hội nghị

Minh Thành

Nguồn Quốc Hội: https://quochoi.vn/tintuc/pages/tin-hoat-dong-cua-quoc-hoi.aspx?itemid=71002