Thúc đẩy hợp tác phát triển ngành nước

Mới đây, tại Hà Nội đã diễn ra Diễn đàn ngành nước Ðức - Việt. Qua đó, các chuyên gia, nhà quản lý ngành nước của Hà Nội nói riêng và Việt Nam nói chung đã học hỏi được những kinh nghiệm hay của nước Ðức trong vận hành, quản lý, sử dụng nguồn tài nguyên nước, nhất là trong lĩnh vực cung cấp nước sạch và thu gom, xử lý nước thải.

Từ một đất nước có nhiều dòng sông bị ô nhiễm, ít người dân được sử dụng nước sạch, đến nay, gần 100% số các hộ dân ở Ðức được đấu nối nước sinh hoạt đạt chất lượng có thể uống trực tiếp tại vòi, nước thải được thu gom và xử lý, tỷ lệ thất thoát nước sinh hoạt chỉ chiếm 6,8%, mức thấp nhất trên thế giới. Bà J.Bra-un, Giám đốc điều hành hội Hợp tác ngành nước Ðức (GWP) cho biết, chất lượng nước được bảo đảm nhờ các quy định và yêu cầu mang tính pháp lý chặt chẽ. Các cơ quan thường xuyên phân tích và kiểm tra chất lượng nước. Hiện nay, giá nước sinh hoạt trung bình tại Ðức là 5 ơ-rô/m3, trong đó chi phí cho nước thải chiếm tới hai phần ba giá nước.

Ðại sứ CHLB Ðức tại Việt Nam C.Bớc-gơ chia sẻ thêm, hiện nay ở Ðức, người dân sử dụng nước với xu hướng ít đi. Ðây là điều rất lạ khi nhu cầu sinh hoạt ngày càng nhiều hơn. Ðó là do người dân đã nhận thức được nguồn nước là tài nguyên có hạn, cho nên cần phải tiết kiệm. Ðến nay, Ðức đã có những quy định cụ thể về việc tiết kiệm khi sử dụng tài nguyên nước. Thí dụ, người dân không được rửa xe riêng ở nhà, trên đường phố, mà phải rửa ở nơi chuyên dụng, rửa tập trung để tiết kiệm nước, nếu vi phạm sẽ bị phạt. Bên cạnh đó, luật cũng quy định nếu làm tổn hại môi trường phải bồi thường tương xứng.

Tại Hà Nội, dù luôn xác định phát triển hệ thống cấp nước sạch, hệ thống cây xanh, công viên, hồ nước, thu gom xử lý nước thải và vệ sinh môi trường là nhiệm vụ trọng tâm, cần ưu tiên, nhưng thực tế vẫn còn nhiều khó khăn, bất cập. Về nước sạch, đến nay, một số dự án cấp nước xã hội hóa đã hoàn thành, phát huy hiệu quả đầu tư. Trong đó có Nhà máy nước mặt sông Ðuống công suất giai đoạn một là 150 nghìn m3/ngày đêm, sử dụng công nghệ của Ðức, đưa vào vận hành từ tháng 10-2018, nâng tổng công suất các nguồn nước sạch tập trung cung cấp cho Hà Nội đạt khoảng 1,2 triệu m3/ngày đêm. Công suất này cơ bản đáp ứng nhu cầu sử dụng nước sạch cho người dân khu vực đô thị, nhưng mới chỉ 55,5% số người dân sống ở khu vực nông thôn được tiếp cận nước sạch. Ngoài ra, một số nhà máy nước ngầm, mạng lưới cấp nước đã được đầu tư xây dựng từ lâu với công nghệ lạc hậu cũng cần được nâng cấp, thay thế bằng công nghệ mới, nhằm nâng cao chất lượng nước, tiến tới có thể uống nước tại vòi. Về thoát nước, xử lý nước thải, mới có hệ thống thoát nước lưu vực sông Tô Lịch với diện tích khoảng 77,5 km2 là đã được cải tạo đồng bộ. Các khu vực còn lại chưa được đầu tư xây dựng đồng bộ, dẫn đến thường xảy ra úng ngập vào mùa mưa. Việc thu gom, xử lý nước thải sinh hoạt tại khu vực nội đô mới được hơn 30%.

Theo Phó Chủ tịch UBND thành phố Hà Nội Nguyễn Thế Hùng, nhu cầu sử dụng nước sạch của Thủ đô là rất lớn, dự kiến đến năm 2020 là khoảng hai triệu m3/ngày đêm; đến năm 2030 là khoảng ba triệu m3/ngày đêm; đến năm 2050 là khoảng 3,5 triệu m3/ngày đêm. Mục tiêu của Hà Nội đến năm 2020 là 100% số người dân ở khu vực nông thôn có nước sạch sử dụng. Bên cạnh đó, thành phố cũng đặt mục tiêu hoàn thiện hệ thống thoát nước mưa, hệ thống thu gom xử lý nước thải đô thị. Do đó, Hà Nội mong muốn, khuyến khích các nhà đầu tư, các doanh nghiệp có năng lực tài chính, kinh nghiệm tham gia triển khai các dự án thoát nước, xử lý nước thải, cải tạo môi trường Hà Nội, bằng những công nghệ, thiết bị mới nhất của khoa học, kỹ thuật, đáp ứng nhu cầu tiêu chí xây dựng thủ đô Hà Nội văn minh, hiện đại.

Theo các chuyên gia và doanh nghiệp trong ngành nước của Ðức, Hà Nội nói riêng và Việt Nam nói chung cần đẩy mạnh việc ứng dụng công nghệ vào quản lý hệ thống cấp và thoát nước thông minh, triển khai đấu nối tất cả các nguồn cấp và thải để quản lý lượng nước khai thác, lượng nước tiêu thụ, lượng nước thải. Ðồng thời, kiểm soát chất lượng nước mặt, nước ngầm; tính toán, mô phỏng, dự báo mưa, lũ lụt, ngập úng; đưa ra các giải pháp bảo vệ và khai thác hợp lý tài nguyên nước… Quan trọng hơn, Nhà nước cần có các quy định chặt chẽ, cụ thể về việc khai thác, sử dụng nước. Người dân cũng cần nhận thức sâu sắc về tầm quan trọng của nước và cách tiết kiệm, sử dụng nước hiệu quả, bảo vệ môi trường. Các đại diện đến từ Ðức cho biết thêm, tại Ðức hiện có 6.200 công ty cấp nước và 7.000 công ty liên quan đến nước thải. Ðây đều là những doanh nghiệp có công nghệ cao. Thông qua việc gặp gỡ, hai bên có thể trao đổi thông tin, kết nối các doanh nghiệp, tổ chức để cùng hợp tácphát triển ngành nước tại Việt Nam.

Nguồn Nhân Dân: http://nhandan.com.vn/hanoi/item/39579702-thuc-day-hop-tac-phat-trien-nganh-nuoc.html