Thúc đẩy hợp tác Lan Thương - Mekong thực chất hơn, mang nhiều lợi ích hơn nữa cho nhân dân

Nhân Tuần lễ Hợp tác Lan Thương - Mekong năm 2020, Đại sứ Trung Quốc tại Việt Nam Hùng Ba có bài viết bằng tiếng Việt gửi báo chí (*). TG&VN xin giới thiệu.

Đại sứ Trung Quốc tại Việt Nam Hùng Ba

Từ xưa đến nay, sông Lan Thương và sông Mekong chính là món quà thiên nhiên ban tặng các nước trong lưu vực để các bên sinh tồn và phát triển, là cầu nối thiên nhiên để các bên tương trợ lẫn nhau. Hai dòng sông nuôi dưỡng nền văn minh cổ xưa mà rực rỡ, đồng thời bồi đắp nguồn lương thực lớn nhất trên thế giới, kết nối 6 nước “uống chung một dòng sông” thành một cộng đồng chung vận mệnh “đối xử bình đẳng, giúp đỡ chân thành, thân thiết như một nhà”.

Được lấy tên từ hai dòng sông, Hợp tác sông Lan Thương - Mekong ngay khi vừa được đề xướng đã nhận được sự hưởng ứng nhiệt liệt từ các nước. Từ khi bắt đầu được khởi động vào năm 2016 đến nay, Hợp tác Lan Thương - Mekong dần trưởng thành và phát triển, xác định trụ cột hợp tác gồm an ninh chính trị, kinh tế và phát triển bền vững, xã hội và giao lưu nhân dân; khung hợp tác “3+5+X” với 5 lĩnh vực ưu tiên gồm: hợp tác về quản lý nguồn nước Mekong - Lan Thương, tăng cường kết nối giữa 6 nước, hợp tác phát triển năng lực sản xuất, hợp tác kinh tế xuyên biên giới, hợp tác nông nghiệp và giảm nghèo, hình thành mô hình hợp tác “lãnh đạo cấp cao dẫn dắt, phủ sóng toàn diện, đa ngành tham gia”, bồi đắp văn hóa Lan Thương - Mekong mang đặc sắc riêng, trở thành một trong những cơ chế hợp tác có sức sống và có tiềm năng phát triển nhất trong khu vực.

Dưới sự ủng hộ mạnh mẽ và tham gia tích cực của các nước, Trung tâm hợp tác tài nguyên nước Lan Thương - Mekong, Trung tâm hợp tác môi trường, Trung tâm bồi dưỡng giáo dục nghề nghiệp, Trung tâm nghiên cứu sông Mekong toàn cầu, Trung tâm hợp tác nông nghiệp và Trung tâm giao lưu hợp tác thanh niên lần lượt được thành lập. Quỹ đặc biệt hợp tác Lan Thương - Mekong do Trung Quốc thành lập đã tài trợ tổng cộng 265 hạng mục dân sinh tại các nước dọc tuyến và sẽ tăng thêm 144 hạng mục trong năm 2020. Trong bối cảnh chủ nghĩa bảo hộ và chủ nghĩa đơn phương đang nổi lên, hợp tác Lan Thương - Mekong thuận theo lòng người, đáp ứng được nhu cầu phát triển của các nước, mang lại nguồn động lực to lớn cho sự phát triển kinh tế, xã hội của các nước trong khu vực, trong đó có Việt Nam, và cho tiến trình toàn cầu hóa mở cửa, bao trùm, cân bằng và cùng có lợi.

Năm nay, cơ chế hợp tác Lan Thương - Mekong chính thức bước sang năm thứ tư. Hội nghị Bộ trưởng ngoại giao các nước Lan Thương - Mekong được tổ chức ngày 20/2 vừa qua tại Vientiane (Lào) đã thông qua “Thông cáo chung về Hội nghị Bộ trưởng Ngoại giao lần thứ năm”, tổng hợp lại những thành quả và tiến triển trong hợp tác trên các lĩnh vực từ lần hội nghị trước đó, xác định phương hướng và trọng tâm hợp tác tiếp theo, nhấn mạnh cần dốc sức đẩy mạnh hợp tác trên 7 lĩnh vực: xây dựng hành lang phát triển kinh tế Lan Thương - Mekong, y tế công cộng, tài nguyên nước, nông nghiệp, dân sinh, an ninh phi truyền thống và phát triển điều phối cơ chế tiểu vùng.

Đặc biệt là trong bối cảnh tình hình dịch bệnh đang bùng phát, trong khuôn khổ Hội nghị Bộ trưởng ngoại giao, các nước đã phối hợp tổ chức thành công Hội nghị ngoại trưởng đặc biệt về dịch viêm đường hô hấp cấp do chủng mới của virus corona, tổ chức Hội nghị trực tuyến chuyên gia y học lâm sàng các nước, cùng thảo luận về việc tăng cường hợp tác y tế công cộng, thúc đẩy thực hiện các biện pháp đảm bảo an toàn sức khỏe cho nhân dân, phát đi tín hiệu tích cực về tình nghĩa anh em, cùng chung vận mệnh, đoàn kết hợp tác, khắc phục mọi khó khăn giữa các nước trong lưu vực.

Trung Quốc và Việt Nam là hai nước láng giềng hữu nghị, núi sông liền một dải, cũng là đối tác hợp tác chiến lược toàn diện. Cùng với việc thúc đẩy quan hệ song phương phát triển ổn định, Trung Quốc - Việt Nam cũng duy trì phối hợp và hợp tác tốt trong khuôn khổ khu vực như hợp tác Lan Thương - Mekong. Trung Quốc liên tục 17 năm cung cấp cho Ủy ban sông Mekong dữ liệu thủy văn mùa lũ Lan Thương và kịp thời thông báo về điều phối lượng nước tại trạm thủy điện sông Lan Thương, làm hết sức mình để giúp đỡ các quốc gia ở hạ lưu, trong đó có Việt Nam, đối phó với tình hình khẩn cấp như hạn hán nghiêm trọng và mưa bão.

Thời gian gần đây, trong bối cảnh tình trạng hạn hán ở Trung Quốc vô cùng nghiêm trọng, lượng nước ở thượng lưu không đủ, Trung Quốc đã khắc phục khó khăn, khẩn trương tăng cường xả lưu lượng sông Lan Thương, nỗ lực giúp các quốc gia khu vực hạ lưu giảm bớt tình trạng hạn hán. Năm nay, Quỹ đặc biệt hợp tác Lan Thương - Mekong sẽ cung cấp cho Việt Nam 1.460.000 USD dùng để thực hiện 4 dự án gồm: quản lý lũ lụt, hạn hán; thương mại biên giới; đào tạo kỹ năng chuyên ngành xuất nhập khẩu và kết nối tiêu chuẩn lập pháp. Tin tưởng rằng, những dự án này sẽ được thực hiện một cách thuận lợi, đem lại lợi ích cho Việt Nam và người dân tại khu vực, đồng thời, mở rộng hơn nữa nội hàm trong quan hệ đối tác hợp tác chiến lược toàn diện Trung - Việt.

Hợp tác Lan Thương - Mekong sinh ra từ nguồn nước, hưng thịnh nhờ nguồn nước. Dưới thách thức kép của dịch bệnh và hạn hán, để xây dựng tầm nhìn tốt đẹp cho một cộng đồng chung vận mệnh, các quốc gia Lan Thương - Mekong càng cần sự nỗ lực chung của các bên mới có thể hiện thực hóa. Trung Quốc sẽ tích cực thực hiện ý tưởng cộng đồng chung vận mệnh, phối hợp mật thiết với các quốc gia trong lưu vực, trong đó có Việt Nam, cùng nhau phát huy tinh thần cởi mở và bao dung, thúc đẩy hợp tác Lan Thương - Mekong đi vào thực chất hơn, đem lại nhiều lợi ích hơn nữa cho nhân dân trong khu vực.

(*) Bài viết thể hiện quan điểm riêng của tác giả, không phản ánh quan điểm của Tòa soạn. Tiêu đề bài viết do Tòa soạn đặt.

Hùng Ba

Nguồn TG&VN: https://baoquocte.vn/thuc-day-hop-tac-lan-thuong-mekong-thuc-chat-hon-mang-nhieu-loi-ich-hon-nua-cho-nhan-dan-112874.html