Thúc đẩy hợp tác, duy trì tăng trưởng

'Chung vận mệnh, cùng hành động, cùng phát triển' là chủ đề của Hội nghị thường niên Diễn đàn châu Á Bác Ngao (BFA) diễn ra tuần qua tại thị trấn duyên hải Bác Ngao, tỉnh Hải Nam (Trung Quốc), với sự tham gia của hơn 2.000 đại biểu là các quan chức chính phủ, lãnh đạo các tổ chức quốc tế, doanh nghiệp, học giả và giới truyền thông từ hơn 60 quốc gia trên thế giới.

Diễn đàn châu Á Bác Ngao 2019 đạt được đồng thuận hợp tác

 Hội nghị thường niên Diễn đàn châu Á Bác Ngao thể hiện cam kết tăng cường đối thoại, hợp tác đa phương.

Hội nghị thường niên Diễn đàn châu Á Bác Ngao thể hiện cam kết tăng cường đối thoại, hợp tác đa phương.

Trong bối cảnh chủ nghĩa bảo hộ có xu hướng trỗi dậy cùng với những ảnh hưởng tiêu cực từ căng thẳng thương mại giữa hai nền kinh tế lớn nhất thế giới là Mỹ và Trung Quốc, những nội dung trọng điểm của sự kiện được ví như Diễn đàn Kinh tế Davos của châu Á này không nằm ngoài mục tiêu thúc đẩy hợp tác trước những nguy cơ và thách thức với nền kinh tế ở cấp độ khu vực và toàn cầu.

Vốn được xem là động lực tăng trưởng của thế giới, châu Á hiện là lục địa có tiềm năng kinh tế đầy hứa hẹn và dự kiến sẽ trở thành khối hợp tác khu vực lớn nhất hành tinh. Số liệu được công bố tại hội nghị cho thấy, châu Á đã trở thành khu vực kinh tế tăng trưởng nhanh nhất toàn cầu, với tỷ lệ đóng góp đáng tự hào cho tăng trưởng tổng sản phẩm nội địa (GDP) thế giới trong 10 năm qua là 60%. 4 báo cáo học thuật quan trọng nhất được công bố tại hội nghị cũng xoay quanh châu lục với vai trò là đầu tàu tăng trưởng cho thấy thực trạng, tiềm lực và điểm sáng của kinh tế châu Á trong năm nay. Ngoài ra, những thách thức từ an ninh, môi trường, cạnh tranh, toàn cầu hóa buộc các nền kinh tế châu lục phải tìm ra cách thức ứng phó hiệu quả cũng được đề cập tại hội nghị.

Tổng Thư ký BFA Lý Bảo Đông khẳng định, bên cạnh một số nhận thức chung như theo đuổi sáng tạo kỹ thuật, phát triển đạt chất lượng cao hay hợp tác khu vực và quản trị toàn cầu, sự ủng hộ vững chắc cho chủ nghĩa đa phương và toàn cầu hóa thông qua xây dựng nền kinh tế thế giới mở là thành quả quan trọng nhất và cũng là thông điệp đáng khích lệ nhất từ diễn đàn năm nay. Các đại biểu nhấn mạnh tầm quan trọng của tự do thương mại và thúc đẩy cải cách Tổ chức Thương mại thế giới (WTO) nhằm duy trì và phát huy các nguyên tắc cơ bản và giá trị cốt lõi của cơ chế này, duy trì trật tự quốc tế với vai trò hạt nhân của Liên hợp quốc và các thể chế thương mại đa phương dựa trên các nguyên tắc và luật lệ quốc tế. Điều đó sẽ đóng vai trò tích cực trong việc cải tổ hệ thống quản trị toàn cầu theo hướng công bằng và hợp lý hơn, tìm kiếm mẫu số chung cho lợi ích của các quốc gia.

Truyền thông Mỹ đánh giá, hội nghị lần này cũng là dịp để giới chính trị gia và học giả đánh giá những động thái của “người khổng lồ” Trung Quốc đối với các vấn đề kinh tế trong nước, khu vực và thế giới như tiếp tục hội nhập kinh tế, những tiến bộ trong điều chỉnh Luật Đầu tư nước ngoài... Trong bài phát biểu tại lễ khai mạc hội nghị, Thủ tướng Trung Quốc Lý Khắc Cường đã khẳng định quyết tâm của Bắc Kinh trong việc tiếp tục mở cửa sáng tạo, tăng cường động lực phát triển nội sinh, ủng hộ thương mại tự do và công bằng, sẵn sàng hợp tác với các quốc gia trong khu vực để thúc đẩy phát triển và đối phó với các thách thức chung.

Như vậy, diễn đàn được thành lập từ năm 2001 tiếp tục khẳng định vai trò là một trong những kênh đối thoại quan trọng giữa châu Á và các nền kinh tế mới nổi, hướng tới mục tiêu hợp tác thông qua chia sẻ kinh nghiệm, trao đổi nguồn lực và ứng phó với những thách thức chung. Khi động lực của kinh tế thế giới giảm sút, sự đổi mới và hội nhập trên nền tảng của chủ nghĩa đa phương đang là chìa khóa dẫn tới thành công của các nền kinh tế châu Á, qua đó khẳng định và duy trì vai trò dẫn dắt đối với tăng trưởng kinh tế toàn cầu.

Nguồn Hà Nội Mới: http://hanoimoi.com.vn/tin-tuc/the-gioi/930814/thuc-day-hop-tac-duy-tri-tang-truong