Thúc đẩy hợp tác bền vững giữa doanh nghiệp và trường đại học

Ngày 23/10, Đại học Thái Nguyên đã tổ chức Hội thảo 'Thúc đẩy hợp tác bền vững giữa doanh nghiệp và trường đại học'.

Ngày 23/10, Đại học Thái Nguyên và Chương trình Úc cùng Việt Nam phát triển nguồn nhân lực (Aus4skills) đã phối hợp tổ chức Hội thảo “Thúc đẩy hợp tác bền vững giữa doanh nghiệp và trường đại học”.

Hội thảo nhằm chia sẻ kinh nghiệm xây dựng và phát triển mối quan hệ hợp tác bền vững giữa trường đại học và doanh nghiệp, giới thiệu các mô hình hợp tác giữa trường đại học và doanh nghiệp…

Từ đó đề xuất các giải pháp để triển khai mô hình hợp tác thành công và tăng cường cơ hội kết nối, hợp tác giữa các cơ sở giáo dục đại học và doanh nghiệp.

 Đại diện Bộ Giáo dục và Đào tạo, Viện Khoa học Giáo dục Việt Nam, Đại học Thái Nguyên và Trường Đại học RMIT thảo luận về vấn đề Thúc đẩy mối quan hệ bền vững giữa doanh nghiệp và nhà trường.

Đại diện Bộ Giáo dục và Đào tạo, Viện Khoa học Giáo dục Việt Nam, Đại học Thái Nguyên và Trường Đại học RMIT thảo luận về vấn đề Thúc đẩy mối quan hệ bền vững giữa doanh nghiệp và nhà trường.

Dự Hội thảo có ông Brendon Brooker – Bí thư thứ 2 Đại sứ quán Australia tại Việt Nam, ông Michael Sadlon – Giám đốc chương trình Úc cùng Việt Nam phát triển nguồn nhân lực, Tiến sĩ Phạm Như Nghệ - Phó vụ trưởng Vụ Giáo dục đại học (Bộ Giáo dục và Đào tạo), đại diện Viện Khoa học Giáo dục Việt Nam, Trường Đại học RMIT, Trường Đại học Tây Bắc; Sở Khoa học và Công nghệ, Sở Nội vụ tỉnh Thái Nguyên; các công ty, doanh nghiệp trong cả nước…

Về phía Đại học Thái Nguyên có Giáo sư, Tiến sĩ Phạm Hồng Quang –Tỉnh ủy viên, Bí thư Đảng ủy, Giám đốc Đại học Thái Nguyên; Phó giáo sư, Tiến sĩ Trần Thanh Vân – Phó Giám đốc Đại học Thái Nguyên, lãnh đạo các cơ sở giáo dục đại học thành viên, Trường, Khoa trực thuộc, các ban chức năng và hơn 100 các lãnh đạo các phòng, khoa, các đơn vị, các cựu học viên thuộc Hợp phần Nâng cao năng lực các trường đại học khu vực miền núi phía Bắc.

Thay mặt lãnh đạo Đại học Thái Nguyên phát biểu tại chương trình, Giáo sư, Tiến sĩ Phạm Hồng Quang – Bí thư Đảng ủy, Giám đốc Đại học Thái Nguyên đã nhấn mạnh tầm quan trọng của mối quan hệ giữa nhà trường và doanh nghiệp.

Giáo sư nhấn mạnh: Liên kết hợp tác giữa cơ sở đào tạo và doanh nghiệp là nhu cầu khách quan xuất phát từ lợi ích của cả hai phía, trong đó các doanh nghiệp sẽ đóng vai trò là những nhà cung cấp thông tin để các cơ sở đào tạo nắm được nhu cầu của thị trường lao động.

Vì lợi ích của chính mình, hoạt động đào tạo của cơ sở đào tạo luôn hướng tới nhu cầu xã hội, trong đó có nhu cầu doanh nghiệp. Và vì vậy, các cơ sở đào tạo luôn có nhu cầu và cần thiết gắn kết với doanh nghiệp.

Giáo sư, Tiến sĩ Phạm Hồng Quang – Tỉnh ủy viên, Bí thư Đảng ủy, Giám đốc Đại học Thái Nguyên phát biểu tại Hội thảo.

Ông Brendon Brooker, Bí thư thứ hai, Đại sứ quán Úc tại Việt Nam cho biết: chương trình Aus4Skill là một hợp phần của Chương trình Hợp tác Phát triển giữa Úc và Việt Nam giai đoạn 2016 - 2020, với mục tiêu hỗ trợ đào tạo nâng cao chất lượng nguồn nhân lực vùng dân tộc thiểu số, nhất là đội ngũ cán bộ quản lý và cán bộ dân tộc thiểu số là nữ giới, góp phần nâng cao chất lượng đào tạo, tăng tỷ lệ thành công của sinh viên dân tộc thiểu số và thúc đẩy vai trò lãnh đạo của phụ nữ.

Chương trình đã hỗ trợ cho hàng nghìn sinh viên, góp phần tăng tỷ lệ thành công trong học tập của sinh viên là người dân tộc thiểu số, giúp các em nhanh chóng tìm được công việc phù hợp sau khi tốt nghiệp.

Ông Brendon Brooker, Bí thư thứ hai, Đại sứ quán Úc tại Việt Nam phát biểu tại Hội thảo.

Hội thảo đã nhận được nhiều ý kiến tâm huyết từ các chuyên gia đến từ các trường đại học trong nước và quốc tế, như: Phó giáo sư, Tiến sĩ Đỗ Anh Tài, Chủ tịch Hội đồng trường Trường Đại học Kinh tế và Quản trị Kinh doanh (Đại học Thái Nguyên) báo cáo tổng quan “Đánh giá tình hình sinh viên tốt nghiệp của Đại học Thái Nguyên và cơ hội việc làm trong 5 năm qua”; Bà Jen Bahen – Tham tán Giáo dục, Đại sứ quán Australia trình bày báo cáo“Tổng quan về hợp tác giữa trường đại học và doanh nghiệp trong các trường đại học Úc và vai trò của chính phủ trong việc duy trì quan hệ hợp tác bền vững giữa trường đại học và doanh nghiệp”; Ông Melvin Fernando – Trưởng phòng Quan hệ việc làm và doanh nghiệp, Trường Đại học RMIT trình bày tham luận về “Những thực hành của Trường Đại học RMIT trong hợp tác với các doanh nghiệp ở Australia và Việt Nam”…..

Để đi sâu thảo luận về vấn đề hợp tác giữa trường đại học và doanh nghiệp, Hội thảo đã tiến hành thảo luận song song về hai nội dung:

Hợp tác giữa trường đại học và doanh nghiệp trong đào tạo và hợp tác giữa trường đại học và doanh nghiệp trong đào tạo và chuyển giao công nghệ với 14 tham luận của các chuyên gia giáo dục đến từ Trường Đại học Tây Bắc, Trường Đại học Công nghệ Thông tin và Truyền thông, Trường Đại học Nông Lâm, Trường Đại học Khoa học, Trường Đại học Kỹ thuật Công nghiệp, Sở Nội vụ, Sở Khoa học và Công nghệ tỉnh Thái Nguyên, Tập đoàn Khoa học Kỹ thuật Hồng Hải, Công ty Giáo dực HL, Công ty Thương mại Thái Sơn, Công ty Cổ phần Kim Thái, Tập đoàn Ntea Việt Nam, Công ty Chính Đại…

Phó giáo sư, Tiến sĩ Đỗ Anh Tài, Chủ tịch Hội đồng trường Trường Đại học Kinh tế và Quản trị Kinh doanh (Đại học Thái Nguyên) báo cáo tổng quan “Đánh giá tình hình sinh viên tốt nghiệp của Đại học Thái Nguyên và cơ hội việc làm trong 5 năm qua”.

Hội thảo đã thu được nhiều kết quả quan trọng với sự tham gia nhiệt tình, chia sẻ của các trường đại học, doanh nghiệp.

Theo các chuyên gia, về công tác tổ chức đào tạo, các trường đại học cần thay đổi chương trình đào tạo, hình thức đào tạo, đánh giá sinh viên, nâng cao năng lực tự học của sinh viên, tăng cường phối hợp với doanh nghiệp giải quyết những vấn đề thực tế của doanh nghiệp ngay từ khi ở trong nhà trường.

Bên cạnh đó, cần nâng cao vai trò của doanh nghiệp trong thực hiện tổ chức đào tạo, mời doanh nghiệp tham gia vào giảng dạy tại Nhà trường.

Đồng thời, cần thay đổi phương pháp thực tập, sung các kỹ năng mềm cho sinh viên, rèn luyện nâng cao thái độ của sinh viên đối với thực tiễn và công việc được giao, chú ý lựa chọn mô hình đào tạo cho phù hợp, thay đổi mô hình chương trình đạo kịp thời trên cơ sở thực tế.

Về cách thức kết nối với doanh nghiệp, cần đổi mới tư duy của người lãnh đạo, thay đổi tư duy về kết nối với doanh nghiệp, có chiến lược tổng thể để kết nối có hiệu quả hướng đến lợi ích song phương cho Nhà trường và doanh nghiệp; xác định kết nối với doanh nghiệp là nhiệm vụ của tất cả các thành viên trong trường đại học, chứ không phải là việc làm của riêng các nhà quản lý.

Về chính sách tăng cường kết nối, trong thời gian tới cần tăng cường vai trò của doanh nghiệp đối với Nhà trường như tham gia vào hội đồng trường, ban cố vấn của hội đồng doanh nghiệp để tiếp nhận khuyến nghị từ doanh nghiệp; các nhà trường cũng cần xem xét về điều chỉnh thời gian đào tạo, giảm thiểu thời gian đào tạo.

Đồng thời, Đảng và Chính phủ có nhiều rất hỗ trợ trong việc tăng cường hợp tác của Nhà trường với doanh nghiệp

Được biết, trong giai đoạn 2016 – 2020, tại Đại học Thái Nguyên, Chương trình Aus4Skill đã tập trung vào một số lĩnh vực như: Quản trị - lãnh đạo, quản lý trường đại học; Phát triển và đổi mới chương trình, phương pháp giảng dạy, đảm bảo chất lượng… thông qua việc tổ chức các khóa học giúp nâng cao số lượng và chất lượng trong giáo dục và nghiên cứu, cũng như năng lực của Đại học Thái Nguyên, góp phần vào sự phát triển bền vững của khu vực miền núi phía Bắc, đồng thời giúp thiết lập chương trình hợp tác với các tổ chức giáo dục của Úc.

Thu Giang

Nguồn Giáo Dục VN: https://giaoduc.net.vn/giao-duc-24h/thuc-day-hop-tac-ben-vung-giua-doanh-nghiep-va-truong-dai-hoc-post213161.gd